[links()]
Những ngày qua, cả nước hướng về miền Trung ruột thịt- nơi liên tiếp hứng chịu những đợt mưa lũ dữ dội, cướp đi nhiều sinh mạng và gây thiệt hại to lớn về vật chất, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Trong nguy nan, truyền thống "tương thân, tương ái", "Lá lành đùm lá rách" cao đẹp của dân tộc lại được nhân lên. Nhân dân trong cả nước cùng chung tay đóng góp vật chất, chia sẻ nỗi đau với đồng bào miền Trung ruột thịt và gia đình các nạn nhân bị lũ cuốn trôi trên xe khách mang biển số 48K-5868 tại Hà Tĩnh.
|
Chiếc xe khách mang biển số 48K-5868 đang được trục vớt đưa lên bờ. (Nguồn Internet) |
XOA DỊU NỖI ĐAU (!)
Dù không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão lũ vừa qua, nhưng đâu ngờ, nhân dân các xã Hải Phương, Hải Giang, Hải Minh, Hải Xuân (Hải Hậu), Trực Thắng (Trực Ninh), Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) cũng chịu những mất mát cùng miền Trung ruột thịt. Vào lúc 4 giờ sáng ngày 18-10-2010, chiếc xe khách mang biển số 48K-5868 chạy trên quốc lộ 1A qua địa bàn xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bị nước lũ cuốn trôi; trên xe có 37 người (có 17 người thoát nạn và 20 người bị tử nạn), Nam Định có 10 nạn nhân, trong đó, đau xót nhất có tới 3 cặp mẹ con bị thiệt mạng.
|
Đồng chí Bùi đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên gia đình nạn nhân anh Đinh Văn Lương, xã Hải Minh (Hải Hậu). |
Đón nhận số tiền từ Báo Nam Định, Báo Hà Nội mới, Cty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Nam Định hỗ trợ nạn nhân bị thiệt mạng, bà Đỗ Thị Thanh, cô ruột của nạn nhân Nguyễn Thị Lan, 24 tuổi và con gái Vũ Thị Ngọc Ánh, 7 tháng tuổi, xã Hải Xuân (Hải Hậu), nói trong nước mắt. "Từ lúc nhận được tin dữ, cả gia đình, người thân trong họ cấp tốc vào Hà Tĩnh, đau đáu bên dòng sông Lam, từng ngày, từng giờ mong tìm thấy thi thể chị Lan và cháu Ngọc Ánh mới 7 tháng tuổi. Khi chiếc xe được trục vớt, xác định được thi thể của chị Lan, đau đớn thay, cháu Ngọc Ánh vẫn nằm sâu dưới dòng Lam cuồn cuộn nước dữ. Phút đưa chị Lan về an táng tại quê chồng tỉnh Đắk Nông, chồng chị là anh Nguyễn Văn Vũ, nuốt nước mắt vào lòng, thắp nén nhang cho vợ, xin phép anh em họ tộc, túc trực bên dòng sông Lam dù sóng to, nước lớn để tìm thi thể cháu Ngọc Ánh. Gần 10 ngày kể từ khi chiếc xe định mệnh bị lũ cuốn trôi, anh Vũ đi khắp triền sông tìm con trong nỗi đau đớn tột cùng. Hình ảnh của anh thất thần bên bờ sông Lam khiến bà con không ai cầm được nước mắt, cảm thương, rồi tự nguyện cùng anh đi tìm thi thể cháu Ngọc Ánh. Nghe tin phía biển Cửa Lò phát hiện một thi thể, anh tấp tốc đến nơi… nhưng rồi bật khóc, vì không phải thi thể của con mình. Liên hệ với anh qua điện thoại vào Hà Tĩnh, anh Vũ ngẹn ngào: "Chừng nào chưa tìm thấy cháu, tôi chưa về. Mong các cơ quan hữu trách giúp đỡ gia đình em, tìm thi thể của cháu...!"
