Hội nghị là sáng kiến do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất, với sự đồng bảo trợ của 5 nước thành viên, gồm Phần Lan, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc và được Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 (Ulaanbaatar, Mông cổ, 7/2016) thông qua.
Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp; Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế; Lãnh đạo các Sở ban ngành liên quan của 19 tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội, TP. HCM và 18 Hiệu trưởng của các trường đại học hàng đầu Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp hình với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam |
Tham gia hội nghị lần này còn có gần 200 đại biểu của 53 thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế và khu vực như UNESCO, Trung tâm học tập suốt đời của ASEM, Diễn đàn sáng tạo và khởi nghiệp, Quỹ Á – Âu...
Nhiều thành viên ASEM coi trọng và cử cấp cao dự: Tổng Thư ký ASEAN, Thứ trưởng Giáo dục và Văn hóa Phần Lan, Giám đốc Văn phòng UNESCO phụ trách Giáo dục khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, đại diện Trung tâm học tập suốt đời của ASEM, Đại sứ, Lãnh đạo một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu có uy tín của Á – Âu.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Nhìn lại chặng đường hai thập kỷ phát triển, chúng ta có thể tự hào ASEM đã đóng vai trò quan trọng trong kết nối các nhà nước, Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân ở hai châu lục vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng.
ASEM cũng đã góp phần tích cực thúc đẩy giáo dục và xây dựng nguồn nhân lực ở hai châu lục Á – Âu. Nổi bật là việc tổ chức định kỳ các Hội nghị Bộ trưởng giáo dục, Hội nghị Bộ trưởng về Lao động việc làm, lập các Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về đào tạo nghề và phát triển nhân lực...”.
Triển lãm về giáo dục sáng tạo phục vụ hội nghị |
Sau phiên khai mạc, Hội nghị ASEM họp phiên toàn thể 1 với nội dung là vai trò của giáo dục và nguồn nhân lực trong thế kỷ 21 vì mục tiêu phát triển bền vững. Diễn giả chính là bà Anita Lehikoinen, Thứ trưởng Văn hóa và Giáo dục Phần Lan.
Theo chương trình, chiều nay 30/3 sẽ họp phiên toàn thể 2- Nội dung: Cơ hội, thách thức và vai trò của các bên liên quan. Diễn giả chính là TS Gwang - Jo Kim, Giám đốc Văn phòng UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp đó là phiên toàn thể 3- Nội dung: Thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu. Diễn giả chính là GS Jeppe Bundsgaars, Đại học Aarhus, Đan Mạch.
Ngày 31/3 sẽ tiếp tục họp 3 phiên: Phiên toàn thể 4- Nội dung: Từ tầm nhìn đến hành động - Tăng cường hợp tác Á - Âu trong lĩnh vực giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững. Diễn giả chính là ông Lê Lương Minh - Tổng thư ký ASEAN; Phiên tổng kết và thông qua báo cáo hội nghị do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Hiệp làm chủ tọa cùng đại diện của 5 nước khác là Phần Lan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản và sau đó là phiên bế mạc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì.
Bên lề hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển lãm về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực phục vụ hội nghị.
Đây là Hội nghị tầm liên khu vực quan trọng nhất trong khuôn khổ ASEM do Việt Nam đăng cai năm 2017, nhằm triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEM 11 và cũng là sáng kiến đầu tiên về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thập kỷ thứ ba của ASEM.
Diễn ra trong bối cảnh các nước thúc đẩy giáo dục sáng tạo, phát triển các kỹ năng thế kỷ 21 để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội nghị góp phần thúc đẩy hợp tác Á – Âu giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục, lao động, việc làm, đề xuất về Tầm nhìn Giáo dục và phát triển nhân lực của ASEM, Chương trình các kỹ năng mới của ASEM, hướng tới tăng trưởng bền vững và toàn diện, đóng góp hiệu quả vào việc triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.
Được tổ chức vào tháng thành lập diễn đàn ASEM (3/2006 – 3/2017), Hội nghị chuyển đi thông điệp về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối ngoại đa phương theo tinh thần Đại hội Đảng XII, thể hiện sự tích cực góp vào các quan tâm chung, tham gia đề xuất hướng hợp tác ASEM, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời, tranh thủ ủng hộ, phối hợp của các thành viên thúc đẩy quan tâm của ta về đổi mới, sáng tạo, giáo dục và phát triển nhân lực.