Chuyển đổi sản xuất ở Điền Xá - Hiệu quả và những vấn đề đặt ra

Xã Điền Xá (Nam Trực) là địa phương tiêu biểu ở tỉnh trong phong trào chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên thực tiễn của phong trào ở địa phương cũng đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Xã Điền Xá (Nam Trực) là địa phương tiêu biểu ở tỉnh trong phong trào chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên thực tiễn của phong trào ở địa phương cũng đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết. 

Vùng đất bãi ven sông thuộc địa bàn xã Điền Xá (Nam Trực) được bà con chuyển từ trồng rau, màu sang trồng cỏ Nhật cho thu nhập cao.
Vùng đất bãi ven sông thuộc địa bàn xã Điền Xá (Nam Trực) được bà con chuyển từ trồng rau, màu sang trồng cỏ Nhật cho thu nhập cao.

Đồng chí Vũ Anh Tuấn, chủ tịch UBND xã Điền Xá (Nam Trực) cho biết, chỉ trong khoảng chục năm từ khi có chủ trương khuyến khích chuyển đổi sản xuất đến nay đã có khoảng 50% trong tổng số hơn 700 ha đất nông nghiệp ở xã được chuyển đổi từ cấy lúa, trồng rau màu sang trồng hoa, cây cảnh. Mặc dù, chỉ chiếm một nửa diện tích đất sản xuất nhưng nghề trồng hoa, cây cảnh đã đem lại khoản thu nhập chính cho người dân trong xã với mức thu cao gấp vài lần cấy lúa. Toàn xã có khoảng 30% số hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ mỗi năm. Chẳng hạn như toàn bộ diện tích đất bãi ven sông trước kia khai thác trồng rau màu nay được chuyển sang trồng cỏ Nhật trang trí bồn hoa, chậu cây, mỗi năm cho thu 3-4 lứa, giá trung bình 14-15 nghìn đồng/m2, trong đó chi phí mua giống, công chăm sóc chỉ hết khoảng 30%, nước tưới lấy từ sông, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lao động cũng không đòi hỏi phải tay nghề cao hoặc quá nặng nhọc. Nhiều người dân trong xã đã đến cả các xã khác có đất ven đê thuê để trồng cỏ trang trí. Đối với các nhà vườn trồng cây cảnh, thu nhập vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ không hiếm... Quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển làng du lịch sinh thái cùng với sự tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các công trình công cộng nâng cao đời sống kinh tế, sự nghiệp văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế cho nhân dân đã mang lại cho Điền Xá diện mạo mới, theo hướng hiện đại hơn. Cả 6 trường học mầm non, tiểu học và THCS của xã đều đã được xây dựng cao tầng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chăm lo giáo dục cho con em địa phương. 3 tuyến đường chính trên địa bàn xã nối với quốc lộ 21 và đê sông Đào đều đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng đáp ứng yêu cầu đi lại, tham quan các vườn cây của du khách, hay vận chuyển các loại cây cảnh.

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình chuyển đổi sản xuất ở Điền Xá cũng nảy sinh một số vấn đề về quản lý mặt bằng, đất đai trên địa bàn xã. Do việc chuyển đổi sản xuất trước đây chưa có quy hoạch cụ thể, chủ yếu là các hộ tự dồn đổi đất cho nhau theo hướng tự phát, dẫn đến xã không quản lý được hết đối với cả diện tích đã chuyển đổi cũng như các diện tích còn lại chưa chuyển đổi. Xã cũng chưa quy hoạch thành những vùng sản xuất lớn để thuận tiện cho đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; trong khi yêu cầu sản xuất thực tế của các vùng này đòi hỏi phải phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ. Hiện tại, chỉ những hộ có lợi thế bám mặt các đường lớn là khai thác và phát huy được thế mạnh, từ việc trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm với du khách, đến việc vận chuyển cây lên xe. Các gia đình phía sâu trong làng mặc dù có cây đẹp song hạn chế khâu quảng bá, phụ thuộc vào đội ngũ "tiếp thị", việc vận chuyển đưa cây từ vườn ra xe khó khăn, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán. Các trục đường dong, đường liên thôn, liên xóm mặt đường hẹp, chỉ từ 2-2,5m, chỉ một chiếc xe cẩu hay xe tải đỗ để bốc cây có thể làm ách tắc cả tuyến. So với yêu cầu thực tiễn, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn xã cần khoản đầu tư rất lớn để mở rộng đường. Không chỉ thiếu vốn, nhiều tuyến đường còn bị hạn chế về mặt bằng, rất cần có sự tham gia ủng hộ, cộng đồng trách nhiệm của các hộ dân ven đường thì mới có thể mở rộng theo yêu cầu. Một vấn đề khác ở Điền Xá là mặc dù sản phẩm từ chuyển đổi sản xuất của người dân là hàng hóa, có giá trị kinh tế cao nhưng ngân sách địa phương chỉ thu được với những hợp đồng cung cấp cây lớn cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (nếu có hóa đơn). Do vậy, có tình trạng dân giàu nhưng ngân sách xã chưa mạnh nên việc tái đầu tư cho các công trình phục vụ đối với xã nhiều khi "lực bất tòng tâm"(!). Vệ sinh môi trường cũng đang là vấn đề cần quan tâm đối với Điền Xá trong vai trò là làng du lịch sinh thái. Ngoài rác thải sinh hoạt được thu gom, tập kết để xử lý tại hai bãi rác tập trung của xã thì ở đây còn một lượng lớn rác thải là cành, lá cây của các nhà vườn sau mỗi lần cắt tỉa nhưng lại không thể tái chế sử dụng theo phương pháp thông thường của người dân được. Đây là một trong những vấn đề nan giải đối với địa phương.

Có giải pháp phù hợp cho các vấn đề nêu trên, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, xã hội ở Điền Xá chắc chắn sẽ còn được phát huy mạnh mẽ hơn nữa, mang lại cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân của địa phương./.

Bài và ảnh: Vân Anh

Đọc thêm