Tiểu đoàn 2, trung đoàn 45 pháo binh cơ giới thuộc Đại đoàn 351 làm nhiệm vụ tiếp quản Hải Phòng, khu 300 ngày vào tháng 5-1955, là đơn vị pháo binh cơ giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “chấn động địa cầu” buộc quân xâm lược Pháp phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam.
|
Bộ đội vào tiếp quản Nhà hát thành phố trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân |
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ trung đoàn kéo pháo từ Điện Biên trở về làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10-10-1954, sau đó tham gia khối pháo binh cơ giới trong lễ duyệt binh đón Bác Hồ và Chính phủ về Thủ đô Hà Nội ngày 1-1-1955.
Tiếp đó, đơn vị đóng quân thực hành huấn luyện chính quy quân đội tại sân bay Bạch Mai. Khi ấy, tôi đang làm tham mưu trưởng tiểu đoàn 2, trung đoàn 45 thì được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng, nhận nhiệm vụ chỉ huy tiểu đoàn tiếp quản Hải Phòng-khu 300 ngày vào tháng 5-1955.
Nhiệm vụ tiếp quản khu 300 ngày được dặt dưới sự lãnh đạo của Ban chỉ đạo khu 300 ngày do đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Trung ương Đảng, làm trưởng ban, theo quyết định của Bộ Chính trị. Khu vực 300 ngày là khu vực rất quan trọng về mọi mặt, trước sau thực dân Pháp không muốn rút bỏ. Ở hội nghị Giơ-ne-vơ, việc quy định nơi này thuộc về bên nào là điểm đấu tranh gay go giữa ta và Pháp. Đây là nơi tập kết cuối cùng trước khi chúng rút hoàn toàn khỏi miền Bắc Việt Nam . Chúng đã tung dư luận có thể hoãn ngày rút quân tại đây. Thực dân Pháp cử tướng Bu-lắc, tư lệnh phó lục quân Pháp tại miền Bắc Việt Nam về thay đại tá Nê-mô chỉ huy khu vực Hải Phòng, chấn chỉnh lại việc bố phòng khu vực 300 ngày để đối phó với sự thâm nhập của ta, ngăn chặn sự tan rã lực lượng của chúng, thực hiện âm mưu cưỡng bức di cư, vơ người, vét của và phá hoại, chuyển máy móc vào Nam. Đế quốc Mỹ cũng phái tướng Cô-lin đến Hải Phòng cùng với 200 chuyên viên cố vấn để tăng cường mọi hoạt động phá hoại…
Về quân sự, chúng bỏ tổ chức liên khu, sử dụng hai sư đoàn phụ tổ chức chiếm đóng, bố trí thành các phân khu. Riêng thành phố Hải Phòng là khu lớn nên được tăng cường binh lực, trước chỉ một tiểu đoàn, nay là một trung đoàn, thấp nhất là do một trung tá chỉ huy. Lực lượng trong toàn khu vực 300 ngày của địch gồm có 35 tiểu đoàn bộ binh, lính dù và một số binh chủng chuyên môn như pháo binh, công binh, cơ giới, chiến xa… Riêng lực lượng không quân còn 57 khu trục, 43 máy bay vận tải, 4 phi cơ trinh sát; về hải quân còn 3 thủy đội.
Về chính trị, chúng chấn chỉnh lại bộ máy nguy quyền, bỏ tỉnh, huyện, chia thành các đại lý. Riêng đại lý Hải An gồm 59 xã thuộc 3 huyện Hải An, An Dương, Thủy Nguyên. Quyền hành ở khu 300 ngày tập trung vào thủ hiến miền Bắc Việt Nam do Lê Quang Luật chịu trách nhiệm, cũng do đó mà thường xảy ra mâu thuẫn giữa bọn này với cơ quan thị chính Hải Phòng. Địch tăng cường tuần tra, khám xét, vây ráp để bắt bớ cơ sở ta, ngăn chặn ta xâm nhập, kết hợp bắt lính, tăng cường tuyên truyền bằng báo chí, truyền thanh, chiếu phim, xuyên tạc chủ trương chính sách của ta, tiếp tục bao vây kinh tế gây khó khăn cho việc làm ăn, buôn bán của nhân dân; tăng cường hoạt động do thám gián điệp, đẩy mạnh hoạt động của các đảng phái phản động.
Chỉ trong bốn tháng sau khi ký hiệp định, càng gần đến ngày tiếp quản thành phố Hải Phòng, cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra càng quyết liệt. Gần 300 ngày đêm với trên 200 cuộc đấu tranh trong khu vực tập kết, quân dân ta đã vận dụng, sáng tạo nhiều hình thức phong phú, vừa dựa vào cơ sở pháp lý của hiệp định, vừa biểu dương sức mạnh có hiệu lực của quần chúng, kết hợp với vận động làm tan rã, phân hóa hàng ngũ địch, nên đã đem lại thắng lợi to lớn.
