’Chướng ngại’ phân luồng học sinh vào trường nghề

Chất lượng đào tạo chưa công khai, học sinh bỏ học nhiều, phụ huynh e ngại khi cho con học trường nghề... là những "chướng ngại vật" cho việc phân luồng học sinh THCS vào các Trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề.

Chất lượng đào tạo chưa công khai, học sinh bỏ học nhiều, phụ huynh e ngại khi cho con học trường nghề... là những "chướng ngại vật" cho việc phân luồng học sinh THCS vào các Trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề.

Ngành giáo dục đặt ra mục tiêu từ năm 2010 đến 2020 phải thu hút 30% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề. Tuy nhiên, mục tiêu này không chỉ bị “ách tắc” ở khâu phân luồng học sinh vào trường nghề, TCCN mà còn đứng trước khó khăn rất lớn là thu hút và giữ chân HS. Đây cũng là bức xúc được nêu ra tại Hội thảo “Định hướng và phân luồng HS phổ thông” do Sở GD - ĐT TP HCM và Trường trung cấp kỹ thuật - kinh tế Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức hôm qua.

Lo con hư vì… học trường nghề

Theo Bộ GD-ĐT, hằng năm chỉ có 20.000 - 25.000 HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN. Con số này chỉ chiếm 10% so với tổng quy mô đào tạo TCCN  hằng năm. Số HS học tiếp lên THPT cũng khó qua “cửa ải” tốt nghiệp và trung bình hằng năm có khoảng trên dưới 200.000 HS rớt tú tài. Ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trung cấp KTKT  Nguyễn Đức Cảnh phân tích: “Nếu phân luồng hiệu quả sau THCS, hàng trăm ngàn HS sẽ không mất quá nhiều thời gian, công sức học 3 năm THPT để rồi không đủ sức vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp”.

Công tác phân luồng không hiệu quả khiến hàng trăm nghìn học sinh mất ba năm theo học THPT vẫn trượt tốt nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy
Công tác phân luồng không hiệu quả khiến hàng trăm nghìn học sinh mất ba năm theo học THPT vẫn trượt tốt nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy

Theo thầy Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng THPT Lê Thánh Tôn (quận 7), chướng ngại lớn nhất hiện nay của việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS là chưa giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh. Một số cuộc khảo sát của các phòng Giáo dục TP cho thấy, nhiều phụ huynh có suy nghĩ cho con em vào học nghề sẽ “bị” hư hỏng. Do đó, các trường cũng khó lòng thuyết phục và hướng nghiệp cho HS vào các trường nghề hay TCCN.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT TP HCM cho rằng, để giải tỏa được tâm lý này của phụ huynh, các trường nghề và TCCN cần phải xem lại “bộ mặt” của trường mình, đặc biệt là cơ sở vật chất và chất lượng đầu ra. “Làm sao phụ huynh có thể tin tưởng trao con em mình cho một ngôi trường xập xệ được”, ông Minh nói.

Học sinh cũng không “mặn mà”

Ông Trần Thái Việt, Hiệu trưởng THCS Hoàng Quốc Việt đề xuất: các trường nghề và TCCN nên công khai chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo và đặc biệt là triển vọng nghề nghiệp tương lai, thậm chí là mức lương công việc sau này. “HS bây giờ rất thực tế. Các em thường so sánh, nếu học trường nghề, TCCN liệu ra trường tấm bằng tốt nghiệp của mình có giá trị thế nào”,  thầy Việt nói.

Ở khía cạnh khác, các nhà quản lý giáo dục cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thêm đối với dạy nghề. “Thật không công bằng khi người học theo diện phổ cập lại được hưởng hỗ trợ 400.000 đồng/năm, còn HS tại cơ sở dạy nghề lại không được hỗ trợ bất kỳ kinh phí nào”, ông Phan Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói.

Bà Trương Tuyết Phụng, chuyên viên Phòng Giáo dục, huyện Cần Giờ chia sẻ thêm: “Các gia đình ở Cần Giờ chủ yếu là nghèo, lao động phổ thông nên nhiều em phải nghỉ học giữa chừng để đi làm phụ giúp kinh tế gia đình. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ kinh phí hay học bổng, việc phân luồng các em học nghề hay TCCN rất khó,”.

Ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng TC Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến HS bỏ trường nghề, TCCN là vì theo quy định của Bộ GD-ĐT, các em phải học bổ túc các môn văn hóa THPT (mức độ khó thấp hơn bậc THPT chính quy, nhưng phải cao hơn hệ GDTX).

“Các em bị hổng nhiều kiến thức cơ bản nên không theo học nổi. Nếu trường dành quá nhiều thời gian phụ đạo môn văn hóa thì không thể đáp ứng được chương trình dạy nghề. Do đó, HS chán nản và bỏ học”, ông Trung nói và dẫn chứng năm học 2007-2008, có 61% HS của trường bỏ học; năm học 2008-2009, con số này là hơn 50%”.

Theo Đất việt

Đọc thêm