Chuyên gia cảnh báo về "thẻ kháng khuẩn thần kỳ"

(PLVN) - Những ngày gần đây, nhiều người đổ xô lùng mua trên mạng loại thẻ kháng khuẩn vì sản phẩm được quảng cáo là có thể chống virus Corona. Tuy nhiên, sau khuyến cáo của một số chuyên gia y tế, trong vai người muốn nhập hàng để bán thẻ này, chúng tôi nhận thấy đã có người bán hàng online không còn “nổ tung trời” về công dụng “thần kỳ” của sản phẩm.

Trước đây vài ngày, dòng quảng cáo về tác dụng của thẻ kháng khuẩn: "Chỉ cần đeo ở cổ, cài vào quần áo, balô là có thể chống virus corona”  đã khiến dân tình đứng ngồi không yên. Không ít người muốn mua chiếc thẻ này đẩy giá thành của nó tăng lên chóng mặt.  

Trao đổi với báo chí, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM), đồng thời là cố vấn cao cấp Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - cho biết, thẻ kháng khuẩn này không có tác dụng phòng chống virus Corona như người bán hàng quảng cáo. Người dân không nên tin những lời chia sẻ trên mạng xã hội để tránh "tiền mất, tật mang".

Bác sĩ Khanh tư vấn biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Sử dụng loại khẩu trang 3 lớp đúng cách kết hợp với rửa tay với xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày sẽ ngăn chặn virus sinh sôi và xâm nhập vào cơ thể.

Người ở trong miền Nam không nên nằm điều hòa quá lạnh, nhiệt độ phòng nên để trên 25 độ. Đối với miền Bắc, khi có điều kiện cần phải mở cửa để thoáng nhà. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc virus Corona như sốt cao bất thường, chảy nước mũi, đau đầu, đau họng, tức ngực khó thở cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám và cách ly.

Để điều hòa ở nhiệt độ hợp lý cũng là một cách phòng bệnh hiệu quả
 Để điều hòa ở nhiệt độ hợp lý cũng là một cách phòng bệnh hiệu quả

Lưu ý người dân về cách phòng bệnh, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - PGS.TS Trần Đắc Phu nói: “Nếu có tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang, vì đeo khẩu trang là hạn chế không để người bệnh lây cho mình, nhưng giả sử mình có bệnh cũng giảm sự phát tán những giọt chất lỏng chứa mầm bệnh vào không khí từ những cái ho hoặc hắt hơi giúp phòng bệnh cho người xung quanh. Còn nếu không có khẩu trang thì đơn giản là dùng tay che miệng, nhất là khi ho và hắt hơi".

Với những phản hồi, cảnh báo kịp thời từ các chuyên gia nêu trên, khi chúng tôi ngỏ lời muốn được làm đầu mối bán mặt hàng đang thu hút người dùng này, một số tài khoản bán hàng online đã bớt “nổ” về công dụng của nó.

Tài khoản H.H cho biết: “Em không thần thánh hóa thẻ này đâu, không có chuyện đeo thẻ thì cứ tung tẩy ra ngoài mà không phòng bị gì”. 

Thẻ kháng khuẩn màu tím đang được nhiều người bán hàng online quảng cáo là được sản xuất theo công nghệ mới nhất.
Thẻ kháng khuẩn màu tím đang được nhiều người bán hàng online quảng cáo là được sản xuất theo công nghệ mới nhất.

Trong lúc trao đổi, tài khoản H.H tiếp tục giới thiệu về loại thẻ màu tím được sản xuất theo công nghệ mới nhất (vài hôm trước thường chỉ có loại thẻ màu đỏ) nhưng vẫn không quên bảo: “Chị nhớ giúp em là không phải mang thẻ thì an toàn tuyệt đối mà không cần đeo khẩu trang, nó chỉ giúp mình hạn chế nguy cơ thôi” 

Tài khoản V.N.H thì không ngần ngại phản đối công dụng của khẩu trang. Theo đó, tài khoản này cho rằng, đa phần các loại khẩu trang đang bán trên thị trường hầu như chỉ giảm thiểu được khói bụi, hạt nhỏ, bụi kim loại... nhưng lại quảng cáo để phòng ngừa virus là hơi “dã man”.

Có loại kháng khuẩn và virus thì sau khi kích hoạt chỉ có tác dụng kháng khuẩn và virus hiệu quả tối đa là 8 tiếng; sau đó chỉ còn tác dụng chống bụi thông thường và không như quảng cáo dùng được nhiều lần.

Sau một hồi phản đối, tài khoản V.N.H quay sang khẳng định hiệu quả của các loại khẩu trang không thể bằng thẻ đeo. Đặc biệt, thẻ đeo sẽ cho hiệu quả hơn hẳn khi kết hợp với khẩu trang y tế thông thường.

Tuy nhiên, tài khoản V.N.H cũng thận trọng: “Đây chỉ là một trong số những thứ phòng tránh cho các con rất hữu dụng! Cùng với việc nhắc con thường xuyên rửa tay hoặc dùng gel rửa tay khô thì thẻ đeo diệt khuẩn là một trong những thứ vũ khí bảo vệ con rất cần thiết trong mùa dịch” (!?)

Đọc thêm