Chương trình nhà thu nhập thấp, vai trò Nhà nước đến đâu?

Chính sách hỗ trợ nhà thu nhập thấp (NTNT) rơi rụng dần, khiến dư luận băn khoăn về vai trò của nhà nước trong chính sách an sinh quan trọng này?.
Chính sách hỗ trợ nhà thu nhập thấp (NTNT) rơi rụng dần, khiến dư luận băn khoăn về vai trò của nhà nước trong chính sách an sinh quan trọng này?.

Ưu đãi “đầu voi đuôi chuột”

Chính sách ưu đãi “đầu voi đuôi chuột” chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nản chí cả chủ đầu tư và người nghèo trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nhà thu nhập thấp (NTNT).  Ban đầu, tại Quyết định 67 ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư không phải nộp thuế giá trị gia tăng (thuế suất 0%), được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Nhưng 3 tháng sau, tại Quyết định 96, chủ đầu tư NTNT chỉ còn được giảm 50% thuế giá trị gia tăng, nhưng chỉ trong thời hạn hết ngày 31/12/2009; chỉ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2009 (trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến nhà thu nhập thấp).

Bên cạnh đó, nguồn tín dụng ưu đãi vô cùng khó khăn khiến dự án NTNT đội giá. Theo quy định hiện hành, các dự án NTNT được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), thế nhưng, trong số 39 dự án NTNT đang triển khai, chỉ duy nhất dự án NTNT Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư được VDB giải ngân 10% vốn ưu đãi (tương đương 30 tỷ đồng).

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc dự án NTNT không thể tiếp cận vốn vay ưu đãi, một phần vì VDB cũng có những khó khăn nhất định khi được Chính phủ giao nhiệm vụ trong việc huy động vốn cho rất nhiều chương trình, nhiều dự án quan trọng mà hiện nay vấn đề huy động vốn trên thị trường rất khó khăn. Thứ nữa, theo ông Nam, lãnh đạo VBD cũng chưa nhận thức đúng tầm quan trọng, nghĩa vụ của VDB đối với các chủ trương chính sách của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng. Chính vì thế, VDB chưa tham gia mạnh mẽ, chưa thể hiện vai trò của mình một cách đúng mức trong chính sách NTNT.

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải vay ngân hàng thương mại, và khi đó thì chi phí đầu vào tăng sẽ phải cơ cấu vào giá thành, và người mua cuối cùng chính là người phải chịu những chi phí đó” – ông Nam nói.

Vai trò Nhà nước -  đến đâu?

Là nhà quản lý đầu ngành về lĩnh vực nhà ở, nhưng ông Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận rằng, giá nhà ở Hà Nội cao ngoài lí do là “luôn cao” thì nguyên nhân khác là doanh nghiệp phải đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân theo giá thị trường. Đây là một góc độ thể hiện cách “chúng ta tổ chức phát triển nhà thu nhập thấp chủ yếu theo cơ chế thương mại có sự hỗ trợ và kiểm soát của nhà nước”.

Theo bình luận của nhiều chuyên gia, trong chính sách an sinh xã hội quan trọng này, nhà nước chưa làm “đủ tầm”. Ví như, tại sao không thể mạnh tay điều tiết, giao mặt bằng sạch cho DN, để gánh nặng GPMB không rơi vào người mua nhà. Nhà nước cũng chưa có chính sách bắt buộc hoặc khuyến khích DN ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào xây dựng để giảm giá thành. Thêm nữa, đến lúc này vẫn chưa ban hành được một quy trình chuẩn để áp dụng đối với những dự án NTNT, nên xây bao nhiêu tầng, công nghệ ra sao, tiện nghi như thế nào… hoàn toàn do “ý” chủ đầu tư. Thế mới có chuyện NTNT giá lên tới hơn 13 triệu đồng/m2, khiến những người nghèo đô thị dù rất cần chỗ ở cũng không dám mon men tới NTNT.

Kết

Phải khẳng định một điều, nhu cầu ổn định chỗ ở của người thu nhập thấp còn rất lớn. Khoảng cách không gian của các dự án, cùng với khoảng cách về giá cả, đang là rào cản không nhỏ giữa người dân và dự án. NTNT cần phải được xác định rằng đó không đơn giản là một phân khúc thị trường BĐS, mà là một chính sách an sinh xã hội quan trọng. Có thể thu hút nguồn lực xã hội hóa, nhưng nhà nước phải nắm “đằng chuôi” – không chỉ bằng chính sách mà bằng cả thực chất.

Bằng mọi cách, người dân nghèo phải được tạo điều kiện ổn cư, chứ không thể để doanh nghiệp tự xoay xở rồi đẩy tất cả chi phí vào giá thành theo đúng cơ chế thị trường. Người nghèo cần có NTNT phù hợp khả năng chi trả, chứ không phải là NTNT có giá cao hơn với tiện nghi tốt hơn “phù hợp với khả năng thanh toán của mình để có điều kiện ở tốt hơn” (lời ông Nguyễn Trần Nam). Bởi đã là người nghèo, đều cần đến sự hỗ trợ của nhà nước để có chỗ ở, thì thiết nghĩ không nên phân biệt người nghèo nhiều hơn và người nghèo ít hơn.

Thủ tướng đồng ý lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, đề án thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng vừa được Thủ tướng phê duyệt. Quỹ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến từ 1% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động.

Theo đề án, sau khi đóng góp người lao động sẽ được hưởng lãi suất từ 3 -5%/năm tùy theo giá trị đóng góp và đối tượng huy động. Sau khi hình thành với giá trị nhất định, Quỹ sẽ được mở cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp kèm những quy định về đối tượng và điều kiện vay. Quỹ cũng sẽ dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Việc đóng góp này hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động.

Bách Nguyễn

Đọc thêm