Điên hay tỉnh, điên để làm nghệ thuật hay đơn thuần điên loạn như một bệnh lý? Không ai giải thích được về chàng họa sỹ Phạm Văn Trường – người từng đem giấy vệ sinh ra treo đầy ở cầu Long Biên làm triển lãm sắp đặt, mà người xem ùn ùn; người từng có nửa tá những cô người yêu xinh như mộng, dù vẻ ngoài đen đủi, râu ria, cách nói chuyện lúc nào cũng “là lạ” vì “bệnh nhân” này vừa trốn khỏi “trại điên” Châu Quỳ…
Ra vào bệnh viện tâm thần nhiều như… đi chợ
Trước khi gặp Trường, người viết luôn có tâm lý “đề phòng”, sợ bị rơi vào “mê hồn trận” những điều hư hư thực thực trong cuộc trò chuyện với những nghệ sĩ lập dị. Nhưng điều bất ngờ là Trường lại rất tỉnh táo, nhớ rất rõ ràng, logic các mốc thời gian trong câu chuyện, sẵn sàng ngắt chuyện nếu thấy mình quá sa đà vào một chủ đề…
|
Chân dung chàng họa sỹ "điên" |
Anh nói, từ hồi 3, 4 tuổi đã mê vẽ. Bố mẹ kể lại, hễ con trai khóc nhè vòi vĩnh, cứ đưa cho cái bút và quyển vở là nín ngay, mải mê vẽ.
Lớn lên, học phổ thông, chàng thiếu niên đã có thể vẽ những hình người lớn như người thật, choán hết tường phòng khách. Rồi chàng trai trốn nhà đi thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, phải trốn vì không ai ủng hộ chuyện con vẽ vời.
“Bố tôi bảo phải vào học Đại học Mỏ để đi làm quản đốc mỏ than như ông, nhưng tôi không thích. Tôi bán cái xe đạp đang đi được 800 ngàn, lên Hà Nội thi năm đầu thì “trượt vỏ chuối”. Đến năm thứ hai mới đỗ”, Trường kể.
Đến khi đã trở thành một sinh viên Khoa tạo dáng công nghiệp, anh cũng không đi theo con đường thường bằng phẳng, tươi đẹp của nhiều người theo ngành này. Anh mày mò trên mạng, tìm hiểu về nghệ thuật đương đại.
Họa sĩ Phạm Văn Trường sinh năm 1981, quê gốc Ninh Bình, năm 2007 tốt nghiệp đại học. Năm 2008, tác phẩm trình diễn “Những dấu hỏi” của anh đạt giải thưởng “Tài năng nghệ thuật trình diễn năm 2008” do quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch (CDEF) tổ chức. Anh cũng tham gia Festival Huế 2008 trong năm này. Một số triển lãm sắp đặt gây chú ý khác: “Vệt thời gian”, triển lãm sắp đặt tại cầu Long Biên (Hà Nội); “Bom”, triển lãm tại Trung tâm nghệ thuật Việt (Hà Nội). |
uy tưởng nhiều, hoặc “bị người âm hành”, theo cách anh nói. Năm 2005, chàng sinh viên phải bảo lưu kết quả học để về quê chữa bệnh tâm thần. Những trò rất “quái dị” như 4h sáng trốn ra khỏi nhà, chạy theo ô tô, nhảy tót lên nóc ô tô đang chạy ngồi vắt vẻo; hay tự tưởng tượng ra các nghi thức xin trời mưa, trời nắng như con người thuở hồng hoang… khiến cả gia đình và các bác sĩ tin chắc Trường bị tâm thần.
Anh vào bệnh viện tâm thần ngoài 20 ngày thì “hiền” dần đi, các bác sĩ cho anh về. “Tôi đi vào viện tâm thần, không cảm thấy hồi hộp hay bất an gì. Theo tôi quan sát, những bệnh nhân tâm thần toàn là những người bình thường, chơi với tôi cũng bình thường thôi. Cảm giác về viện tâm thần của tôi là một thế giới mới mẻ, có nhiều điều thú vị đang chờ đợi. Tôi muốn nhìn cuộc sống theo một cách khác”, Trường nói.
