Chuyện buồn 'trốn' cấp dưỡng cho con

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một số bậc cha mẹ trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng cho con sau ly hôn, điều này không những vi phạm pháp luật mà còn có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho cuộc sống của con.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Gian nan đòi cấp dưỡng cho con

Chị N.K.L.H., ngụ đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP HCM ly hôn đã 3 năm vì chồng ngoại tình, được tòa tuyên cho nuôi con trai 6 tuổi, người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con 4 triệu/tháng. Nhưng chị chưa bao giờ nhận được một đồng tiền cấp dưỡng cho con từ chồng cũ.

Chị H. là nhân viên bán hàng siêu thị, kinh tế khá eo hẹp so với chồng cũ là kĩ sư. Tuy nhiên, vì thương con còn nhỏ, chị quyết tâm giành quyền nuôi con. Chồng cũ chị đã tuyên bố “sẽ không cho hai mẹ con một xu cho tự bươn chải sống” và đã làm như thế thật.

Sau nhiều lần liên hệ, năn nỉ cho đến yêu cầu, vẫn không nhận được tiền cấp dưỡng, chị H. đành từ bỏ. Một mình chị làm thêm nhiều công việc để nuôi bản thân và nuôi con, trong khi chồng cũ khoe ảnh đi chơi, đi du lịch, mua sắm xa xỉ trên mạng. Mới đây, sau khi con vào lớp 1, chị H. đã quyết định nhờ một nữ luật sư để tư vấn thủ tục giành quyền lợi cấp dưỡng cho con.

Chuyện của chị H. tuy trớ trêu nhưng không phải cá biệt. Không ít câu chuyện đáng buồn về những người vợ cũ phải đeo đuổi hành trình dai dẳng chưa biết hồi kết để đòi cha của con mình gửi tiền nuôi con. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người “trốn” cấp dưỡng cho con: không chỉ do khó khăn về tài chính mà còn để “trả đũa”, gây áp lực cho vợ/chồng cũ. Còn có cả trường hợp do “người mới” ngăn cản...

Pháp luật quy định như thế nào?

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, các cử tri cũng đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề cấp dưỡng của cha mẹ sau khi ly hôn. Nhiều kiến nghị của cử tri cho rằng đây là thực trạng khá phổ biến trong xã hội và đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình để hạn chế tình trạng này. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ký văn bản về việc trả lời kiến nghị của cử tri, khẳng định pháp luật hiện hành đã có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền yêu cầu buộc thực hiện cấp dưỡng cho con sau khi cha mẹ ly hôn; trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu cấp dưỡng và chế tài đối với người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Với những người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, luật đã có những quy định chế tài rất cụ thể. Về trách nhiệm dân sự, đã có quy định về bồi thường thiệt hại, chế tài tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Về trách nhiệm hành chính, Điều 57 Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Về trách nhiệm hình sự, Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo đó, các hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây ra hậu quả có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Điều 380 Bộ luật Hình sự còn quy định người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, về tội không chấp hành án.

Pháp luật đã quy định như thế, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp cha mẹ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con cái. Nguyên nhân có thể do sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, hoặc sự ngại va chạm của những người bị thiệt thòi vì hành vi trốn tránh cấp dưỡng, không muốn chuyện gia đình bị phơi bày ra dư luận hoặc chịu sự xử lý của pháp luật. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân và đánh thức ý thức trách nhiệm trong mỗi người, để không còn những câu chuyện đáng buồn cha mẹ “trốn” nghĩa vụ nuôi con.

Đọc thêm