Trong khi các bậc phụ huynh thường ngại cho con em mình "dính líu" đồng tiền từ quá nhỏ thì bài học vỡ lòng doanh nhân dùng để giáo dục con là biết sử dụng đồng tiền đúng cách.
Vợ chồng ông vì thế rất nỗ lực trong việc dạy con hiểu được giá trị đồng tiền. Con lớn của ông giờ đang học ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, ngay từ hồi 7 - 8 tuổi đã có một cuốn sổ riêng ghi chép các khoản chi tiêu trong ngày. “Nhờ ghi vào sổ sách nên lần sau cháu nhớ được giá trị của từng món đồ đã từng mua. Và lần sau cần mua thêm quyển sách, quyển vở hay quà vặt, đồ chơi, cháu tự bảo bố mẹ cho xin ngần này tiền để mua món đồ này. Vì thế, có lần chúng tôi rất ngạc nhiên khi mới học lớp hai mà cháu đã thắc mắc cửa hàng gần trường bán đồ đắt hơn gần nhà và nói: lần sau con sẽ về gần nhà mua cho rẻ”, vị doanh nhân hào hứng kể.
Ông cũng cho biết, khi có thêm con thứ hai (năm nay lên lớp 6) tuy tuổi cũng không còn trẻ nhưng hai vợ chồng ông không hề vất vả gì trong việc giáo dục con cách tiêu tiền, vì cháu cứ theo “nếp” nhà và học theo anh cả mà làm.
|
Ông tâm sự là rất e ngại về việc hiện nay nhiều trẻ mới học cấp một nhưng hàng ngày được bố mẹ cho rất nhiều tiền tiêu vặt nhưng các bậc phụ huynh lại không dạy con hiểu được giá trị đồng tiền, cũng không cần biết con tiêu những gì.
"Con của một người bạn tôi dù đã học lớp 5 rồi nhưng vẫn không biết giá một tô bún cháu thường ăn sáng là bao nhiêu. Có những người hoàn cảnh khá giả nên trước mặt con vô tình hay thể hiện gia đình họ là tầng lớp giàu có, con cái sau này sẽ thừa hưởng cả gia tài kếch xù. Điều này rất nguy hiểm, dễ khiến con cái có suy nghĩ ỷ lại và không cần cố gắng học tập, lao động, tiêu xài phung phí", ông nói.
Một phó tổng giám đốc của Ngân hàng thương mại CP An Bình thì lại chia sẻ một số cách dạy trẻ sử dụng và tiết kiệm tiền rất thú vị đó là thông qua các trò chơi. Ông kể, hồi con mới 5 - 6 tuổi, hai vợ chồng đã cắt giấy để vẽ các tờ tiền giả, sau đó đút tiền giả vào một cái ví cũ, đưa cho con để chơi đồ hàng. Thường bố mẹ vào vai người bán thịt, rau, cá, còn con là khách mua. “Chẳng hạn khi con mua một lạng thịt heo giá 7.000 đồng, con đưa tờ 10.000 đồng thì mẹ sẽ hỏi “tôi phải trả lại cho cô/bà bao nhiêu tiền ấy nhỉ?”, lúc đó con tôi buộc phải tính tiền thối lại. Đến cuối buổi, chúng tôi thường hỏi hôm nay con đi chợ hết nhiều tiền không, cá đắt hơn hay thịt, rau đắt hơn. Mỗi lần được khen tính đúng là con bé rất vui”.
Ngoài ra, còn rất nhiều trò chơi khác giúp trẻ làm quen với việc tính và phân biệt tiền, như đi tìm kho báu hay xếp tiền. Trò xếp tiền rất đơn giản, chỉ cần bỏ lộn xộn cả tiền xu và tiền giấy, tiền polyme với các mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng… vào một chiếc hộp, sau đó yêu cầu bé xếp các tờ tiền có trị giá tương đương nhau lại thành một chồng, để bé phân biệt được các loại tiền có giá trị lớn bé khác nhau.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà, cũng là người trực tiếp giảng dạy nhiều lớp doanh nhân, trong đó có việc hướng dẫn họ cách dạy và cùng con quản lý tài chính, cho biết: “Một nghiên cứu của tôi chỉ thấy rằng 74% các em nhỏ là con cái các doanh nhân ở Việt Nam không được hướng dẫn về quản lý tài chính cá nhân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này nhưng lý do chính vẫn là bố mẹ quá bận hoặc họ thấy việc này không phải là điều quan trọng trong việc giáo dục con cái lúc nhỏ. Ở nước ngoài, con cái được học cách sử dụng và chi tiêu tài chính cá nhân từ nhỏ. Có những cháu từ tiểu học đã học và ở tại những khu học xá, phải tự đi siêu thị, tự lo chi tiêu, ăn uống… Điều này khiến trẻ con ở phương Tây học được tính độc lập sớm hơn ở Việt Nam”.
Theo Đất Việt