Chuyện đời bi thương của nữ doanh nhân thuê người đẻ cho chồng

Tờ trích lục bản án thuận tình ly hôn chị cất  trong ví đã mờ dần. Nhưng câu chuyện về cuộc ly hôn kỳ lạ, cũng như những bi ai về cuộc đời của nữ doanh nhân đất Hà Thành làm cho những ai từng một lần được nghe đến không tránh khỏi những thổn thức trở đi, trở lại trong lòng.

Tờ trích lục bản án thuận tình ly hôn chị cất  trong ví đã mờ dần. Nhưng câu chuyện về cuộc ly hôn kỳ lạ, cũng như những bi ai về cuộc đời của nữ doanh nhân đất Hà Thành làm cho những ai từng một lần được nghe đến không tránh khỏi những thổn thức trở đi, trở lại trong lòng.

Hình chỉ có tính minh họa
Hình chỉ có tính minh họa

Chị là một người con gái đẹp đất Tràng An,  một nữ doanh nhân thành đạt, đầy lòng nhân hậu. Nhìn vẻ thư thái toát lên sau nụ cười đẹp đến mê hồn của chị, ít ai nghĩ rằng chị từng ngụp lặn trong bể sầu thương.

Không như những người đàn bà thành đạt khác, coi chuyện lập gia đình chỉ là chuyện phải làm đến khi không thể khác. Ngay khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ chói, chị đã lên xe hoa cùng một người bạn trai cùng lớp. Họ được ví như một đôi “thanh mai trúc mã” suốt cả thời sinh viên.  Một thời gian không lâu sau đó, được sự giúp đỡ của gia đình hai bên, hai anh chị lên đường sang Anh quốc du học. Khi trở về nước, họ mang theo hai tấm bằng tiến sỹ, cùng một cậu con đẹp như tranh vẽ.

Cũng vào thời điểm này, nền kinh tế thị trường Việt Nam như một con rồng cựa mình thức giấc. Để chồng tiếp tục theo đuổi con đường quan nghiệp, chị quăng mình vào thương trường lo làm kinh tế. Thành công đã đến ngoài sức tưởng tượng của chị. 5 năm sau ngày về nước, anh đã lên chức thủ trưởng một cơ quan, chị vừa là giám đốc một doanh nghiệp trẻ đầy tiềm năng, vừa là người mẹ đảm đang của hai con trai ngoan ngoãn, khỏe mạnh.

Tuy hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng chị luôn tâm niệm, sự thành công của người phụ nữ không phải bởi số tiền người đó kiếm được, không phải bởi danh tiếng người đó tạo được trên thương trường, mà chính là mái ấm gia đình với nụ cười hạnh phúc của chồng con. Tất nhiên, chị đã thành công khi tổ ấm của chị luôn ngập tràn nụ cười hạnh phúc.

Bất cứ cơ hội nào được nói chuyện trước mọi người, chị đều tỏ lòng cám ơn chồng, và hai con trai  - những người đã cho chị sức mạnh, giúp chị thành đạt trên thương trường. Chồng chị cũng không tiếc lời ca ngợi người vợ tài giỏi, đảm đang và rất đỗi hiền thục của mình.

Với nữ giám đốc luôn kết thúc mọi cuộc đàm phán trước giờ chuẩn bị cơm tối cho chồng con, người chỉ biết say có hai điều: gia đình và việc từ thiện, không ai dám nghĩ rằng cuộc đời chị cũng chỉ là một biểu đồ hình sin bất biến. Thế nên, khi nghe tin chị đã vĩnh viễn mất đi hai cậu con trai đẹp như tranh vẽ đã ở tuổi thành niên sau một tai nạn giao thông, ai tũng tưởng như sét đánh ngang tai.

Sau một thời gian dài chìm trong những cơn mê man bất tật, số kiếp đã bắt chị phải tiếp tục sống với những đớn đau tưởng như không thể vực dậy. Niềm hy vọng mang tên những đứa trẻ đã tắt lịm sau những cố gắng của chị và chồng.

Từ Bắc đến Nam, từ trong đến ngoài nước, dù chỉ là những tia hy vọng yếu ớt, chị cũng tìm đến để mong lại được làm mẹ. Cuối cùng, chị đành chấp nhận sự thật. Không thể sinh con, lại không cầm lòng nổi với gia cảnh éo le khi chồng chị là độc đinh đời thứ ba của một gia đình dòng dõi, chị đã đi đến một quyết định táo bạo: thuê đẻ cho chồng.

Có lẽ trong cuốn nhật ký cuộc đời của chị, ê chề nhất là những trang viết về các chuyến đi cùng chồng đến một vùng hẻo lánh. Nơi đó, không ai biết họ là ai. Anh chị chọn một nhà nghỉ vắng khách, thuê hai phòng. Chị khép cửa một phòng, phòng kia dành cho anh với mong muốn khát khao tình phụ tử.

Rồi cũng chính trong căn phòng của nhà nghỉ vắng khách đó, chị trở đi, trở lại, lo lắng từng bao gạo, hộp sữa cho “đứa em gái trót dại” cho đến ngày nở nhụy khai hoa. 9 tháng như dài hàng thế kỷ, chỉ đến ngày nhìn đứa bé trai kháu khỉnh chào đời trên đôi tay mình, nỗi đau của chị mới được xoa dịu. Chị chờ ngày đứa bé cứng cáp, chọn ngày lành để đón con về.

Ngày lành, lòng chị vui như mở hội, khi nghĩ rằng chỉ tối nay thôi, trong ngôi nhà ấm áp của chị sẽ lại có tiếng cười của trẻ con, trên chiếc giường của vợ chồng chị, sẽ lại có mùi thơm nồng của con trẻ, hai vợ chồng chị sẽ lại được dụi đầu, cùng thơm vào hai bên má phúng phính của con…

Giấc mơ hạnh phúc của chị tắt nghẹn khi nhìn cảnh người mẹ trẻ nước mắt như mưa trước giờ giao con. Tiếng khóc trẻ thơ xé lòng, và đôi mắt da diết như đôi mắt của hai đứa con chị trong phút giây tuyệt vọng khi phải rời xa mẹ đã làm chị thay đổi quyết định.

Lại một ngày lành, chị cùng chồng đến tòa án, làm thủ tục thuận tình ly hôn. Sau bản án ly hôn, hai chiếc gối trên giường của chị vẫn vẹn nguyên hơi ấm. Chỉ khác, người đàn ông đầu gối tay ấp với chị bấy lâu, trên danh nghĩa đã là chồng của người khác. Chồng của người đã đẻ thuê cho chị.

“Một đứa bé có đầy đủ tên cha mẹ trên tờ giấy khai sinh của mình, một đứa bé được lớn lên bên cha mẹ, tôi nghĩ, thế là “lãi” quá nhiều so với những thiệt thòi của riêng mình mà tôi đánh đổi”, chị chỉ thanh minh như thế trước những lời trách cứ, chê bai của mọi người về sự “dại dột” của chị.

Nhật Thanh

Đọc thêm