Tiểu đoàn 2 pháo binh chúng tôi làm nhiệm vụ tham gia tiếp quản, ban chỉ huy ngoài tôi là tiểu đoàn trưởng, có đồng chí Nguyễn Văn Dụ là chính trị viên, đồng chí Tham mưu trưởng Bùi Đạt, gồm 3 đại đội cùng các phân đội trinh sát, kế toán, thông tin, lái xe, hậu cần, trang bị 12 khẩu lựu pháo 105 ly, 12 xe kéo pháo, 8 xe chỉ huy, chở đạn, hậu cần, khí tài trinh sát, thông tin v.v…Sau khi giao nhiệm vụ, chỉ huy trung đoàn kiểm tra toàn diện, kiện toàn, bổ sung cán bộ, quân số, trang bị, dụng cụ đủ theo biên chế và cơ số chiến đấu.
Đầu tháng 3-1955, tiểu đoàn nhận lệnh hành quân chiến đấu với yêu cầu phải tuyệt đối bí mật, an toàn. Trước cuộc hành quân chiến đấu vào khu tập kết quan trọng này, cấp trên bí mật huy động dân quân, du kích ở các làng, xã 2 bên đường 5 đúng đêm ngày “N” ra đứng gác 2 bên đường, bảo đảm cho đoàn xe đi vào khu tập kết được tuyệt đối an toàn. Nhất là các ngã ba, ngã tư trọng điểm, thường phải có 2 du kích đứng gác.
Đúng 23 giờ ngày “N”, tiểu đoàn xuất phát hành quân qua cầu Long Biên. Theo đường 5, đến 4 giờ sáng hôm đó chiếc xe cuối cùng vào tập kết tại nhà máy Chai thị xã Hải Dương đầy đủ và an toàn, là “thắng lợi đầu tiên” theo nhận xét của trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu Mỹ. Sau khi tập kết, che kín xe pháo, canh gác tuần tra nghiêm ngặt, cán bộ chiến sĩ đơn vị có 2 tháng làm công tác chuẩn bị tiếp quản. trong thời gian này, đơn vị ôn luyện, học bắn mục tiêu trong thành phố có nhà cao tầng, các phân đội pháo thủ, trinh sát, kế toán, thông tin, vô tuyến điện, lái xe học ôn kỹ thuật chuyên môn phục vụ cho pháo chiếm lĩnh trận địa và bắn được chính xác; tổ chức đoàn cán bộ, chỉ huy đi xác định mục tiêu cho pháo bắn, dự kiến có nhà máy tơ, nhà máy cá, nhà ga, nhà băng 5 sao, ngã 6, cảng, xưởng đóng tàu Ca-rich, khu Máy chai, cầu Cấm và một số mục tiêu khác. Trong số công việc chuẩn bị, việc tìm trận địa đặt pháo ở hướng tây-bắc cách trung tâm nội thành khoảng dưới 10 cây số khá khó khăn, phức tạp. Khu vực này vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát của địch, ta có ít cơ sở kháng chiến. Trước khi chúng tôi chọn trận địa phải móc nối với cơ sở để có nơi tạm nghỉ và người quen địa hình dẫn đường. Anh em bàn kỹ với cơ sở về cách ngụy trang, mặc quần áo dân, cách ra làm đồng, hay đi lễ mộ thắp hương, đi làm mấy tốp, chọn xong vị trí đặt trận địa, đánh dấu, đo tọa độ, tìm đường kéo pháo vào… tất cả yêu cầu chính xác và bí mật. Phải kiên trì, tính toán làm hàng tháng mới xong. Còn việc xác định vị trí đài quan sát chỉ làm được trên bản đồ và nắm qua cơ sở trong nội thành.
Việc quan trọng khác đối với đơn vị là triển khai học tập chính sách vùng mới giải phóng, hiểu rõ cách chống lại âm mưu phá hoại của Pháp-Mỹ trong tiếp quản dựa trên kinh nghiệm tiếp quản Hà Nội và Hải Dương. Sau 2 tháng được sự chỉ đạo của trên, đơn vị hoàn thành công việc chuẩn bị tiếp quản Hải Phòng đạt kết quả tốt.
Theo quyết định của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu Tả ngạn và Ban chỉ đạo khu vực 300 ngày, lực lượng chủ lực tham gia tiếp quản gồm trung đoàn 52, Đại đoàn 320 (tiếp quản thị xã Kiến An); trung đoàn 42, một tiểu đoàn của trung đoàn 53, Đại đoàn 350 (tiếp quản thành phố). Tiểu đoàn pháo 105 ly là hỏa lực chi viện chung cho các đơn vị bộ binh tiếp quản trung tâm thành phố , sở chỉ huy pháo binh, khu Hải quân, Nhà máy oxygen, chùa Đỏ.
