Chương trình chống bệnh lao ở Việt Nam - Thách thức không nhỏ

Đó là nhận định của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam tại hội nghị Hô hấp và phẫu thuật lồng ngực, do Hội Phổi Pháp – Việt tổ chức tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày 10 – 12/11.

Đó là nhận định của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam tại hội nghị Hô hấp và phẫu thuật lồng ngực, do Hội Phổi Pháp – Việt tổ chức tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày 10 – 12/11. Thách thức đầu tiên mà chương trình chống lao (CTCL) Việt Nam phải đối mặt đó là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực làm công tác chống lao. Theo Phó giáo sư Đinh Ngọc Sỹ, cán bộ làm công tác chống lao đang già đi, không có người thay thế trong khi bệnh lao đang “trẻ lại”. Số lượng y, bác sĩ chống lao thiếu hụt và không bổ sung đủ số lượng là do nghề chống lao có nguy cơ lây nhiễm cao, thu nhập thấp và còn tồn tại những sự kỳ thị không đáng có trong xã hội. Hiện, gần 50% số cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện là người mới và chưa được đào tạo. Cùng với các khó khăn nêu trên, chính sách và pháp luật liên quan đến CTCL của nước ta cũng chưa đủ mạnh. Hệ quả của thách thức này là việc quản lý thuốc chống lao trôi nổi trên thị trường chưa chặt chẽ, dẫn đến việc người dân có thói quen tự chữa bệnh mà...không cần thầy thuốc. Nguy hiểm của thói quen này thật khôn lường. Bệnh lao trên người nhiễm HIV và việc kiểm soát lây nhiễm lao trong cơ sở điều trị HIV chưa được quan tâm đầy đủ cũng gây không ít khó khăn cho công tác phòng lây nhiễm lao. Cùng với hạn chế này, tình trạng lao đa kháng thuốc, khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân lao còn nhiều khó khăn; sự phối hợp dịch vụ y tế công – tư trong chống lao còn nhiều hạn chế... cũng là những thách thức không nhỏ của CTCL ở Việt Nam. Với việc phát hiện hơn 70% số bệnh nhân lao mới mắc hàng năm và điều trị khỏi hơn 85% trong số đó, chương trình chống lao Việt Nam đã đạt được chỉ tiêu của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc lao hiện nay của dân số trong nước vẫn còn cao hơn 1,6 lần so với ước tính. Hàng năm Việt Nam vẫn còn phát hiện khoảng 150.000 bệnh nhân lao các thể và khoảng 12.000 trường hợp bệnh nhân HIV nhiễm lao...Với số lượng lớn như thế nhưng mỗi năm cũng chỉ mới có khoảng 100.000 bệnh nhân đăng ký điều trị. Thực trạng này quả là thách thức không nhỏ đối với chương trình chống lao ở nước ta./.
(Theo TTXVN)

Đọc thêm