Ngọn lửa với nghệ thuật truyền thống
Chinh phục những bộ môn nghệ thuật cổ truyền không chỉ đòi hỏi kiên nhẫn và cống hiến mà còn yêu cầu sự hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa của dân tộc và nghệ thuật truyền thống. Đây là con đường khó khăn, đặc biệt đối với những bạn trẻ có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp. Thế nhưng, với ngọn lửa đam mê, với tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống, có không ít bạn trẻ đã lựa chọn đi trên con đường khó.
Đến nay, những khán giả của chương trình truyền hình “Nghệ sĩ thần tượng” vẫn ấn tượng với một thí sinh, nghệ sĩ khiếm thị Hoàng Phước. Trong một tập phát sóng của chương trình, từ khi bước ra sân khấu, Hoàng Phước gây ấn tượng mạnh mẽ bởi là một người khiếm thị nhưng lại có nụ cười đầy tự tin và tỏa sáng. Cho đến khi Hoàng Phước cất giọng hát, anh khiến người nghe ngỡ ngàng bởi chất giọng ngọt ngào, và màn trình diễn giả giọng các nghệ sĩ cải lương gạo cội của Hoàng Phước cũng hoàn toàn chinh phục ban giám khảo lẫn khán giả.
Ngoài đời, những người yêu cải lương cũng đã được biết đến Hoàng Phước, một nghệ sĩ cải lương khiếm thị, trẻ tuổi, tài năng, đầy nhiệt huyết với nghề. Anh có nghệ danh là “Phước Bến Tre”, cái tên gắn với quê hương anh sinh ra và lớn lên.
Khiếm thị từ nhỏ, không có bạn bè chơi cùng nên Hoàng Phước chơi nhà chòi một mình bằng cách tự đóng giả anh hàng xóm, chị bán hàng… Cũng trong khi chơi một mình, anh tự trau dồi giọng hát bằng cách giả giọng ca của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Thanh Tuấn, NSND Út Trà Ôn...
Lớn lên, dù khiếm thị, dù nhiều người cho rằng ước mơ của anh là “hoang đường”, Phước vẫn quyết tâm dấn thân vào nghệ thuật cải lương mà anh yêu mến. Anh tích cực tham gia nhiều cuộc thi, để rồi từng đạt giải nhất Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc 1997. Anh cùng từng lưu diễn ở Pháp, Nhật, Mỹ…
Để nuôi đam mê nghệ thuật, vừa đi biểu diễn, Hoàng Phước vừa làm đủ nghề mưu sinh như bán vé số, massage người khiếm thị... Đến nay, anh vẫn miệt mài đi trên con đường của mình, và giọng ca cải lương ngọt ngào của Hoàng Phước đã nhận được sự ủng hộ, hâm mộ của nhiều khán giả yêu cải lương.
Tại cuộc thi tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2023 vừa diễn ra tại Thanh Hóa, nhiều người ấn tượng với diễn viên trẻ Nguyễn Thị Thanh Phương cùng nhập vai Hồ Nguyệt Cô trong trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”.
Nguyễn Thị Thanh Phương là diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam, từ năm 15 tuổi đã đeo đuổi nghệ thuật tuồng chèo. Theo đuổi một bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng chèo không hề là điều dễ dàng. Chỉ với một vai diễn như Hồ Nguyệt Cô, Thanh Phương đã “bầm dập” vì tập luyện nặng nhọc. Thế nhưng, thu nhập của một diễn viên tuồng chèo lại cực kì thấp, chỉ vài ba triệu đồng. Để đủ sống, cô gái trẻ Thanh Phương đã hết sức năng động khi tham gia đủ “sân chơi”, từ hát dân ca, hát nhạc trẻ ở các tụ điểm. Thanh Phương chia sẻ rằng, đó chỉ là những công việc làm thêm để trang trải cuộc sống, còn tình yêu của cô với tuồng chèo là tình yêu “bất diệt”, cô hạnh phúc trong sự cống hiến, góp sức mình vào gìn giữ vẻ đẹp của di sản dân tộc.
Tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai có một học sinh được nhiều người biết đến, đó là thiếu niên Điểu Hoàng Sinh, một trong những học sinh dân tộc tiêu biểu của trường, từng được đề xuất tặng giấy khen của Sở VH-TTDL vì đã có nhiều nỗ lực, vượt khó. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo nơi có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống, cha và chị gái biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chơro, từ năm lớp 6, Sinh đã dự thi và trúng tuyển vào học nhạc cụ truyền thống tại Trường trung cấp VHNT Đồng Nai.
Không chọn lựa các nhạc cụ hiện đại, hợp thời, Sinh lại chọn nhạc cụ đồng bào Chơro và bộ môn đàn nhị. Việc một lúc theo đuổi hai bộ môn nhạc cụ dân tộc tuy có khó khăn, nhưng cậu thiếu niên không ngại khó. Với sự hỗ trợ của các thầy cô, không những học tập tốt, Sinh còn theo các đoàn của trường về biểu diễn ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc Chơro, Mạ, S’tiêng… Sinh ước mơ trở thành một giáo viên, đem những gì mình đã học truyền dạy cho các học sinh thế hệ sau, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc để góp phần gìn giữ nét đẹp của nghệ thuật truyền thống mà mình đã học được.
