Gương sáng Pháp luật

Chuyên gia “giải mã” tội phạm Đào Trung Hiếu: Nỗ lực góp sức kiến tạo một xã hội an toàn

(PLVN) - Trung tá, TS.Đào Trung Hiếu là một cái tên quen thuộc trên truyền thông, báo chí, mạng xã hội cũng như ngoài đời thực. Ở bất cứ vị trí, vai trò nào; từ trinh sát phòng chống tội phạm đến nhà văn, nhà báo, nhà giáo, luật gia, chuyên gia tội phạm học, võ sư… anh đều cố gắng dâng hiến cho cuộc đời những giá trị tốt đẹp, với mong muốn được chung tay, góp sức kiến tạo một xã hội an toàn, hạnh phúc cho mọi người.
Kể về các phẩm chất cần có của một trinh sát hình sự, TS Đào Trung Hiếu gói ghém trong cụm từ: “Một trái tim nóng, một cái đầu lạnh, đôi bàn tay sạch”.
Kể về các phẩm chất cần có của một trinh sát hình sự, TS Đào Trung Hiếu gói ghém trong cụm từ: “Một trái tim nóng, một cái đầu lạnh, đôi bàn tay sạch”.

Người lính giàu năng lượng

Nhận bằng Cử nhân luật năm 1996, Đào Trung Hiếu vào ngành Công an. Đơn vị công tác đầu tiên của anh là Công an tỉnh Yên Bái. Thời gian này anh là trinh sát phòng chống tội phạm ma tuý, điều tra viên trọng án, được đề bạt chỉ huy đội năm 2002.

Năm 2005 anh học tiếp Cao học Cảnh sát tại Học viện CSND rồi chuyển công tác về Đội Điều tra trọng án, Đội PCTP sử dụng công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội.

Là cảnh sát hình sự nhưng lại đam mê văn chương, anh đã xuất bản 2 cuốn truyện, ký; gây tiếng vang trên văn đàn. Đây là cơ duyên để cuối 2013, anh được điều động về cơ quan ngôn luận của Bộ Công an là Báo Công an nhân dân, thuộc Tổng cục Xây dựng Lực lượng.

Năm 2015 anh viết tiểu thuyết “Bão ngầm” và đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Sự kiện này mở ra cánh cửa vào Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội của Đào Trung Hiếu vào 2017.

Mặc dù là một nhà văn, nhà báo nhưng gốc gác “con nhà Luật”, nên anh vẫn tiếp tục việc nghiên cứu luật pháp và giảng dạy bộ môn luật hình sự, phương pháp chiến thuật điều tra tội phạm cho nhiều trường ĐH như Kiểm sát, ĐH Mở, ĐH Luật Hà Nội. Đồng thời năm 2017 anh thi đậu vào chương trình đào tạo Tiến sĩ luật học, chuyên ngành Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm.

Hiện Đào Trung Hiếu đang là thầy giáo ở một số trường Công an, Kiểm sát, Y tế, Sư phạm, Báo chí truyền thông, Thành đoàn... Anh vẫn giảng bài tại ĐH Kiểm sát, đi các địa phương giảng bài cho lực lượng trực tiếp chiến đấu trong ngành Công an, Kiểm sát. Anh còn thường xuyên giảng về kỹ năng phòng chống tội phạm cho học sinh, sinh viên ở nhiều trường học địa phương; cộng tác với Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Bộ TT&TT giảng dạy kỹ năng điều tra trong báo chí và phương pháp xử lý khủng hoảng truyền thông, kỹ năng viết tin bài cho trang thông tin điện tử cho nhiều cơ quan, ban ngành; giảng dạy kỹ năng ứng phó với bạo lực tại cơ sở y tế, đối phó với vấn nạn chống người thi hành công vụ...

Khi trong nước xảy ra vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, người ta lại thường gặp Đào Trung Hiếu trên sóng truyền hình và nhiều tờ báo để phân tích về tội phạm và tư vấn phòng ngừa. Trên tờ Lao Động có hẳn chuyên mục “Mẹo thoát hiểm” của anh với nhiều kỹ năng từ phòng chống hiếp dâm, chống trộm đột nhập, chống cướp giật, lừa đảo…

“Bão ngầm” là “đứa con tinh thần” do Đào Trung Hiếu biên kịch chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của mình và tham gia sản xuất với vai trò Phó đạo diễn.

