Khi phụ nữ lái xe... ôm
Trường hợp chị Loan, nữ xe ôm luôn thường trực trước cổng Bệnh viện Nội tiết T.Ư cũng đã có 2 năm trong nghề chạy GrabBike là một ví dụ. Nhắc chuyện nghề, chị Loan bộc bạch: “Tôi quê ở Hải Dương, theo chồng lên Hà Nội làm thuê từ năm 2010. Khi mới lên Thủ đô, tôi làm đủ nghề từ nhặt ve chai cho đến bán hàng rong... nhưng đều không ăn thua. Sau do nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở chợ đầu mối tăng cao nên tôi cùng với chồng chuyển sang chạy xe ôm, chuyển hàng cho những mối buôn trong chợ. Mấy năm gần đây, khi có dịch vụ GrabBike, tôi liền đăng ký làm thành viên để kiếm thêm thu nhập. Giờ đây, tôi vừa chạy chở hàng, vừa nhận chở khách nên mỗi tháng thu nhập cũng tạm ổn”.
Theo chị Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1982, một tài xế chạy Uber, hiện sinh sống tại quận Long Biên (Hà Nội) công việc này mang tính đặc thù vất vả, đặc biệt là thời gian đầu. Theo đó, chị Thảo bắt đầu đảm nhận công việc tài xế Uber từ tháng 1/2017. Công việc này tuy có vất vả và hầu như chỉ hợp với đàn ông nhưng thu nhập khá nên chị Thảo quyết định gắn bó, coi đây là kế sinh nhai chính.
Một ngày làm việc của chị Thảo bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc tận 22 giờ đêm. Với thời gian làm việc dài như vậy, trung bình chị kiếm được 10 triệu/tháng. Với chị Thảo, thời gian đầu bắt nhịp với công việc vì không thạo đường Hà Nội nên bị lệ thuộc nhiều vào phương tiện định vị để đón trả khách. Nhưng sau một thời gian, chị nhanh chóng quen với công việc và trở thành lái xe ôm thực thụ. Giờ chị tự hào bảo, nhiều người chưa chắc thuộc mọi ngóc ngách ở Hà Nội như chị. Nhờ có tiền chở hàng, chở khách nên cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn trước. “Dù có vất vả đến mấy, tôi cũng cố gắng chịu đựng vì con” - chị bộc bạch.
Không chỉ những “bóng hồng” đã có gia đình mới tham gia đội ngũ xe ôm công nghệ cao, không ít nữ sinh viên cũng coi đây là công việc giúp trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Bạn Trần Thị Ngân, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ tâm sự: “Ban đầu em cũng gặp một số trở ngại về tâm lý nhưng dần rồi cũng quen và vượt qua được. Càng ngày em càng cảm thấy yêu thích và gắn bó với nghề này hơn”. Theo Ngân, trung bình nghề mang lại hơn 2 triệu đồng/tháng. Tuy mức lương không cao nhưng cũng đủ để hỗ trợ, trang trải rất nhiều các khoản chi phí trong cuộc sống. Hàng tháng Ngân không còn phải xin gia đình tiền thuê trọ, giúp bố mẹ đỡ vất vả hơn.
Những kỷ niệm nhớ đời
Theo cái nghề chỉ dành cho phái mạnh, nhiều xế nữ phải chấp nhận sống chung với những hiểm nguy rình rập như tai nạn, cướp bóc, trấn lột... Nhắc lại câu chuyện khách cố ý sàm sỡ, chọc ghẹo chị Trần Thị H (25 tuổi) chạy GrabBike khu vực bến xe Mỹ Đình kể, phụ nữ làm nghề này luôn bị hiểm nguy rình rập, bị khách nam sàm sỡ hoặc bị “đo đường” (té ngã) là chuyện thường tình.
Ngoài những nhọc nhằn, những nữ xe ôm công nghệ cũng gặp không ít kỷ niệm vui với nghề, giúp lái xe hoàn thiện nhiều kỹ năng sống. Chị Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: “Khách hàng của tôi rất nhiều, có người rất vui tính, nhờ họ tôi học hỏi thêm nhiều điều. Hơn nữa, nghề đã dạy tôi rất nhiều kỹ năng bổ ích như kỹ năng lái xe an toàn, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng ứng xử - giao tiếp…”.
Theo lời kể của chị Thảo, trong một chuyến “nổ cuốc” (thông báo có khách gọi - PV) một vị khách nam đã tiếp thêm cho chị động lực để tiến xa hơn với nghề. Chị kể: “Chuyến đó nổ như bao chuyến khác, mình alo thì nghe đầu dây bên kia giọng nam có vẻ hơi ngỡ ngàng. Lúc đó khách đòi huỷ chuyến vì mình là tài xế nữ, mà anh ta thì chưa ngồi xe ôm nữ bao giờ. Sau một hồi thuyết phục, khách cũng đồng ý không hủy chuyến với điều kiện để khách lái xe còn nữ tài xế ngồi phía sau. Cứ thế, chuyến đi đến đích, trên đường đi đều rất vui và thoải mái. Dù khách đã thanh toán thẻ nhưng vẫn dúi vào túi mình 1 tờ tiền 500.000 đồng. “Trong câu chuyện tôi có kể ra mong muốn cố gắng học bằng B2 để chạy UberX, thì anh khách ấy rất tán thành ý kiến này, đồng thời động viên nữa chứ. Và ngày hôm nay tôi đã lấy bằng B2 và hiện đang chạy xe tải cho công ty” – chị Thảo chia sẻ.
Phụ nữ làm công việc xe ôm công nghệ tuy không nhiều như cánh đàn ông nhưng đâu đó nơi bến xe, góc phố đôi lúc vẫn bắt gặp họ. Đằng sau mỗi câu chuyện nghề đều có vui, có buồn nhưng ẩn sâu trong đó là sự nỗ lực, cố gắng kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Hình ảnh Thủ đô vốn ồn ào, náo nhiệt, cũng bởi có những “bóng hồng” ấy mà mới mẻ, sâu lắng và thân thiện hơn.