Chuyện chưa kể về lần hát 'hụt' ở Trường Sa

(PLVN) - Nhận được lời bài thơ qua tin nhắn điện thoại vào đêm trước khi tàu KN 491 rời cảng, nghệ sĩ Lại Hồng Toan (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định) không giấu được cảm xúc. Những giai điệu chèo quen thuộc như hòa quyện với lời thơ suốt hải trình đến với Trường Sa…
Nghi thức thả lễ, vòng hoa tại Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988. (Ảnh: PV)
Nghi thức thả lễ, vòng hoa tại Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988. (Ảnh: PV)

Một trong những điểm nhấn trong chuyến hải trình của Đoàn công tác số 19 trên tàu KN 491 thăm và tặng quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/7 (từ ngày 12 - 18/5/2024) là Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Theo lịch trình, buổi lễ được tổ chức vào đầu giờ chiều trước khi Đoàn công tác lên thăm đảo Cô Lin, ngay tại vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma - nơi cách đây hơn 36 năm đã diễn ra cuộc chiến oai hùng và 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã nằm lại giữa biển sâu.

Một cuộc họp với Nhóm phóng viên - văn nghệ sĩ trong đoàn công tác đã được triệu tập vào sáng ngày hôm trước để xây dựng bản tin phát thanh đặc biệt cho buổi tối hôm diễn ra Lễ tưởng niệm.

Thay vì làm bản tin thông thường, Nhóm phóng viên - văn nghệ sĩ đề xuất làm Talkshow về chủ đề “Gạc Ma - Bất khuất, tự hào”. Khi đó, tất cả thành viên đều hừng hực khí thế với quyết tâm làm một chương trình “để đời”. Ngoài phần nội dung với các nhân vật đối thoại được lựa chọn trong đoàn công tác, nhóm văn nghệ sĩ đi theo đoàn của Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định đảm nhận phần văn nghệ với các bài hát về Trường Sa đan xen chương trình.

Nghệ sĩ Hồng Toan, một trong 7 nghệ sĩ của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Nam Định khi đó đã đề xuất một bài hát rất mới, gần như chưa được phổ biến rộng rãi: “Gạc Ma - Khúc tráng ca bất tử” của tác giả Mai Thanh Thủy. Đây cùng là tác giả lời của bài hát chèo nổi tiếng “Cúc ơi, em ở đâu?” viết về huyền thoại 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Nghệ sĩ cho biết, đêm hôm trước khi lên tàu, nhà thơ Mai Thanh Thủy, một người có chồng là chiến sĩ biên phòng đang đóng quân tại Hải Hậu (Nam Định) điện thoại “gửi gắm” bài hát “Gạc Ma - Khúc tráng ca bất tử” để nghệ sĩ Hồng Toan hát ngay tại Lễ tưởng niệm. “Chị Mai Thanh Thủy nói rằng, bài hát này đã có một số nghệ sĩ thể hiện trước đó, nhưng ra Trường Sa, hát giữa vùng biển lịch sử, nơi các chiến sĩ đã nằm lại dưới biển sâu, thì đó là một cái duyên mà không phải ai cũng có cơ hội…”- Hồng Toan chia sẻ.

Chia sẻ với PV Báo Pháp luật Việt Nam, nghệ sĩ Hồng Toan cho biết: “Đó là một áp lực và một cảm giác đặc biệt khi bài hát này được làm nhạc ngay trên tàu trong một thời gian rất ngắn...”.

Công tác chuẩn bị cho sự kiện cũng đã hoàn tất, từ loa đài, phông màn, bàn ghế. Thế nhưng, một cơn mưa bất chợt kéo đến. Mưa rất to và kéo dài đến đêm. Chương trình bị hủy trong sự nuối tiếc của đoàn công tác.

Không có cơ hội được thể hiện bài hát ngay tại vùng biển lịch sử, nghệ sĩ Hồng Toan cho biết, theo “gửi gắm” của tác giả Mai Thanh Thủy, đêm hôm trước sự kiện, anh đã kịp chép bài hát ra giấy và thả cùng những cánh hạc tại Lễ tưởng niệm … “Đó là cảm xúc không bao giờ quên. Dù không có cơ hội được hát cho các chiến sĩ Gạc Ma, nhưng chắc chắn sau chuyến công tác đặc biệt này cảm xúc về Gạc Ma về Trường Sa sẽ khác…” - nghệ sĩ Hồng Toan chia sẻ.

“Được đi Trường Sa là một cái duyên, được tiếp cận bài thơ “Gạc Ma- Khúc tráng ca bất tử” của chị Mai Thanh Thủy cũng là một cái duyên. Chắc chắn sau chuyến công tác đặc biệt này cảm xúc về Gạc Ma về Trường Sa sẽ khác… Tôi sẽ phối khi, thu âm bài hát này để nhiều người được biết đến sự kiện Gạc Ma, biết đến Trường Sa…”- Nghệ sĩ chia sẻ.

Trong buổi chiều trước khi tàu KN 491 cập cảng sau chuyến hải trình đến với Trường Sa, ngay trong cabin buồng lái, nghệ sĩ Hồng Toan đã thể hiện bài hát “Gạc Ma- Khúc tráng ca bất tử”. Giai điều chèo mượt mà quyện vào tiếng sóng vỗ hòa vào đại dương mênh mông…

“Gạc Ma- Khúc tráng ca bất tử”

Tác giá: Mai Thanh Thủy

Mãi ngàn đời Tổ quốc gọi tên anh/ Người lính Gạc Ma vòng tròn bất tử/ Giữa cuồng phong trùng dương sóng dữ/ Trước họng súng quân thù vẫn bất khuất hiên ngang/ Trần Văn Phương lời anh nói vọng vang/Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa vượt ngàn dông bão/ Truyền thống tự hào Người lính hải quân …

À ơi… Các anh nằm lại biển sâu/ Trường Sa ngày ấy nỗi đau vẫn còn/ Sáu tư liệt sĩ người con/ Thiêng liêng bất tử vòng tròn Gạc Ma/ Xót thương đẫm lệ ướt nhòa/ Máu xương da thịt hòa vào lòng biển sâu/ Qua bao tháng năm nào đâu quên được/ Mãi mãi khắc ghi thắm tô cờ hồng/ Sáu tư lá chắn thành đồng/ Pháo đài giữa biển mênh mông/ Kiên trung bám đảo chẳng sờn lòng/ Thành san hố chán biển Dông…

Năm xưa trước quân xâm lược bốn bề bủa vây/ Bên nhau vai đồng tâm quyết tử/ Một tấc không đi một ly chẳng rời/ Vẫn còn vang vọng những lời/ Giữ đảo dù máu đào rơi/ Ôm cờ Tổ quốc bên người/Trái tim người lính hồng tươi…

Các anh như đóa san hô/ Nằm lại dưới lòng đại dương/ Quê hương bốn phương đồng đội/ Mười bốn tháng ba dưng dưng lệ nhòa/ Sóng ru giấc ngủ đêm trường/ Nghẹn ngào quặn thắt sót thương/ Hiên ngang trung dũng kiên cường/ Dáng hình cột mốc biên cương…

Quê hương biết bao thay đổi/ Từng ngày đẹp tươi/ Vươn xa kết giao vận hội/ Vững bước đi lên khẳng định chủ quyền/ Thiêng liêng lãnh hải đất mẹ hiền/ Biển Đông máu thịt không quên/ Gạc Ma bất tử vòng tròn/ Trường tồn sáng mãi nước non….

Đọc thêm