Mùa xây dựng trầm lắng

Thị trường vật liệu xây dựng hiện chịu sức ép lớn khi sắt, thép phải chống chọi với lượng hàng ngoại nhập khẩu ồ ạt và xi-măng có nguy cơ tồn đọng cao.

Thị trường vật liệu xây dựng hiện chịu sức ép lớn khi sắt, thép phải chống chọi với lượng hàng ngoại nhập khẩu ồ ạt và xi-măng có nguy cơ tồn đọng cao.

Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) hai miền Nam – Bắc đang diễn biến trái chiều khi chuẩn bị bước vào giai đoạn chững của mùa xây dựng cuối năm.

Miền Bắc ế ẩm, miền Nam sôi động

Tại miền Bắc, mặc dù xây dựng dân dụng năm nay được đánh giá tốt hơn năm ngoái nhưng vẫn chưa đủ sức hâm nóng thị trường khiến các đại lý không khỏi sốt ruột.

Chiều 30/11, tại một đại lý chuyên phân phối gạch, đá lát có vẻ đông khách nhất phố vật liệu xây dựng Cát Linh (Hà Nội), anh Huy, chủ đại lý cho biết, cả lượng khách và doanh thu chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Thường thời điểm đầu năm và tháng 10, 11 là mùa của các đại lý vật liệu xây dựng nhưng năm nay, chưa có lúc nào thị trường thật sự sôi động.

Mùa xây dựng trầm lắngThị trường VLXD miền Bắc kém sôi động trong thời điểm chính vụ. Ảnh: Đức Long.

Hầu hết các loại gạch, đá lát đứng giá, trừ gạch, đá của Thạch Bàn tăng một lần vào ngày 1/5. Theo anh Khang, chủ một đại lý sắt, thép tại Gia Lâm (Hà Nội), lượng tiêu thụ chỉ nhỉnh hơn một chút so với năm ngoái. Giá thép giảm đáng kể so với thời điểm đầu tháng 9. Hiện thép cây 18 có giá 257.000 đồng một cây, thép cuộn 11.700 một kg, giảm 300 đồng một kg.

Cầu mặt hàng này cho các dự án công trình cũng bắt đầu chững lại, do khả năng tài chính thu hẹp. Ông Nguyễn Trọng Khương, Đại diện Công ty thép Cửu Long thuộc Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam cho hay, hầu hết các gói vay cho đến nay đã hết thời hạn, việc xin hạn mức mới rất khó do các ngân hàng đang chốt sổ, trong khi hầu hết hợp đồng mua thép của dự án đều phải trả tiền ngay.

Trong khi đó, tình hình có vẻ trái ngược tại miền Nam. Theo các công ty xây dựng, một số loại vật liệu giảm khiến chủ đầu tư các dự án lớn tỏ ra “dễ chịu” hơn đối với các nhà thầu. Mặt bằng chung giá các loại vật liệu đã thấp hơn cùng kỳ năm trước 5 – 10%.

Bà Phạm Thị Thanh Hằng, Trưởng phòng vật tư Công ty Cổ phần xây dựng Phước Thành (Bình Chánh, TP HCM), cho biết, hầu hết vật liệu như gạch, cát, đá đồng loạt giảm từ tháng 7, mức giảm 10 - 15% so với thời điểm này năm ngoái. Cũng với mức giảm tương tự nhưng xi măng và sắt thép chỉ mới bắt đầu giảm từ đầu tháng 10.

Một số doanh nghiệp cho biết, lượng hợp đồng xây dựng công trình mới đã tăng vọt, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 100% trong tháng 10. Ông Cao Hữu Tuấn, Giám đốc công ty xây dựng Nghĩa Trung tính toán, giá vật liệu giảm nhẹ khiến giá thành các hợp đồng đấu thầu cũng thấp hơn khoảng 5%.

Thép, xi măng dư thừa?

So với cách đây hơn một tháng, giá thép xây dựng đã giảm khoảng 300.000 đồng/tấn xuống mức 11.9 triệu đồng/tấn, song vẫn cao hơn giá thế giới 500.000 - 700.000 đồng/tấn. Giá xi măng bán lẻ cũng giảm trung bình 2.000 đồng/bao (50kg). Sức ép giảm giá với 2 mặt hàng này có xu hướng tăng lên.

Ông Khương cho biết, thép Cửu Long đã giảm 200.000 đồng một tấn trong vòng một tuần qua, do cầu kém. Trong khi thép ngoại vẫn được nhập khẩu ồ ạt, đặc biệt là từ Trung Quốc, làm nguồn cung thêm dư thừa, gây sức ép kép buộc các nhà máy trong nước phải đồng loạt giảm giá.

Nhưng theo dự báo của ông Khương, giá thép khó có thể giảm sâu. Bởi các đơn vị nhập khẩu đang phải nghe ngóng và dè chừng rất thận trọng từ bài học năm ngoái. Ngoài ra, giá than tăng cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị làm phôi thép. Hiện số nhà máy sử dụng nguyên liệu than làm chất đốt vẫn chiếm khoảng 25% tổng số nhà máy trong nước nên chắc chắn tác động đến giá thành phẩm bán ra trên thị trường.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc công ty Thép Việt, e ngại, nguồn thép nhập khẩu giá rẻ đang có xu hướng dạt về những thị trường vùng sâu, vùng xa. Có những nơi thép ngoại bán giá thấp hơn giá thép trong nước tới hơn một triệu đồng mỗi tấn. Tuy nhiên, loại thép này không được ưa chuộng ở các công trình, dự án và thực tế đã có doanh nghiệp phải tái xuất.

Với xi măng, nhiều thông tin dự báo, có sự mất cân đối khi nhu cầu mặt hàng này chưa tăng đột biến trong khi lượng xi măng dư thừa có thể lên tới hai triệu tấn vào năm sau, gây sức ép giảm giá.

Tuy nhiên, theo nhận định của công ty xi măng Bình Dương, lượng xi măng dư thừa vẫn đang là phỏng đoán. Hơn nữa giờ mới chính thức bước vào mùa xây dựng, nhu cầu sẽ tăng mạnh trong những tháng tới. Đồng thời giá xăng dầu đội lên, giá than đá chuẩn bị đắt thêm 25% nên giá xi măng sẽ khó có thể giảm mạnh.

Theo Đất Việt

Đọc thêm