Chung tiền bạn gái mua công ty, bị âm thầm "bán đứng"

Hai người quen biết chung tiền tỷ mua lại một doanh nghiệp, ngờ đâu một ngày, một người bị người kia “bán đứng”, câu chuyện diễn ra tại TP.Thái Bình.

 Hai người bạn cùng chung tiền mua lại một doanh nghiệp, ngờ đâu một ngày, một người bị người kia “bán đứng”, câu chuyện diễn ra tại TP.Thái Bình. 

Bà Trần Thị Kim Tân.

Mua chung

Bà Trần Thị Kim Tân (số nhà 45, Phố Phạm Ngũ Lão, tổ 31, phường Bồ Xuyên, TP. Thái Bình) và bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan quen biết với nhau. Tháng 9/2009, hai người góp vốn mua lại Công ty TNHH GAMI GAS tại Khu công nghiệp thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Thương vụ làm ăn chung ban đầu diễn ra xuôi chèo mát mái. Chủ sở hữu GAMI GAS - Công ty cổ phần tài chính và phát triển doanh nghiệp FBS -  đồng ý bán công ty con với giá 7 tỷ 850 triệu đồng. Nhóm nhà đầu tư, gồm bà Tân, bà Ngoan cùng ông Ngô Thế Văn thống nhất ba người góp 4 tỷ đồng, còn lại hơn 3 tỷ đồng vay ngân hàng.

Từ ngày 16/10/2009 đến ngày 14/10/2010, bà Tân góp 1,313 tỷ đồng, cộng với 1 tỷ đồng bảo lãnh cho khoản nợ 850 triệu đồng của FBS tại Ngân hàng đầu tư và phát triển Thái Bình; bà Ngoan góp 1,313 tỷ đồng, cộng với 669,540 triệu đồng cho công ty vay; phần mình, ông Ngô Thế Văn góp 1,313 tỷ đồng, cộng với 881,674 triệu đồng cho công ty vay.

“Vì một số lý do cá nhân, tôi đề xuất để chị Ngoan làm chủ tịch và là người đại diện theo pháp luật Công ty GAMI GAS, tôi làm phó giám đốc đồng thời chủ tài khoản”, bà Tân trần tình.

Bán riêng

“Tuy nhiên, sau 8 tháng tiếp nhận DN, nhận thấy việc  kinh doanh thua lỗ, bà Ngoan định giá công ty lên 14 tỷ đồng và  âm thầm chào bán 9 tỷ đồng nhưng chưa có người mua. Sau đó bà  ta  xin rút vốn” – “khổ chủ” Trần Thị Kim Tân vẫn chưa hết bức xúc khi kể về hành vi bị cho là khuất tất của người bạn.

Từ 20/07/2010, bà Tân đã nhận quyền quản lý toàn bộ công ty và chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng 02 giấy uỷ quyền số 01 ngày 20/07/2010 và số 02 ngày 26/07/2010 trong khi chờ làm thủ tục sang tên.

“Ngày 21/7/2010, bà Ngoan đã viết giấy chuyển nhượng cổ phần và  nhượng lại cổ phần cho tôi, sau đó đã lấy hết lãi suất tiền cho vay là 51.301.000 đồng; vốn cổ phần và vốn gốc cho vay là 2,5 tỷ đồng (tăng hơn tới 517.460.000 đồng), thể hiện qua 5  phiếu chi và một  giấy biên nhận” -  bà Tân trần tình.

 Theo tài liệu chúng tôi có được, thì bà Ngoan sau khi bàn giao quyền quản lý Công ty GAMI GAS cho bà Tân bằng 2 giấy uỷ quyền, đã thoả thuận trong vòng 3 tháng phải làm xong thủ tục chuyển đổi đăng ký kinh doanh, nhưng cam kết đó đã không thành hiện thực. Không những “nuốt lời”, ngày 28/10/2010 bà này lại quay trở về “chiếm đoạt” lại DN, không cho bán hàng, lấy lý do có đơn tố cáo công ty trốn thuế. Đỉnh điểm tranh chấp xảy ra vào ngày 03/11/2010, khi bà Ngoan đoạt luôn con dấu pháp nhân DN.

Theo điều tra, sở dĩ bà Ngoan phải dùng “kế hoãn binh” không làm thủ tục chuyển đổi DN cho bà Tân là vì bà Ngoan đã đã bán hết công ty cho bà Ngô Thị Tuyết (chị gái ông Ngô Thế Văn)  vào ngày 21/11/2010. Trong đó, tài sản công ty đã được “chia phần”: của bà Tân có 2/3, ông Ngô Thế văn có 1/3.

Có hay không có hành vi lừa đảo?

Sau này, bà Tân mới được biết, DN của mình đã bị đổi tên thành Công ty TNHH GAS PHÚ HOÀNG AN; giá chuyển nhượng cho bà Ngô thị Tuyết đúng bằng 7 tỷ 850 triệu đồng, tổng số tiền này mình bà Ngoan ký lĩnh.

“Tôi gọi điện cho bà Ngoan đòi lấy lại 4 tỷ đồng, đó là tổng số tiền  tôi đã nộp vào tài khoản Công ty GAMI nhưng bà Ngoan không trả và tránh mặt tôi. Không những thế bà Ngoan còn nhắn tin đe doạ tôi và chồng tôi”, bà Tân tố cáo.

Sự việc  diễn ra căng thẳng khiến bà Tân đã nhiều lần gửi đơn lên cơ quan CSĐT Công an Thái Bình tố giác hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhưng chỉ nhận được nội dung trả lời: vì vụ việc phức tạp, sẽ sớm có kết luận trả lời. 

Diễn biến mới nhất cũng đã diễn ra từ cuối năm ngoái. Theo đó, tại biên bản làm việc ngày 27/12/2011, cơ quan công an cho bà Tân hay: ngày 20/12/2011 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã  ra quyết định số 01 về việc không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc này.

Mặc dù vậy, cho đến này “khổ chủ” Trần Thị Kim Tân – người đến nay vẫn đang là đại diện theo pháp luật của một công ty đã bị bán - vẫn tiếp tục kêu kiện và một mực tin  rằng, công lý sẽ được thực thi.

Trường Lưu

Đọc thêm