Chuyện cổ kim về con không… giống cha

“Con nhà tông không giống lông thì giống cánh”, người ta đã tổng kết như thế về việc con cái sinh ra thường có nhiều nét giống cha mẹ, ông bà, hay những người thân khác trong gia đình. Thế nhưng, cũng có nhiều đứa trẻ sinh ra lại không đạt “tiêu chí” này, gây nên mối nghi ngờ, bất hòa, thậm chí án mạng trong gia đình.

“Con nhà tông không giống lông thì giống cánh”, người ta đã tổng kết như thế về việc con cái sinh ra thường có nhiều nét giống cha mẹ, ông bà, hay những người thân khác trong gia đình. Thế nhưng, cũng có nhiều đứa trẻ sinh ra lại không đạt “tiêu chí” này, gây nên mối nghi ngờ, bất hòa, thậm chí án mạng trong gia đình. 

Hình minh họa
Sao con chẳng giống tôi?
Báo chí đăng tải câu chuyện “suýt chết vì con không giống chồng” của chị Lê Thị Tuyền (Phù Ninh, Phú Thọ). Mang tiếng làm dâu nhà giàu nhưng cuộc đời chị Tuyền 7 năm lấy chồng đong đầy nước mắt tủi buồn. Lý do lớn nhất bởi chị sinh ra đứa con không giống bố, chỉ toàn mang nét của mẹ.
Mỗi khi ai tới thăm nhận xét như vậy là chồng chị lại cay cú, căn vặn chị: “Mày ngủ với thằng nào đẻ ra nó". Không những thế, vì nỗi nghi ngờ bị vợ "cắm sừng", mà anh đối xử với con như người xa lạ, không chăm nom, bế ẵm. Thậm chí còn coi con như kẻ thù, chỉ cần một ấm ức nhỏ là lôi ra đánh tàn bạo. Trước nguy cơ mất mạng vì đòn thù từ người chồng, chị Tuyền đã phải ra đi, dù rằng “xa con tôi đau đớn lắm, nhưng ở lại biết đâu chết cả mẹ lẫn con” – theo lời chị. 
Trường hợp nghi ngờ vợ khi thấy con đẻ ra không giống mình của chồng chị Tuyền không phải là cá biệt, mà đã có rất nhiều người đàn ông có suy nghĩ như vậy. Nhận định này đã được nhiều trung tâm xét nghiệm AND công nhận khi họ nhận được ngày càng nhiều các đề nghị xét nghiệm huyết thống (công khai cho vợ biết có, bí mật có) từ những người làm cha để xem con có phải là con đẻ của mình không.
“Hai vợ chồng tôi mới sinh một cháu trai rất kháu khỉnh, giờ cháu đã được 4 tháng nhưng từ khi chào đời đến nay, tôi không thấy bé có điểm gì giống tôi. Tôi là đích tôn của dòng họ nên tôi thấy chạnh lòng. Kể cả bố mẹ tôi, dù các cụ không nói ra nhưng tôi thấy ông bà buồn, thường xuyên ngắm cháu rồi lại thở dài ngao ngán. Ở nhà đã vậy, khi ra ngoài gặp bạn bè, ai cũng hỏi tôi khiến tôi từng đặt ra suy nghĩ không biết bé có đúng là con trai tôi không? Thậm chí, có người nói ra nói vào rằng đó là con người khác. Điều đó làm tôi rất buồn và khiến tình cảm vợ chồng sứt mẻ. Tôi thấy mọi người bảo con trai giống bố, con gái giống mẹ, sao con tôi lại không giống tôi?”, anh Thế Nam ở Hà Giang tâm sự
Đừng để bạn đời bị xúc phạm
Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi: “Sao con chẳng giống tôi?”. Lắm khi đó đơn giản là do lỗi của bệnh viện như câu chuyện của hai đứa bé gái ở thành phố Sicily (Ý) vào năm 1998. Sự việc được khám phá khi bố mẹ một cháu thắc mắc, tại sao con của họ không giống cả cha lẫn mẹ mà lại giống… gia đình hàng xóm.
Gia đình hàng xóm cũng có thắc mắc tương tự nên họ đã cùng đưa con đến bệnh viện để xét nghiệm nhóm máu. Song trớ trêu thay nhóm máu của chúng lại giống nhau. Chỉ đến khi họ tìm về bệnh viện nơi cả hai đứa trẻ được sinh ra thì mới biết, các hộ lý ở đây đã nhầm lẫn khi đeo thẻ nhận biết cho chúng. Hai bé gái đã cùng nhau tổ chức sinh nhật lần thứ 3 cùng nhau trước khi đứa nào trở về đúng nhà đứa nấy. 
Khi nhận được tâm sự nghi ngờ rằng bị vợ cắm sừng, rằng mình đang “nuôi con tu hú” từ các ông chồng, chuyên gia sinh lý học thường đưa ra lời khuyên là mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều mang trong mình những nét của cả bố và mẹ, xét về ngoại hình lẫn tính cách. Tuy nhiên, do sự sắp xếp ngẫu nhiên của các gen di truyền mà những nét này ít hay nhiều, giống hoàn toàn hay giống một phần. Có những đứa trẻ là kết tinh của những nét đẹp nhất của bố mẹ, có những đứa trẻ lại mang những nét không đẹp nhất của bố mẹ, và lại có những đứa trẻ có thể không giống bố mẹ mà giống với người cách nó một thế hệ như ông, bà... Sự giống nhau không phụ thuộc vào giới tính của trẻ, hoàn toàn là ngẫu nhiên.
Nếu như chưa thoải mái về mặt tâm lí, các ông bố có thể nhờ đến sự kiểm tra chính xác của y khoa. Một xét nghiệm ADN sẽ cho kết quả chính xác nhất cho những nghi ngờ.Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc vì việc làm này khi lộ ra thì người vợ sẽ rất bị xúc phạm, tổn thương lòng tin.
Sách Cổ học tinh hoa có câu chuyện kể về Doãn Văn Tử nghi con không giống mình với lời bàn, “có cha ấy tất phải có con ấy, thường thì vẫn thế. Nhưng không phải cái lý nhất định bao giờ cũng như thế. Có khi cha mẹ rất hay mà đẻ con ra rất dở. Hổ phụ khuyển tử cũng nhiều, chớ ghét đứa con vì nó không giống mình, cầm gậy đánh nó, rồi lại rắp tâm đuổi mẹ nó đi, thì cũng chẳng là tự ái quá mà hóa ra si ư?.
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, cố nhiên là thế. Nhưng đẻ con phải dạy, dạy con là việc rất cần. Nếu đẻ con chẳng dạy, để vậy mà nuôi rồi cứ trách con dở, giận con hư, đó là lỗi nặng của người làm cha mẹ vậy”. 

Hà An

Đọc thêm