Gần đây, “biệt phủ” trở thành từ khóa xuất hiện với tần suất lớn trên các phương tiện truyền thông. Nó thông dụng đến nỗi không cần dùng trong ngoặc kép nữa và ai cũng hiểu đó là chỉ một dinh cơ hoành tráng của một cán bộ nhà nước, đang làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị hoặc đã về hưu (quan chức). Biệt phủ được dư luận chú ý, trở thành tâm điểm của truyền thông khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng dâng cao.
Đơn giản, biệt phủ là hiện thân của khối tài sản giá trị, là bất động sản không thể che giấu, cho dù đứng tên ai đó thì cũng không khó để tìm ra chủ nhân đích thực của nó là ai. Từ đây, nếu truy xuất nguồn gốc tài sản có thể xác minh là người đó có tham nhũng hay không, chí ít thì cũng biết, tài sản ấy do đâu mà có, dù chỉ là dư luận nhưng cũng đủ để đánh giá thực chất làm giàu bằng cách nào của chủ nhân của nó.
Biệt phủ trở thành bằng chứng khó chối cãi của hành vi tham nhũng nhưng đáng tiếc rằng những biệt phủ được trưng ra với danh tính đầy đủ của chủ nhân nhưng chưa bao giờ được các cơ quan chức năng khẳng định đây là tài sản bất minh và càng không khi coi đó là tài sản tham nhũng. Cái việc đình đám mà dư luận hy vọng rất nhiều là thanh tra biệt phủ của quan chức ở tỉnh nghèo Yên Bái, nâng lên đặt xuống mãi rồi mới công bố kết luận thanh tra.
Cái mà dư luận trong đợi là xác minh nguồn gốc tài sản do đâu mà có thì không có câu trả lời. Hoặc, biệt phủ xây trên đất nông nghiệp của quan chức tỉnh Đắk Lắk thì đến nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và khả năng được tồn tại chờ quy hoạch như trả lời mới đây của chính quyền tỉnh này là rất lớn vì “không để gây thiệt hại” cho các trường hợp vi phạm pháp luật rành rành.
Mới đây nhất, khi một quan chức cao cấp của Ngân hàng Nhà nước về hưu được tổ chức tiễn đưa bằng một bữa tiệc xa hoa tại một khách sạn thuộc loại sang nhất Thủ đô được lan truyền thì ngay lập tức báo chí phát hiện một biệt phủ đứng tên con gái ông ta tại TP Hồ Chí Minh. Câu chuyện gây ồn ã dư luận này rồi cũng sẽ chìm đi như bao vụ khác, như các biệt phủ toàn gỗ quý hoặc ngự trị trên các khu “đất vàng” mà báo chí phanh phui trước đây.
Không xử lý được tài sản bất minh, không thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có thì không bao giờ phòng chống tham nhũng đạt được kết quả mong muốn. Đó là điều ai cũng biết nhưng không ai làm cả!