Nỗ lực từ nhà trường
Tỉ lệ học sinh Việt Nam sử dụng thuốc lá điện tử liên tục tăng qua các năm một phần do sự thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử, một phần do dễ dàng tiếp cận mua bán sản phẩm và bị chi phối bởi những nguồn thông tin quảng cáo sai lệch từ nhà sản xuất, người bán hàng. Do vậy, việc cung cấp thông tin khoa học chính xác cho học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử là cần thiết.
Vừa qua, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức chương trình ngoại khóa nhằm cung cấp kiến thức khoa học cho học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử. Trong tháng 10, chương trình hoạt động ngoại khoá với chủ đề: “Loại bỏ thuốc lá điện tử trong môi trường học đường” đã được tổ chức tại 5 trường THCS và THPT trên địa bàn Hà Nội: THCS Chương Dương, THCS Trưng Vương, THPT Kim Liên, THCS & THPT Wellspring.
Hoạt động ngoại khoá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thuốc lá điện tử đã xâm nhập vào trường học, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ, chất lượng học tập, sự phát triển lành mạnh của học sinh. Nhất là khi nhiều học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ngay tại trường học, thậm chí còn rủ rê, lôi kéo các bạn dùng thử với tâm lý “hút cùng cho vui”, “hút để giải trí”.
Trong buổi sinh hoạt ngoại khoá tại Trường phổ thông liên cấp Wellspring, các thầy cô cho biết, năm ngoái trường đã xử lý một trường hợp học sinh lớp 6 sử dụng thuốc lá điện tử và có hành vi mua bán sản phẩm với bạn học. Qua sự việc đó, nhà trường và thầy cô thấy được ở thời điểm này rất cần những hoạt động ngoại khoá về tác hại thuốc lá điện tử để kết nối các em học sinh, phụ huynh, nhà trường, các tổ chức xã hội,… từ đó cùng thảo luận tìm ra giải pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi thuốc lá điện tử, không chỉ tại trường học mà cả ngoài cuộc sống.
Trong khuôn khổ buổi ngoại khóa, lần đầu tiên tấm poster lớn “phơi bày” hàng nghìn hóa chất độc hại có trong thuốc lá điện tử được công bố. Nhiều học sinh bất ngờ khi trước giờ không biết trong sản phẩm thuốc lá điện tử vốn được quảng cáo là ít gây hại lại chứa hóa chất gây nghiện và các hóa chất nguy hiểm vốn là thành phần trong thuốc diệt chuột, thuốc diệt cỏ, chất chống đông, dầu nhớt, chất nổ, nước tẩy.
Chia sẻ về thông điệp của tấm poster, bà Đoàn Thu Huyền - đại diện Campaign for Tobacco-Free Kids nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn mỗi học sinh cần ghi nhớ một hơi thuốc lá điện tử là nạp vào cơ thể hàng nghìn hóa chất khác nhau. Đây hoàn toàn không phải là sản phẩm thay thế cho thuốc lá truyền thống hay đồ chơi vô hại mang tính giải trí như những gì được quảng cáo. Mọi sản phẩm thuốc lá đều gây hại. Thuốc lá điện tử độc hại và nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tương lai của các em, nguy cơ tạo ra một thế hệ nghiện nicotine. Bản thân các em học sinh nên được trang bị kiến thức đầy đủ, biết cách nhận biết nguy cơ, từ đó chung tay loại bỏ hóa chất, loại bỏ thuốc lá điện tử trong trường học và cuộc sống của mình”.
Qua các phần thảo luận, có thể thấy phần lớn học sinh đã từng nghe hoặc nhìn thấy thuốc lá điện tử, nhưng cho đến khi tham gia buổi ngoại khóa rất nhiều học sinh mới lần đầu tiên được tiếp cận những thông tin khoa học chính xác, về hàng ngàn hóa chất độc hại có trong sản phẩm này.
|
Tấm poster “phơi bày” những hóa chất độc hại trong thuốc lá điện tử. (Ảnh: Kênh 14) |
Tiếng nói của học sinh
Không chỉ là sự nỗ lực từ phía nhà trường, các buổi ngoại khoá còn là cơ hội đưa tiếng nói, quan điểm của học sinh về sản phẩm này. Tại mỗi điểm trường, các em học sinh có cơ hội trình bày những kiến thức, hiểu biết, quan điểm của mình liên quan đến thuốc lá điện tử dưới nhiều hình thức như sơ đồ tư duy, hình ảnh, tranh vẽ, đóng kịch. Cách tiếp cận này giúp các em hiểu sâu sắc và áp dụng trong thực tế, tránh bị lôi kéo vào sử dụng thuốc lá điện tử.
Cũng tại buổi ngoại khóa, một số học sinh đã dũng cảm đứng lên chia sẻ trải nghiệm với thuốc lá điện tử trong quá khứ và gửi lời khuyên đến các bạn học của mình. Về giải pháp nhằm loại bỏ thuốc lá điện tử trong môi trường học đường, các em học sinh cho rằng việc nâng cao nhận thức về thuốc lá điện tử là cần thiết nhưng chưa đủ để ngăn chặn sự tấn công của loại thuốc lá mới nổi này. Nhất là khi thuốc lá điện tử xuất hiện tràn lan, được bày bán khắp nơi ngay trong tầm mắt của học sinh, do đó học sinh có thể mua và sử dụng thuốc lá điện tử một cách dễ dàng mặc dù đây là các sản phẩm bất hợp pháp.
Có thể thấy việc đề cao sự chủ động của học sinh trong việc tìm hiểu về tác hại của thuốc lá điện tử là rất cần thiết. Qua các chương trình ngoại khoá, truyền thông tương tự, các em sẽ nắm bắt về tác hại, hệ lụy của ma tuý, thuốc lá, nhất là những vụ việc nghiêm trọng do sử dụng ma túy, thuốc lá điện tử xảy ra trong thời gian qua. Từ đó, các em hiểu rõ hơn và tránh xa các tệ nạn xã hội.
Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Đến năm 2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên là 3,5% và ngày càng trẻ hoá ở học sinh độ tuổi 13 - 15. Nhằm ngăn chặn nguy cơ nghiện nicotine ở giới trẻ, Bộ Y tế đã kiến nghị cấm toàn bộ việc nhập khẩu, lưu thông thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Ngoài ra, để tiếp tục đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường, các trường học cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về luật và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Thực hiện nghiêm Điều 11 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc và có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định.