Chưởng môn kiêm thủ lĩnh Ét-vê

QTV - Phạm Tiến Dũng, lớp FB1 (ĐH Ngoại thương Hà Nội) được gọi là “chàng trai 3 trong 1”, khi vừa làm Giám đốc Cty, vừa là thủ lĩnh sinh viên và là người sáng lập phái võ Combine...

QTV - Phạm Tiến Dũng, lớp FB1 (ĐH Ngoại thương Hà Nội) được gọi là “chàng trai 3 trong 1”, khi vừa làm Giám đốc Cty, vừa là thủ lĩnh sinh viên và là người sáng lập phái võ Combine...

Lớp học võ của CLB FBIS
Lớp học võ của CLB FBIS.

“Biết đến võ thuật là một duyên lớn trong đời tôi”, Dũng tâm sự. Tuổi thơ bất hạnh, bố mẹ mất khi 13 tuổi, Dũng rời Thanh Hóa vào Tuy Hòa (Phú Yên) sống cùng bác họ. Dũng bắt đầu sống tự lập, biết đến võ thuật Bình Định và theo học phái võ Phật Sơn từ người thầy mà Dũng là ân nhân. “Tôi cứu thầy thoát khỏi chết đuối, từ đó thầy dạy võ cho tôi”, Dũng kể.

Võ thuật ngấm vào người nên năm 2009, khi đang là sinh viên năm thứ hai ĐH Ngoại thương, Dũng sáng lập CLB võ thuật và tầm nhìn quốc tế ĐH Ngoại thương (FBIS) cùng môn võ mang tên Combine, mang ý nghĩa kết hợp- đoàn kết theo đúng nghĩa của tên tiếng Anh.

“Kết hợp cái khó, cái khổ, những tinh túy, bản lĩnh, trí tuệ của người trẻ để cùng học hỏi, rèn luyện, hình thành kỹ năng sống...”, Dũng giải thích.

Chưởng môn phái này cũng cho hay, môn võ mới phát huy các thế võ cổ truyền của dân tộc Việt, có điểm mạnh là hướng đến tri thức, sự năng động. Người học võ Combine sẽ được nâng cao trí tuệ, ý chí, nghị lực, sức mạnh, có những tố chất của lãnh đạo với tinh thần quyết đoán, tính đột phá mạnh mẽ...Combine vẫn được bạn trẻ gọi là phái võ của lãnh đạo trẻ.

Ra đời được gần 2 năm, CLB của Dũng thu hút hơn 100 sinh viên tham gia, trong đó có nhiều bạn đến từ Trung Quốc, Lào...

Phạm Tiến Dũng (giữa) và sinh viên ĐH Ngoại thương
Phạm Tiến Dũng (giữa) và sinh viên ĐH Ngoại thương.

Thủ lĩnh sinh viên

Dũng SN 1982, từng tốt nghiệp ĐH Xây dựng, chuyên ngành kinh tế xây dựng. Từng đi làm, thi công nhiều công trình, Dũng tưởng sẽ gắn đời mình với ngành xây dựng. Tuy nhiên, khi làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, Dũng nhận thấy vốn tiếng Anh của mình quá kém nên gặp nhiều bất lợi.

“Tôi bỏ làm, mua sách về tự học tiếng Anh. Sau 2 năm, tôi thi vào ĐH Ngoại thương với hy vọng sẽ có nhiều cơ hội”, Dũng kể.

Năm 2008, Dũng trở thành sinh viên ĐH Ngoại thương, chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế. Năng nổ hoạt động ngay từ đầu, Dũng vừa làm lớp phó, vừa là Bí thư Đoàn lớp FB1, tích cực tham gia hoạt động của Đoàn trường. Với mô hình học theo tín chỉ, các chi đoàn khó khăn trong tập hợp đoàn viên, hoạt động Đoàn bị hạn chế. Trong khi đó, sinh viên vẫn cần được trang bị kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động nhóm, sức khỏe tinh thần...

Từ đây, Dũng khởi xướng hoạt động Đoàn ngay trong khuôn khổ CLB FBIS với mục đích tập hợp sinh viên cùng chia sẻ, trao đổi kỹ năng...

Mô hình thành công, sau đó hàng loạt các CLB khác ở ĐH Ngoại thương ra đời và hoạt động hiệu quả. CLB FBIS đưa quân đi thi Rung chuông vàng (VTV3-Đài truyền hình Việt Nam), tham dự tình nguyện viên Indoor Game, APEC, ngày hội võ thuật nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, giành nhiều giải trong thi đấu thể thao, võ thuật...

Nghị lực sống

Mồ côi cha mẹ, Dũng là anh cả vừa đi học, vừa phải vật lộn kiếm tiền nuôi ba em ăn học. Hiện bốn anh em Dũng đều học ĐH, sống cùng Dũng trong căn nhà trọ tại Hà Nội. Bốn anh em chủ yếu sống nhờ vào tiền Dũng kiếm được từ việc dạy võ, dạy học tiếng Anh, làm thêm về công nghệ thông tin.

“Tôi luôn tin vào tương lai và thường tìm thấy những sáng kiến, những yếu tố mới”, Dũng tiết lộ bí quyết vượt khó.

Hiện thủ lĩnh sinh viên Phạm Tiến Dũng đang làm giám đốc một Cty cổ phần thương mại và dịch vụ về lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, tư vấn du học, dịch thuật, đào tạo kỹ năng mềm với 12 thành viên. Cty mới thành lập được 3 tháng, hứa hẹn mở ra con đường mới.

Trường của những câu lạc bộ

ĐH Ngoại thương Hà Nội nổi tiếng bởi hoạt động Đoàn với rất nhiều câu lạc bộ (CLB) như CLB Nguồn nhân lực (HRC), CLB Marketing, CLB Nhà doanh nghiệp tương lai (TEC), CLB sinh viên nghiên cứu khoa học (YRC), CLB chứng khoán, CLB Music, CLB Dancing, CLB MC& thời trang, CLB tiếng Anh, Trung, Pháp, Nhật, CLB truyền thống...

Theo Tiền Phong

Đọc thêm