Chuyên án săn bắt cướp H88 – những huyền thoại chưa kể (Kỳ 1)

H là từ viết tắt của “Hải Phòng” và “Hình sự”. 88 là viết tắt của năm thành lập 1988, cũng là biểu tượng của… chiếc còng số 8 răn đe trấn áp tội phạm. Cụm từ ấy đã trở thành nỗi kinh hoàng của giới lưu manh, giang hồ đất Cảng, vốn được coi là “cứng đầu bậc nhất thiên hạ”.

Kỳ 1:Trận đánh mở màn bắt tướng cướp gục đầu xin lỗi người dân

H là từ viết tắt của “Hải Phòng” và “Hình sự”. 88 là viết tắt của năm thành lập 1988, cũng là biểu tượng của… chiếc còng số 8 răn đe trấn áp tội phạm. Cụm từ ấy đã trở thành nỗi kinh hoàng của giới lưu manh, giang hồ đất Cảng, vốn được coi là “cứng đầu bậc nhất thiên hạ”.

Loạn cướp đường

Những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước vừa thống nhất, Hải Phòng là cửa ngõ về kinh tế, an ninh quốc phòng của khu vực các tỉnh phía Bắc. Đất Cảng thời này cũng sản sinh ra lắm “hảo hán” lẫy lừng trong giới đao búa.

Hàng loạt ổ nhóm tội phạm sinh sôi nảy nở, cấu xé lẫn nhau tranh giành lãnh địa. Đường sông, đường biển, đường bộ, đều bị bọn cướp thi nhau làm loạn, ngang nhiên chặn xe trấn lột, xin đểu.

 Một chuyến xe trên tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh (Hình tư liệu)
Một chuyến xe trên tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh (Hình tư liệu)

Nóng bỏng nhất lúc đó là tình hình cướp bóc trên các tuyến giao thông trên bộ. “Con đường tơ lụa” nằm trên tuyến quốc lộ 18A, từ Hải Phòng đi Quảng Ninh, bị biến thành “con đường đau khổ” dưới lưỡi lê của bọn lưu manh. Chúng chọn tuyến này để làm ăn vì đây là đường tắt của dân buôn chuyến Hải Phòng – Quảng Ninh, khách đi lại đa phần đều ít nhiều có tiền của giắt lưng. Mỗi lần đi qua đoạn đường dài 20km trên, cả nhà xe lẫn hành khách lại nhớn nhác ngó ra đường.

Bọn cướp này có kiểu “chơi” đặc biệt, chuyên dùng lê, không dùng súng. Chúng có thể xuất hiện bất thình lình ở bất cứ địa điểm nào thuộc “lãnh địa”. Nghe tiếng động cơ xe gần đến, hai tên mới lững thững đi ra đứng chặn giữa đường, bộ dạng khệnh khạng đe dọa, mũi lê nhọn hoắt sáng lóe chĩa ngược lên trời. Tiền bạc, tư trang, nhẫn, đồng hồ… chúng đều lột sạch, thậm chí thấy cái mũ đẹp, cái túi xách hay hay, một bao thuốc lá xịn, chúng cũng cười hềnh hệch “xin” tuốt.

Hầu như không ai dám ho he phản kháng vì bọn này chẳng ngán mà không lấy luôn mạng người. Nhiều trường hợp không chịu “hợp tác” bị chúng đánh bò lê bò càng, nhà xe thì hết đường làm ăn vì bị chúng quậy phá, nay vỡ kính, mai thủng lốp, tài xế, phụ xe đều bị đòn nhũn người.

Nếu không có việc bắt buộc, chẳng ai dám bén mảng đến cung đường “quỷ ám” này. Riêng bà con buôn bán, mỗi lần thấy chúng đành nín lặng “xì” tiền ra coi như… đóng thuế.

Sợ hãi trước sự táo tợn của bọn côn đồ, nhiều tài xế, dân buôn đã lẳng lặng bỏ nghề, số còn lại đành thở dài chấp nhận sống chung với cướp. Người dân sống trong cảnh nơm nớp lo lắng, người nơi khác phải đến, hoặc đi qua địa phận Hải Phòng cũng tim đập chân run.

Biệt đội H88 ra đời

Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần vào cuộc, nhưng nạn cướp đường không thuyên giảm, chặn nơi này lại nảy nòi ở nơi khác, trắng trợn hơn và dã man hơn. Trước tình hình ấy, lãnh đạo thành phố và Công an Hải Phòng quyết định thành lập một Đội cảnh sát hình sự đặc biệt mang bí số H88 trấn áp bọn tội phạm.

Chữ “H” là viết tắt của từ Hải Phòng, cũng là viết tắt của từ Hình sự. Số “88” vừa là năm thành lập của đội, vừa là biểu tượng của còng số 8. Bên cạnh nhiệm vụ triệt phá các ổ nhóm tội phạm cộm cán, đội hình sự đặc biệt H88 phải khẩn trương quét sạch bọn cướp đang làm loạn trên các tuyến giao thông.

Tình hình không cho phép để biệt đội mới thành lập có thời gian để học tập, “chờ việc”. H88 phải ra quân ngay, mục tiêu đánh tuyến đầu tiên là chặn đứng lưỡi lê của bọn cướp.