Trung đoàn 42 cử nhiều cán bộ, chiến sĩ được tôi luyện trong chiến đấu và tích lũy được kinh nghiệm trong tiếp quản thị xã Hải Dương tham gia đơn vị tiếp phòng, nhận bàn giao của địch. Như kế hoạch đã định, đêm 12 rạng sáng 13-5 toàn bộ xe pháo vào chiếm lĩnh trận địa an toàn và bí mật. Các tổ đài vào khu ống khói nhà máy xi măng, liên lạc thông suốt giữa trận địa, đài quan sát với sở chỉ huy.
|
Đội pháo cao xạ diễu qua các phố tiến vào lễ đài (13-5-1955) |
Sáng sớm 13-5-1955 các đơn vị bộ binh tiến vào trung tâm nội thành trong tiếng trống, kèn đồng hùng tráng vang dội và tiếng hoan hô của hàng chục nghìn bà con mang cờ hoa, ảnh Bác đứng chào đón đông kín trên đường 5 vào thành phố. Ở khu vực bố trí trận địa pháo, bà con ngạc nhiên vô cùng, những khẩu pháo lớn ngày trước trong tay giặc Pháp bắn phá giết hại bao dân lành, bây giờ thì đang nằm trong tay bộ đội ta, nòng vươn cao, hướng vào trung tâm thành phố. Bà con vui mừng, reo lên! Trời ơi, Đảng ơi! Pháo to của quân đội, sao mà phấn khởi thế! Hoa, cờ, khẩu hiệu được bà con đem ra tận trận địa tặng các pháo thủ chiến thắng trận Điện Biên năm trước. Quân dân gặp gỡ phía sau trận địa, bảo đảm khoảng cách cho pháo có lệnh là bắn suốt ngày 13-5-1955 đáng ghi nhớ ấy.
Chiều ngày 13-5-1955, người dân Hải Phòng tận mắt chứng kiến cảnh chiếc tàu Dirin Boocđo chở những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời khỏi bến cảng. Tất cả các nơi bộ đội ta vào tiếp quản chỗ nào cũng thấy rừng cờ đỏ sao vàng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tay người dân đón chào. Đối phương và phóng viên báo chí nước ngoài có mặt hết sức ngạc nhiên. Ngày 14-5-1955, quân dân Hải Phòng hết sức vui mừng và vinh dự nhận được điện khen của Bác Hồ: “Các đơn vị bộ đội và cán bộ công nhân viên các ngành Quân-Dân-Chính-Đảng đã tiếp thu khu chu vi Hải Phòng đúng kế hoạch”. Người căn dặn phải luôn luôn: “Làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, dựa vào lực lượng quần chúng. Tỉnh táo đề phòng kẻ địch âm mưu phá hoại”.
Tối 14-5-1955, tiểu đoàn 2 pháo binh được lệnh rút về Sở Dầu Sel, nhiệm vụ tiếp quản đã hoàn thành. Tôi nhớ sau khi tiếp quản vài ngày, anh Lê Đình Số- chủ nhiệm chính trị trung đoàn thông báo buổi chiều vào Nhà hát lớn nghe cấp trên nói chuyện. Khi chúng tôi đang nghe đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hải Phòng nói chuyện, đột nhiên Bác Hồ bước ra. Cả hội trường đứng lên vỗ tay và hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác phải ba lần ra hiệu ngồi xuống và nói: Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng, Bác đề nghị đồng chí Chủ tịch Quân quản cho Bác nói chuyện với bà con trước để Bác về Hà Nội làm việc. Bác mời mấy cụ và sư thầy lên hàng ghế trên, Bác nói xong, Chủ tịch thành phố tặng Bác bó hoa, Bác đưa tận tay tặng sư thầy mặc áo vàng.
Đây là lần đầu tôi được gặp Bác Hồ. Hình ảnh của Bác cứ mãi trong ký ức của tôi, không thể nào quên. Tôi nghĩ đúng Bác Hồ là vị cứu tinh của dân tộc Việt Nam ta. Sau đó ít ngày đơn vị hành quân về “sân bay Tông” Sơn Tây, tiếp tục huấn luyện.
Trong cuộc đời quân ngũ 45 năm của tôi, phục vụ 2 binh chủng bộ binh và pháo binh, có một sự trùng hợp nhớ mãi. Ngày 20-11-1946, tôi là tiểu đội trưởng Đại đội 18 Thái Bình tham gia đánh Pháp trận đầu tại nghĩa địa Đồng Thiện-Hải Phòng. Thế là đánh quân Pháp khởi hấn Hải Phòng ngày 20-11-1946 và chứng kiến quân Pháp rút khỏi Hải Phòng ngày 13-5-1955, tôi đều có vinh dự được tham dự. Đó là kỷ niệm không thể nào quên.
(Hồi ức của Thiếu tướng Tô Thuận, Nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng pháo binh)