'Chung tay' xử lý các vấn đề pháp luật và tư pháp của cộng đồng ASEAN

(PLO) - Hôm qua (14/11), tại Hà Nội, được sự phối hợp của USAID, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn Pháp luật ASEAN với chủ đề “Một số Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế trong mối liên hệ với ASEAN” để cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các kết quả nghiên cứu, gia nhập và thực thi các Công ước này. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã đến tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Những năm qua, hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng đi vào thực chất, toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, an ninh, quốc phòng đến văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Trong bối cảnh đó, hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn để cùng chia sẻ, đóng góp vào việc xử lý các vấn đề pháp luật và tư pháp của mỗi nước và của cả khu vực.

Tuy các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác tư pháp quốc tế, nhưng để đạt được những mục tiêu của mình thì theo Thứ trưởng, cần nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến hay giải pháp thực hiện các đề xuất, sáng kiến đã có. Trong đó, không thể không cân nhắc, tính đến khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) và các Công ước của tổ chức này.

Thứ trưởng thông tin, Việt Nam đã đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, đặc biệt đã ban hành Hiến pháp mới năm 2013. Từ chính nhu cầu nội tại và yêu cầu hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động nghiên cứu và quyết định trở thành thành viên Hội nghị La Hay vào năm 2013; gia nhập Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế vào năm 2011 và Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại vào năm 2016. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khả năng gia nhập một số Công ước khác của Hội nghị La Hay liên quan trực tiếp đến hợp tác pháp luật và tư pháp. 

Tại diễn đàn, các đại biểu nhất trí cho rằng, trong ASEAN có nhiều cơ chế, diễn đàn khác nhằm thúc đẩy hợp tác về pháp luật và tư pháp, nhưng vai trò trung tâm là Hội nghị Bộ trưởng Pháp luật và Tư pháp các nước ASEAN với nhiều đề xuất, sáng kiến được thông qua, trong đó có các sáng kiến thúc đẩy hợp tác về tư pháp quốc tế, tương trợ tư pháp về dân sự. Điều đáng mừng là đã có sự phát triển vượt bậc về việc gia nhập Hội nghị HCCH và các Công ước của Hội nghị từ phía các nước ASEAN trong thời gian qua. Nếu vào năm 2008, ASEAN mới có 1 quốc gia là thành viên của Hội nghị với tổng số Công ước La Hay mà các nước ASEAN gia nhập là 6 thì đến năm 2016 các con số này đã tăng lên thành 4 nước và 12 Công ước. Đây là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn và thật sự cần thiết đối với ASEAN.

Diễn đàn năm nay tập trung vào 2 Công ước đa phương quan trọng của La Hay về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại là Công ước năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp (HCSA) và Công ước năm 1980 về thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore về tống đạt, Luật sư cao cấp (Văn phòng Tổng Chưởng lý Singapore) Jeffrey Chan Wah Teck cho biết, Singapore không phải là thành viên của Công ước HCSA nhưng HCSA có thể phù hợp với việc thực hiện yêu cầu tống đạt của nước ngoài tại Singapore và pháp luật Singapore cũng không cấm hoặc hạn chế việc thực hiện tống đạt yêu cầu nước ngoài tại Singapore. 

Giới thiệu tổng quan Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại, đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, các quốc gia ký kết Công ước có hệ thống pháp luật dân sự coi Công ước là bắt buộc, trong khi các nước thuộc hệ thống thông luật thì có xu hướng coi Công ước là không bắt buộc. Tuy nhiên, việc tham gia Công ước tạo điều kiện thuận lợi thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của sự khác biệt giữa hệ thống pháp luật dân sự và thông luật. 

Đọc thêm