Một ngày như thường lệ, chuyến xe từ Hải Phòng đi Móng Cái có 3 vị khách nam lạ mặt, một anh có vẻ nhút nhát, ngồi trên xe cứ khư khư ôm bọc đồ, một anh đội mũ cối sùm sụp, cổ tay đeo chiếc đồng hồ sáng loáng “rõ sang”, người còn lại nhìn phớt đời nom ra chẳng biết sợ ai. Mỗi anh một bộ dạng, bước lên xe cùng lúc, nhưng hình như không cùng hội vì mỗi người ngồi một nơi. Một bà buôn chuyến thì thào với người ngồi ghế kế bên: “Chắc ở nơi khác đến, đeo cái đồng hồ hớ hênh thế kia chỉ tổ cho bọn nó (bọn cướp) xơi”. Dân đi quen tuyến này chẳng ai dại mà đeo tư trang, có tiền bạc gì cũng giấu kín.

Xe lắc lư chạy đến đoạn qua huyện Thủy Nguyên, 3 vị khách lạ đưa mắt nhìn qua cửa xe lơ đãng ngắm đường xá. Bất ngờ chiếc xe thắng gấp. Có tiếng đập cửa phía sau uỳnh uỳnh, một tên cướp vác lưỡi lê vọt lên, mắt lơ láo, chẳng nói chẳng rằng, thọc mũi lê đánh rầm lên nóc xe.

Hành khách nín thở ngồi im chờ tên cướp đến lột tiền. Hắn đi qua các hàng ghế, lần lượt nắn túi từng người. Nhìn vị khách nam đi tay không mặt mũi cũng có vẻ bặm trợn, hắn “hừ” một tiếng rồi bỏ qua.

Đến chỗ người thanh niên đeo đồng hồ, hắn cười nhâng nháo rồi gằn giọng: “A, có cái đồng hồ đẹp gớm. Cho mượn tạm nào”, nói rồi kéo tay nam thanh niên ra tháo lấy.

Hành khách trên xe căng mắt chờ xem anh thanh niên có phản ứng gì không, có người nào đó thở dài ngao ngán vì cảnh này cứ tái diễn mãi.

Bất ngờ cả 3 vị khách nam đồng loạt đứng bật dậy, chỉ trong nháy mắt đã quật tên cướp xuống sàn xe, tước lưỡi lê, bật còng số 8 khóa trái tay rồi yêu cầu bác tài chạy một mạch ra bến phà, không dừng bắt khách. Những họng súng đen ngòm chìa ra cửa xe, làm bất cứ một tên đồng bọn nào của tướng cướp “phục” sẵn hai bên đường cũng phải hoảng sợ thối lui.

Bia cỏ khao quân

Người lái xe đã được dặn trước, biết đó là các anh công an nên gật đầu nhấn ga chạy thẳng. Xe nhộn nhạo hẳn lên, ai cũng phấn khởi ra mặt “hóa ra công an bắt cướp”, có người ngồi xa còn cố nhổm lên để trông cho rõ “cái mặt” thằng cướp đang bị khóa cứng không thể động đậy. Xe đỗ chờ phà, bà con chạy xuống mua bánh chưng rồi mua thuốc lá mang lên nhiệt tình mời mấy chú công an.

Người dân trả lời phỏng vấn sau khi bọn cướp bị bắt giữ
Người dân trả lời phỏng vấn sau khi bọn cướp bị bắt giữ

Mấy anh lính hình sự vừa ngại vừa sung sướng trước tình cảm quý mến của người dân, cứ vừa liên tục cảm ơn vừa lắc đầu không nhận. Nhưng bà con chẳng để anh em từ chối, cứ dúi vào tay.

Đó là một kỉ niệm mà đến giờ những cựu lính hình sự H88 vẫn nhớ như in. Người chỉ huy đầu tiên của biệt đội hình sự năm nào giờ đã ngoài 70 tuổi. Thượng tá Nguyễn Trọng Lộ (nguyên Phó Phòng Cảnh sát Hình sự) cười nhớ lại:

 “Hóa ra bà con thương anh em vì nhìn người nào người nấy gày còm đen sạm cả. Bao thuốc lá Tam Đảo hồi ấy chỉ 3 hào/bao nhưng mấy anh lính về cứ nâng niu mãi. Trong công tác đấu tranh chống tội phạm, bắt được những tên cộm cán không phải là khó. Điều khó nhất là có được lòng tin của nhân dân. Phải làm thế nào để dân tin, để dân biết là còn có công an và công an đang làm tất cả những gì để bảo vệ cuộc sống bình yên này”.

Hôm sau, trên chính tuyến đường ấy, trên chính chuyến xe ấy, người dân đã được chứng kiến một màn “tướng cướp xin lỗi” ngoạn mục.

Không còn vẻ hung hăng, không còn lưỡi lê gớm ghiếc, không khệnh khạng đập cửa xe, hắn xuất hiện lần này với chiếc còng số 8, ngoan ngoãn cúi đầu trước người tài xế và toàn bộ hành khách, miệng lí nhí nói lời xin lỗi. Cả chiếc xe như muốn nổ tung bởi tiếng hoan hô hả dạ của bà con sau bao ngày bị bọn cướp tác oai tác quái.

Ông Lộ kể: “Trận đầu tiên trên tuyến bắt sống tên cướp, vận động nó lên tận xe xin lỗi bà con, giúp bà con an tâm và anh em phấn khởi, đó chính là thắng lợi đặc biệt. Trận này được khen trước hội nghị, được thưởng nóng số tiền là 10 ngàn đồng. Hồi ấy lương cán bộ chiến sỹ được khoảng vài ba chục ngàn một tháng, anh em dùng tiền thưởng khao quân, cũng được một trận bia cỏ”.

N.A

(Còn nữa)

Đọc thêm