|
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, TUV, Tổng biên tập Báo Nam Định cùng lãnh đạo Cty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Nam Định thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân Phạm Thị Cúc và con gái Lê Thị Phương Thảo, xã Hải Xuân (Hải Hậu). |
Trong vụ tai nạn thương tâm, xã Hải Xuân có hai cặp mẹ con bị thiệt mạng. Hôm chiếc xe từ Hà Tĩnh đưa thi thể chị Nguyễn Thị Cúc, 36 tuổi và con gái Lê Thị Phương Thảo, 2 tuổi về an táng tại quê nhà, từ rạng sáng, nhân dân xóm Thiện Thuật, và các làng trong xã Hải Xuân có mặt để đón, tổ chức lễ an táng mẹ con chị. "Hàng trăm người dân Hải Xuân có mặt, đưa tiễn hai mẹ con chị Cúc… không có ai cầm được nước mắt. Ai cũng muốn làm một việc dù rất nhỏ bé để động viên gia đình chị Cúc"- Đồng chí Nguyễn Hồng Chuân, Chủ tịch UBND xã chia sẻ với chúng tôi. Hoàn cảnh của bố con anh Lê Văn Ngọc và cháu Lê Thị Bích Hạnh thật thương tâm, chỉ sau một đêm, chồng mất vợ, mất con, con gái nhỏ 5 tuổi mất mẹ, mất em. Khăn trắng thắt trên đầu, cháu Hạnh chẳng chịu ăn, ngủ, suốt ngày ngồi bên bàn thờ, ngắm nhìn di ảnh của mẹ Cúc… Tới bữa ăn, cháu Hạnh cứ gọi tên mẹ, bảo phải đợi mẹ về… cùng ăn cơm với mẹ Cúc, cùng đút bột cho em Thảo. Anh Lê Văn Ngọc, chồng chị Cúc kể: Biết tin vợ cùng con nhỏ sắp về, anh mua nửa cân thịt, mua một đôi chiếu mới để đón vợ con đi thăm bà nội từ Đắk Nông. Gia đình quá nghèo, biết tin vợ con gặp nạn, anh không có tiền vào Hà Tĩnh, đành phải nhờ bà nội ngược từ Đắk Nông ra hiện trường tìm xác vợ con. Khuôn mặt hằn những nếp nhăn, đôi mắt ngấn lệ, bà Trương Thị Lùn, mẹ chồng chị Cúc kể: "Được tin con dâu và cháu nội gặp nạn, tôi lập tức bắt xe ra Hà Tĩnh đón con cháu về Nam Định". Theo bà Lùn, lúc tìm thấy xác chị Cúc, bộ quần áo màu tím hoa cà đã phai mầu, giấy tờ tùy thân chị không mang theo nên rất khó nhận dạng. Nhờ chiếc điện thoại Nokia 1100 nên người thân và cơ quan chức năng mới xác định được danh tính. Được biết, gia đình chị Cúc thuộc đối tượng hộ nghèo, được hỗ trợ 7 triệu đồng xây ngôi nhà cấp 4. Ngôi nhà vừa hoàn thiện, chị Cúc đưa cháu Lê Thị Phương Thảo vào Đắk Nông thăm bà nội, khi về, mẹ chồng cho 900 nghìn đồng, thì mất tới 600 nghìn đồng tiền xe, còn 300 nghìn đồng về trang trải công nợ. Đâu ngờ, chuyến xe định mệnh đã cướp đi sinh mạng mẹ con chị trong niềm đau xót khôn nguôi.
Cũng như tình người nơi xóm nhỏ Đức Thuật, xã Hải Xuân, trong ngôi nhà nhỏ tại xã Hải Phương của nạn nhân Trần Thị Huệ, luôn chật kín bà con lối xóm đến động viên, chia sẻ. Di ảnh của chị Huệ và cháu Phạm Thị Vi, 2 tuổi như được sưởi ấm bởi tấm lòng nhân ái của cộng đồng. Nước mắt đã cạn, nỗi đau thương mất mát quá lớn như ngấm vào tâm can của người thân trong gia đình, chồng và các con của chị. Anh Phạm Văn Trường, chồng chị Huệ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xúc động khi tìm thấy thi hài của mẹ con chị Huệ, cháu Vy trong lòng chiếc xe khách 48K-5868. Lúc đưa xác hai mẹ con ra khỏi lòng xe, bà con dù không phải là người thân cũng xúm lại giúp anh thay quần áo, tẩm liệm cho chị Huệ và cháu Vy. Trong các nạn nhân là em nhỏ, thi hài của cháu Phạm Thị Vy được tìm thấy đầu tiên; các gia đình mất con, mất cháu vì quá đau đớn cứ nhận đó là con mình. Trước tình huống này, chính quyền huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bối rối, đưa ra ý kiến là an táng cháu Vy trên vùng đất Hà Tĩnh. Gia đình anh Trung không đồng ý, sau khi xem danh sách các nạn nhân là em nhỏ, bác sỹ pháp y đề nghị kiểm tra răng; trước chứng cứ khoa học, cháu bé 2 tuổi có răng sữa, cháu bé 7 và 8 tháng tuổi chưa thể mọc răng, khi đó, thi thể của chị Huệ và cháu Phạm Thị Vy mới được đưa về an táng tại quê nhà. Ông Phạm Xuân An, bố chồng nạn nhân Trần Thị Huệ bày tỏ: "Trong mất mát đau thương của gia đình, chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đã chia sẻ, giúp đỡ gia đình tôi về vật chất và tinh thần. Đó là nguồn động viên to lớn để gia đình chúng tôi vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống…!".
