“Để con tự học” và kỷ niệm 10 năm đồng hành cùng các cha mẹ Việt Nam
TS.Nguyễn Thị Thu tốt nghiệp chương trình tiến sĩ Đại học Tsukuba, Nhật Bản. Sau hơn 11 năm sinh sống và học tập tại Nhật, chị trở về nước và đồng sáng lập, kiêm giám đốc phụ trách chuyên môn và đào tạo của hệ thống trường mầm non Tsubaki - giáo dục trẻ theo phương châm Nhật Bản. Chị cũng là người đầu tiên chia sẻ về phương pháp đọc ehon của cha mẹ Nhật đến phụ huynh Việt Nam, chị được mời làm diễn giả trong các buổi talkshow, workshop về phương pháp đọc ehon và giáo dục gia đình trên khắp cả nước.
Nhiều độc giả biết đến chị Thu thông qua cuốn sách “Kỷ luật mềm của trái tim” - cuốn sách được rất nhiều phụ huynh yêu thích. Ngoài ra chị cũng là dịch giả của nhiều cuốn sách nuôi dạy con bán chạy của Nhật. Chị cũng là tác giả của các cuốn sách nổi bật do Thái Hà Books phát hành như: Kỷ luật mềm trong gia đình, Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học, Sổ nhiệm vụ - To do list... Và trong chương trình giao lưu “Những câu chuyện trong gia đình Việt”, chị cũng đã cho ra mắt một cuốn sách hứa hẹn sẽ được độc giả quan tâm nhiều hơn, mang tên “Để con tự học”.
Cuốn sách này sẽ là “cứu tinh” để giúp cả bố mẹ và con cùng đạt được mong ước “tự giác học” trong hoà bình mà không cần phải gây căng thẳng cho nhau trong quá trình cùng nhau rèn thói quen tự học. Bởi vì cuốn sách sẽ bắt đúng bệnh mà các bạn nhỏ thường gặp như tính lề mề, hay quên, hay trì hoãn, cẩu thả, chỉ thích làm việc mình thích cứ không muốn làm việc phải làm. Khi đọc cuốn sách này các bạn nhỏ sẽ được “hướng dẫn đúng cách” để giúp mình loại bỏ đi những rào cản cho việc tự giác và tự học, để khiến việc học tập trở nên dễ dàng hơn.
Trước khi rèn thói quen tự học các em phải rèn cho mình thói quen tự giác. Tiếp đến để tạo nên thói quen tự học các em phải cần đến sự kỷ luật và biết đề ra các mục tiêu để duy trì các thói quen học tập. Và để tạo động lực cho khát khao học tập chúng ta rất cần đến sự tò mò và tinh thần ham đọc sách để nâng cao năng lực học tập.
Khi thực hành theo những gợi ý trong cuốn sách các em không chỉ hình thành thói quen tự tác giác, tự học mà các em còn thấy tự tin vào chính bản thân mình hơn, thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ, và mở mang tâm trí giúp các em tiến xa hơn ở những bậc học tiếp theo.
|
TS.Nguyễn Thị Thu (bên phải). |
Chương trình giao lưu “Những câu chuyện trong gia đình Việt”
Gia đình là một chủ đề bao trùm rất nhiều những câu chuyện như xây dựng tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nề nếp sinh hoạt, cách nuôi dạy con, việc học của con như thế nào… Trong chương trình, những ông bố, bà mẹ đã được giao lưu và chia sẻ với các diễn giả về những bí quyết để xây dựng một gia đình hạnh phúc và đồng hành cùng các con để trưởng thành. Ngoài TS Nguyễn Thị Thu, chương trình có sự tham gia của diễn giả, nhà văn Hoàng Anh Tú; dịch giả, diễn giả Nguyễn Quốc Vương cùng MC, Host Nguyễn Minh Trang - người sáng lập Hộp Háo Hức.
Theo các diễn giả, bất cứ đứa trẻ nào cũng cần lớn lên trong môi trường giáo dục có tính nhất quán và quy tắc, đặc biệt là khi trẻ từ 3 tuổi. Ở giai đoạn 3 - 10 tuổi, bố mẹ cần nuôi dưỡng cho con nền tảng quan trọng nhất để con hình thành nên nhân cách, thói quen tốt và năng lực học tập cơ bản.
|
4 khách mời trong chương trình. |
Diễn giả, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, anh có 3 người con, nhưng chưa một ngày nào tham gia học cùng con từ bạn lớn đến bạn nhỏ, anh cũng may mắn vì các con mình có sự tự lập từ nhỏ. Quan niệm sống về con cái trong gia đình anh rất đơn giản, “bố bình thường thì không kỳ vọng con phi thường” - “kỳ vọng thì đau mà hy vọng thì tin”. Nhà văn chia sẻ về nỗi sợ không dạy được con học của đa số các phụ huynh Việt hiện nay, đó là hãy tạo cho con cơ hội được tự học, tự trải nghiệm, cha mẹ sẽ lui về đằng sau với vai trò giống như một nhà tư vấn. “Hãy xây dựng cho con cái môi trường học tập thật tốt từ nhà đến trường. Ở nhà, tôi thiết kế cho các con không gian học tập làm sao để các con cảm thấy thoải mái khi bước chân vào phòng. Tôi cũng cố gắng cho các con học ở những trường tốt nhất, để các bạn có thể phát huy hết khả năng của mình. Các phụ huynh cũng nên dành thời gian cho con cái nhiều hơn, đây là điều tối quan trọng vì thời gian này các bạn nhỏ đang dần hình thành nhân cách và rất cần sự quan tâm từ cha mẹ” - Anh Tú chia sẻ.
Đồng quan điểm với anh Hoàng Anh Tú, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng khi con bắt đầu vào lớp 1, cha mẹ nên thoái lui, để cao cho con tính tự học. “Ngoài tính tự học, gia đình tôi dạy con không cần kèm sát như kiểu phong cách truyền thống. Việc tự học này rất tốt, không tạo áp lực cho các bạn mà còn rèn cho các con tính tự lập. Và không có gì tốt hơn bằng bắt đầu từ việc học, thói quen sẽ được hình thành từ đó và đi theo các bạn trong suốt quá trình phát triển” - Anh Vương cho biết.
Gia đình và bố mẹ luôn muốn dành những điều kiện tốt nhất dành cho con cái của mình, nhưng vẫn cần có những nguyên tắc và kỷ luật mềm mỏng nhất định để tạo nề nếp, thói quen tốt cho trẻ. Cha mẹ có thể không theo đuổi để dạy được con tất cả các kiến thức học thuật thay cho trường học, nhưng bố mẹ sẽ chú trọng dạy con các kỹ năng sống, cách tư duy, thói quen tốt, cùng sự tò mò. Và 5 từ khóa: “Yêu thương - Kiên nhẫn - Thừa nhận - Khen ngợi - Tin tưởng” sẽ là kim chỉ nam để tạo nên một gia đình hạnh phúc.