Vượt qua những khó khăn, những nghệ sĩ trẻ tài năng ấy là niềm hy vọng, là những nhân tố tích cực mang trên vai trách nhiệm bảo tồn và phát triển nghệ thuật cổ truyền. Sự tận tụy và đam mê của họ là nguồn động lực để chúng ta rằng, di sản văn hóa sẽ luôn sống mãi trong tâm hồn nghệ sĩ và tiếp tục thăng hoa qua từng thế hệ mới.
Chàng MC tài năng đến từ làng trẻ SOS
Trong chương trình Én vàng 2023, nhiều người chú ý đến chàng trai trẻ La Chí Hùng, một MC tài năng, đầy triển vọng đến từ Làng trẻ SOS. Từ nhỏ, chàng trai trẻ mồ côi La Chí Hùng được đưa đến Làng trẻ SOS, nơi anh có một mái nhà mới với những người bạn, người anh chị em, và có những người mẹ với tình yêu thương lớn lao dành cho những đứa trẻ thiệt thòi. Sống trong tình yêu thương ấy, La Chí Hùng đã luôn mong muốn sau này lớn lên có thể thành đạt, đền đáp công ơn của những người đã nuôi dưỡng mình.
|
La Chí Hùng, chàng MC đến từ Làng trẻ SOS. (Ảnh: NVCC) |
Cậu bé La Chí Hùng từ thuở nhỏ đã luôn có niềm say mê với nghề dẫn chương trình, trong các trò chơi, La Chí Hùng vẫn luôn mường tượng mình là một người dẫn chương trình tỏa sáng trên sân khấu. Thế nhưng, khi lớn lên, cuộc sống mưu sinh khiến La Chí Hùng phải đeo đuổi nghề nghiệp khác, anh tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Công nghệ TP HCM, có thu nhập ổn định. Chàng trai trẻ đầy nghị lực ấy từng tỏa sáng khi tham gia chương trình “Cơ hội cho ai”, xuất hiện trên sóng truyền hình, bằng tài năng hùng biện đã chinh phục được những nhà tuyển dụng tên tuổi.
Và rồi, năm 2023, Hùng đã bước một bước tiến mới trên con đường đến với ước mơ. Anh tham gia và tỏa sáng trên sân khấu Én vàng. Màn trình diễn của La Chí Hùng không chỉ thuyết phục mà còn đầy xúc động, khiến giám khảo và khán giả rơi nước mắt. Anh kể về làng trẻ, nơi anh trải qua hết tuổi ấu thơ và trưởng thành, anh kể về những người mẹ với tấm lòng nhân ái, anh kể về tình yêu thương và lòng biết ơn.
“Được theo đuổi nghề dẫn chương trình là đam mê từ nhỏ của Hùng, rất nhiều lần ao ước được mời đến các sân khấu hay xuất hiện trên tivi nhưng vì mải lo về câu chuyện “cơm áo gạo tiền”, nên đến bây giờ, Hùng mới bắt đầu tập trung vào đam mê của mình. Dẫu có nhiều lo lắng cho tương lai, Hùng vẫn chọn dấn thân, hết lòng với lựa chọn của mình. Đời người chỉ sống được một lần, hoa dẫu có nở muộn nhưng dẫu muộn hoa vẫn cần phải nở! Hôm trước Hùng về Làng, thấy các mẹ rất vui khi gặp mình, hỏi han động viên đủ điều. Hôm qua lại nghe mẹ Hùng nói ước mơ của mình cũng là ước mơ của mẹ. Hùng càng cố gắng hơn nữa vì ở nhà Hùng có Làng, ra đời Hùng có bạn bè, người thân và cả những người đã đang và sẽ giúp đỡ Hùng. Phải cố gắng thành công thì lời cảm ơn của Hùng mới trở nên có giá trị. Và với tất cả tình cảm mình đã nhận được xin hứa sẽ dùng sự chân thành và chân thật để làm nghề”, La Chí Hùng bộc bạch như thế.
|
La Chí Hùng có đam mê dẫn chương trình từ nhỏ. (Ảnh: NVCC) |
La Chí Hùng nói rằng, anh muốn tỏa sáng, thành công với nghề MC vì đó là ước mơ từ nhỏ của anh, đồng thời là cách anh trả ơn những người mẹ ở làng trẻ đã luôn yêu thương, hy sinh, động viên anh. Và còn một tâm nguyện nữa, đó là anh hy vọng cha mẹ ruột, những người mà anh tìm kiếm suốt bao năm sẽ tình cờ nhìn thấy anh trên sân khấu, sẽ nhận ra anh, tái ngộ cùng anh.
Những câu chuyện cảm động ấy đang trở thành nguồn động lực mạnh mẽ cho hàng triệu người trẻ. Chúng đã đánh thức khao khát theo đuổi đam mê nghệ thuật, khiến chúng ta tin rằng dù bất kể hoàn cảnh có khó khăn đến như thế nào, chỉ cần kiên trì đeo đuổi, chỉ cần có một mục tiêu tốt đẹp, thì có một ngày, giấc mơ sẽ thành hiện thực.