NHÂN LÊN NHỮNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI
Ngay sau khi chiếc xe khách được trục vớt, thi thể của các nạn nhân được đưa về an táng tại quê nhà, đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Báo Nam Định, Báo Hà Nội Mới, Cty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Nam Định, lãnh đạo các huyện Hải Hậu, Trực Ninh đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân: Phạm Văn Tưởng, 25 tuổi, xóm 5, xã Trực Thắng (Trực Ninh); Đinh Văn Lương 37 tuổi, xã Hải Minh (Hải Hậu); Nguyễn Thị Duyên, 20 tuổi, xã Hải Giang (Hải Hậu); Phạm Thị Cúc, 36 tuổi và con gái là Lê Thị Phương Thảo, xã Hải Xuân (Hải Hậu); Trần Thị Huệ, 36 tuổi và con gái là Phạm Thị Vy, 2 tuổi, xã Hải Phương (Hải Hậu). Tại các nơi đến thăm, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã động viên, chia xẻ nỗi đau thương, mất mát với người thân của các gia đình nạn nhân; đồng thời yêu cầu và kêu gọi các cấp, các ngành, các đoàn thể tổ chức chính trị, các nhà hảo tâm cùng các tầng lớp nhân dân nêu cao truyền thống tương thân tương ái cao đẹp của dân tộc, cùng chung tay giúp đỡ các gia đình nạn nhân bị tai nạn trên xe khách 48K-5868 nói riêng và giúp đỡ ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt; trong đó, cần có sự quan tâm sâu sắc đến thân nhân các gia đình nạn nhân là những em nhỏ, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong vụ tai nạn.
|
Các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tỉnh Nam Định đóng góp hàng hóa, vật dụng ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ. |
Ngày 26-10-2010, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và nhân dân tỉnh Nam Định, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi thư thăm hỏi, chia sẻ đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và một số tỉnh miền Trung về những thiệt hại, mất mát to lớn do hai đợt mưa lũ gây ra vừa qua. Tỉnh Nam Định đã trích ngân sách và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hỗ trợ, góp phần làm giảm nỗi đau mất mát của nhân dân vùng lũ lụt tại Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thay mặt cho lãnh đạo tỉnh và gia đình nạn nhân gửi lời cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ tận tình của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong việc tìm kiếm và tạo điều kiện đưa thi thể người dân Nam Định gặp nạn về quê tỉnh Nam Định và tỉnh Đăk Nông.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, trong những ngày qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã vận động, quyên góp hàng hóa, thuốc men, tiền giúp đỡ đồng bào miền Trung ruột thịt. Để động viên, chia sẻ kịp thời đến gia đình các nạn nhân người Nam Định bị thiệt mạng trên xe khách 48K-5868, bước đầu, UBND tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 5 triệu đồng; huyện Hải Hậu hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 1 triệu đồng; tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng, vận chuyển các thi thể nạn nhân về an táng tại quê nhà. Báo Nam Định, Báo Hà Nội mới, Cty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Nam Định hỗ trợ các gia đình nạn nhân với tổng số tiền là 37 triệu đồng. Đây là những nghĩa cử cao đẹp, giàu truyền thống nhân văn, nhân đạo, nhân rộng tấm lòng nhân ái, chung tay xoa dịu nỗi đau, mất mát với đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt vừa qua và gia đình các nạn nhân trên xe khách 48K-5868 bị tai nạn tại Hà Tĩnh./.
Việt Thắng