Chút hoài niệm về nghề giáo

Thấm thoắt đã hơn 35 năm qua kể từ ngày bước chân vào nghề dạy học. Thuở còn là ông giáo “gõ đầu trẻ” cho đến bây giờ khi gần đến tuổi trở về theo quy luật muôn đời của cuộc sống nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 20-11, lòng tôi không khỏi xốn xang, có chút gì đó rạo rực. Bồi hồi nhớ lại cảm giác nao nao, hạnh phúc khi nhận những bông hoa tươi thắm từ tay những em học trò thương yêu trao tặng. Và cũng chính từ những tình cảm, những ánh mắt, nụ cười thân thương ấy của các em học trò đã làm cho “cây đời tôi” bén rễ vào nghề dạy học tự lúc nào!
Thấm thoắt đã hơn 35 năm qua kể từ ngày bước chân vào nghề dạy học. Thuở còn là ông giáo “gõ đầu trẻ” cho đến bây giờ khi gần đến tuổi trở về theo quy luật muôn đời của cuộc sống nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 20-11, lòng tôi không khỏi xốn xang, có chút gì đó rạo rực. Bồi hồi nhớ lại cảm giác nao nao, hạnh phúc khi nhận những bông hoa tươi thắm từ tay những em học trò thương yêu trao tặng. Và cũng chính từ những tình cảm, những ánh mắt, nụ cười thân thương ấy của các em học trò đã làm cho “cây đời tôi” bén rễ vào nghề dạy học tự lúc nào!

Ngày Tết của thầy, cô giáo đến với ngành giáo dục nói chung và ngành giáo dục lý luận chính trị nói riêng khá muộn, nhưng đội ngũ thầy cô giáo giảng dạy lý luận chính trị, trong đó có tôi, đón nhận ngày hội của mình với tình cảm nhiệt thành và sâu lắng.

Mỗi lần đón ngày hội cũng là dịp để cho mình tự chiêm nghiệm, hồi tưởng lại cả quá trình đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, những cái được, cái chưa được, những niềm vui, nỗi buồn, những băn khoăn, trăn trở... Tất cả như cuộn phim cuộc đời quay chậm, tái hiện trước mắt tôi... những năm tháng miệt mài với nghề dạy học. Và đó cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi.

Cuộc đời nhà giáo! Thời nào cũng vậy và ai cũng vậy “thanh bạch chẳng vàng son”. Từ thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng... cho đến thế hệ chúng ta hôm nay, mấy ai được giàu sang, sung sướng. Nhưng hạnh phúc lớn nhất mà không phải ai cũng có được là đem đến “cái chữ” cho mọi người, đó là sự nghiệp “trồng người”. Như cụ Lê Quý Đôn đã từng khẳng định: “Phi trí bất tiến” - ai làm nhiệm vụ nâng cao trí tuệ cho con người để thúc đẩy xã hội tiến lên, chính là đội ngũ thầy cô giáo. Chính vì thế mà Đảng ta đã chỉ rõ: “Văn hóa, giáo dục là yếu tố nội sinh, là động lực của sự phát triển”.
Chúng ta biết rằng, ngày nay, đánh giá sự giàu có của một quốc gia không phải tài nguyên nằm trong lòng đất mà nằm trong ngay chính bản thân của mỗi người, đó là trí tuệ, là chất xám. Cuộc cạnh tranh quyết liệt về kinh tế hiện nay, thực chất đó là cuộc cạnh tranh về công nghệ và chất xám. Và cũng chính vì thế, ngày nay người ta xây dựng lại lý thuyết phát triển, thừa nhận tính nhiều cạnh của sự phát triển mà chiều cạnh văn hóa, giáo dục là không thể xem nhẹ.

Liên hiệp quốc đánh giá sự phát triển của một quốc gia không chỉ căn cứ GDP/người/năm mà còn dựa vào chỉ số HDI: Đó là thành tựu về giáo dục & y tế; trình độ dân trí & tuổi thọ trung bình & mức sống...

Nếu căn cứ vào GDP/năm thì Việt Nam vẫn còn xếp vào loại nước nghèo nhưng nếu căn cứ vào chỉ số HDI thì nước ta xếp vị trí 107/170 nước được xếp loại. Do đó, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, là đầu tư chiều sâu và có lãi nhất, đó là đầu tư mang tầm chiến lược của một quốc gia.

Năm nay đón chào ngày Tết của thầy, cô giáo, tôi rất mừng là xã hội đã đánh giá đúng vai trò, vị trí của ngành giáo dục nói chung và giáo dục chính trị nói riêng. Từ đó, xã hội đã đề cao và tôn vinh đội ngũ thầy cô giáo.

Thời tiết đang chuyển mùa, những cơn mưa rả rích cùng với cái lạnh se se dễ làm cho lòng người chùng xuống... Những kỷ niệm, ký ức về năm tháng của “ông giáo già” cứ lần lượt hiện ra, tôi khe khẽ: Ngày Tết của thầy cô giáo sắp về!

Trần Văn Thiết

Đọc thêm