Người Việt đón Tết Nguyên đán phải có bánh chưng, nhưng với một nhịp sống gấp gáp như ở Mỹ, gói bánh quả là xa xỉ về thời gian, và vì thế mua bánh ngoài hàng trở thành tất yếu.
Tờ Los Angles Times có bài viết về chuyện quanh chiếc bánh chưng ở quận Cam, California, nhân dịp Tết đến.
Khách hàng đứng chật hiệu bánh Tân Hoàng Hương ở Santa Ana, một thành phố nhỏ ở quận Cam, mấy ngày trước tết. Trên tường cửa hiệu treo đầy những món quà nhỏ bọc giấy hồng, bên trong là kẹo và hoa quả khô. Mùi thơm của bánh chưng lan tỏa khắp phòng.
Cô Nguyễn Ái Linh đã mua 9 chiếc bánh, dự định đem biếu ba mẹ và bạn bè, rồi chợt nhớ ra cần thêm một chiếc nữa cho mình ăn Tết. Và thế là chiều 28 Tết cô lái xe từ nhà đến hàng bánh lần nữa, sung sướng vì kịp mua được chiếc cuối cùng còn lại trên giá hàng.
"Tết là phải ăn bánh chưng, đấy là truyền thống", Nguyễn nói. "Tôi thích vị bánh chưng, và bánh chưng càng ngon hơn nữa trong ngày Tết".
Những người phụ nữ gói bánh chưng với gạo, thịt, đỗ xanh và lá chuối. Ảnh: Los Angeles Times. |
Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong một năm với người Việt, cũng như nhiều dân tộc khác ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Với người Việt, ăn Tết mà không có bánh chưng chẳng khác nào người phương Tây mừng lễ Tạ ơn mà thiếu gà tây. Chiếc bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn, khi mở ra mang đậm hương thơm và có màu xanh ngọc bích, hiện diện trong tất cả các gia đình Việt Nam khi Tết đến.
Để luộc được bánh cần ít nhất 10 giờ đồng hồ. Ở Mỹ, mọi người rất bận rộn, ngày nghỉ lễ cũng ngắn hoặc thậm chí không có, nên người Việt ở đây phải dựa vào nguồn hàng của các hàng bánh.
"Bán bánh chưng không lãi nhiều", Lan Lưu, 40 tuổi, chủ một nhà hàng bánh gia đình, cho biết. "Nhưng mà vui lắm bởi việc gói và nấu bánh cho chúng tôi cảm giác về Tết".
Đầu những năm 1980, bánh chưng vẫn còn là của hiếm ngay cả ở Little Saigon nơi có đông người Việt sinh sống nhất. Khi đó cộng đồng người Việt mới bắt đầu ổn định cuộc sống. Các đồ gia vị Việt cũng như dụng cụ làm bánh rất hiếm. "Người ta mua bánh bất kể nó to hay nhỏ, vuông thành sắc cạnh hay không", bà Lưu kể. "Thời đó bánh trông không đẹp".
Vì thế bà Lưu và nhà chồng bắt đầu gói bánh bán. Chị chồng của bà từng học nghề làm bánh ở Vũng Tàu khi còn là một cô bé. Cả nhà cặm cụi trong căn bếp nhiều tuần trước ngày Tết, rồi đem những chiếc bánh xanh đẹp đẽ bán cho các chợ Việt.
Sau đó họ mở một cửa hàng bán bánh chưng và các thực phẩm ngon lành khác cho ngày Tết. Không kiếm được nồi to, chồng bà Lưu đã tự chế một chiếc thùng luộc bánh cao hơn 1,2 mét, chứa được đến hơn trăm chiếc.
Nhà Lưu chuẩn bị hàng trước Tết một tháng. Làm ra được một chiếc bánh chưng mất khá nhiều công sức. Hiệu Tân Hoàng Hương làm chừng 5.000 chiếc mỗi mùa Tết đến. Nhân công nhà bà mất nhiều ngày chuẩn bị nguyên liệu: ướp thịt, nấu đỗ, ngâm gạo, rửa lá. Họ hoàn thành chiếc bánh cuối cùng khoảng vài ngày trước Tết.
"Không phải ai cũng có thời gian gói bánh chưng", bà Lưu nói "Mất nhiều công lắm".
Bánh vớt ra được buộc lạt đỏ cho đẹp. Mỗi chiếc có giá 12 đến 15 USD.
Bà Lưu nói rất hạnh phúc vì bánh chưng mang hương vị Tết đến cho người Việt xa xứ, cùng người Việt tống cựu nghênh tân.
"Ở Mỹ không có nhiều không khí Tết đâu. Gặp dịp năm nào Tết rơi vào cuối tuần thì mọi người còn có thời gian nghỉ, chứ nếu ngày thường thì không được nghỉ làm mà cũng chẳng thể đi thăm họ hàng. Ở Việt Nam thì có đến cả tuần mà chuẩn bị và ăn Tết", bà nói. "Với những tấm bánh chưng này, mọi người có thể tặng cho người thân, bạn bè để cùng vui Tết".
Thế còn bản thân bà Lưu ăn Tết thế nào?
"Chúng tôi lăn ra ngủ", bà tiết lộ. "Chúng tôi đã làm việc vất vả rồi".
Nguồn: VnExpress