Năm 2008, không biết có phải vì có “một cái nhìn khác” về cuộc sống hay không, Trường đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Tài năng nghệ thuật trình diễn năm 2008” do quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch (CDEF) tổ chức.
Rồi anh chuẩn bị làm một triển lãm sắp đặt mang tên “Bom” ở địa điểm cực đẹp là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đến lúc này, Trường lại có những biểu hiện “chẳng giống ai”: Nhảy qua nhảy lại trước mũi xe ô tô, xin mưa, xin nắng…
Triển lãm phải hoãn lại, Trường đi chữa bệnh, lần này tới hai tháng.
“Người điên” yêu cái đẹp
Nghệ danh Trường “art” được khá nhiều người giới mỹ thuật biết đến. Tất nhiên còn rất nhiều những bàn luận trái chiều về tác phẩm của anh, nhưng điểm chung là đam mê thử nghiệm, sự dấn thân, đi đến tận cùng cảm xúc trong từng tác phẩm.
|
Trình diễn nghệ thuật với giấy vệ sinh trên cầu Long Biên của Trường "điên" |
Ngày 24/3/2010, triển lãm sắp đặt mang tên “Bom”, vốn bị hoãn lại từ hơn một năm trước để “chủ trò” đi chữa bệnh, cuối cùng đã khai mạc ở Trung tâm nghệ thuật Việt (Hà Nội). Tác phẩm được cấu thành bởi tổng cộng 60m2 gương đã bị đập vỡ, với hình thù như những hố bom sau khi nổ, hoặc có thể hình dung như những quả bom đang nổ.
Tác phẩm được thực hiện bắt nguồn từ ám ảnh của tác giả về hậu quả chiến tranh nặng nề vẫn còn đâu đó trên đất nước, trong số phận những người dân Việt. Một thông điệp khác nữa của triển lãm sắp đặt này được gửi gắm như một triết lý sống: Bản thân ta là những trái bom chưa nổ. Hãy chấm dứt việc bỏ mặc mình chìm theo vòng xoáy cuộc đời, hãy khai thác những khả năng tiềm ẩn của mình.
|
Một tác phẩm sắp đặt của Trường |
Sau triển lãm Bom, Trường còn làm một vài triển lãm khác. Anh cũng là một trong những thành viên sáng lập diễn đàn www.mythuatvietnam.info. Nhưng, hình như anh vẫn chưa “đoạn tuyệt” hẳn với các chuyến “vào thăm” bệnh viện tâm thần. Anh bảo gần đây có vào một bệnh viên tâm thần tư nhân, một thời gian ngắn rồi lại ra.
Điều may mắn với Trường là gia đình luôn ở bên. Bố mẹ anh vốn là những cán bộ ngành than ở Quảng Ninh, sau khi về hưu, đã lên Hà Nội mua nhà ở, chăm sóc cậu con trai út, cũng là con trai duy nhất còn lại của gia đình. “Giờ bố mẹ tôi vẫn coi tôi như người bị bệnh, gần một năm nay bố mẹ nuôi. Tôi có thể thoải mái làm nghệ thuật mà không lo gì chuyện cơm áo gạo tiền”, anh tâm sự.
Không thể lo được cuộc sống theo nghĩa “mưu sinh”, nhưng Trường rất giỏi xin tài trợ để thực hiện các tác phẩm trình diễn, sắp đặt của mình. Thuyết phục được các quỹ tài trợ cho tác phẩm của mình phải có dự án, phải có ngoại ngữ, có một quá trình hoạt động nghệ thuật… những điều không hề đơn giản với một nghệ sĩ “bình thường”.
Anh vẫn nhận mình là điên, mình làm mọi việc “không suy nghĩ vì sao, chỉ làm vì có thôi thúc trong tâm”. Có lẽ vì “dám điên”, dám chiều theo những cảm xúc mạnh mẽ trong tâm hồn mình nên chàng họa sĩ này vẫn có một bản sắc riêng trong từng tác phẩm.
Theo Xa lộ pháp luật