“Bão ngầm” là “đứa con tinh thần” do Đào Trung Hiếu biên kịch chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của mình và tham gia sản xuất với vai trò Phó đạo diễn.

Với kinh nghiệm nhiều năm chiến đấu với các loại tội phạm nên những phân tích, khuyến cáo của anh có sức thuyết phục và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Anh phản ứng rất nhanh trước các vụ án vừa xảy ra, nhanh chóng “đọc vị” các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của đối tượng, rút ra quy luật làm cơ sở đưa ra các cảnh báo, giúp người dân cảnh giác, nhận ra âm mưu, thủ đoạn phạm tội để chủ động phòng ngừa, không tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm. Anh còn tư vấn cho một số hãng luật, đơn vị, tập đoàn kinh tế kiện toàn tổ chức, quản lý nhân sự, xây dựng thương hiệu…

Từ 2015, nhiều người còn biết đến anh với vai trò võ sư môn phái võ cổ truyền dân tộc Nhất Nam với 2 CLB Nhất Nam Yên Hòa và Nhất Nam Việt Hưng, không thu học phí của học viên.

Tim nóng, đầu lạnh, tay sạch

Đào Trung Hiếu kể, dù đang làm nhiều việc nhưng anh không thấy mệt bởi anh được thỏa chí sáng tạo, được “chơi” trọn vẹn với đam mê nghiên cứu, viết lách, truyền bá kiến thức của mình. Hơn nữa, vốn sống phong phú có được sau gần 20 năm trực tiếp chiến đấu với các loại tội phạm nguy hiểm đã giúp anh có được sự vững vàng về tri thức để làm các việc theo đam mê của mình. Anh nói vui rằng mình đã dành 20 năm để đi lấy tư liệu, giờ chỉ việc ngồi viết hay đứng nói.

Tiếp xúc với anh, điều dễ nhận ra đó là một người rất giàu năng lượng sáng tạo. Anh kể bản thân không đam mê chức vụ hay tiền bạc, chỉ mong làm được nhiều việc có ý nghĩa trong cuộc sống, đóng góp sức mình vào việc kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Dù làm nhiều nghề, lĩnh vực, nhưng TS Đào Trung Hiếu cho biết, anh thích nhất là nghề dạy học. Bởi đó là nghề phúc đức, là cho đi. Khi giảng dạy, anh có thể đứng giảng, nói từ sáng đến tối không biết mệt. Cũng bởi mối duyên, tình yêu và niềm đam mê với công tác giảng dạy mà anh không từ nan, miệt mài đến các tỉnh, thành chia sẻ tri thức.

Hiện bộ phim “Bão ngầm” đang công chiếu trên khung giờ vàng, Kênh VTV1 với chỉ số rating 5.2 (cao nhất cả nước). Đó chính là “đứa con tinh thần” do Đào Trung Hiếu biên kịch chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của mình và tham gia sản xuất với vai trò Phó đạo diễn.

Khán giả yêu thích bộ phim “Bão ngầm” rất tò mò về nguyên mẫu của “siêu trinh sát” Đào Hải Triều. Mang câu hỏi đó đến gặp Phó đạo diễn Đào Trung Hiếu, anh tủm tỉm cười cho biết có nhiều chuyện của nhân vật trong phim, chính là chuyện đã xảy ra với anh trong hành trình điều tra khám phá tội phạm trước đây. Bởi chính anh là một trinh sát đã từng thực hiện các nhiệm vụ bí mật trong hang ổ tội phạm, trong các chuyên án đấu tranh với tội phạm ma tuý.

Kể về các phẩm chất cần có của một trinh sát hình sự, anh gói ghém trong cụm từ: “Một trái tim nóng, một cái đầu lạnh, đôi bàn tay sạch”.

Theo anh, cảnh sát mà không ý thức được sự công bằng thì chỉ là một tay súng. Đã làm cảnh sát thì phải bảo vệ công lý, bảo vệ sự công bằng trong xã hội. Chính vì lẽ đó, nhiều năm làm trinh sát, điều tra viên, các anh đã đau với nỗi đau của gia đình nạn nhân, biến nỗi đau thành động lực để vượt qua bao hiểm nguy, thử thách hay cám dỗ.

Chuyện lính trinh sát thì thật nhiều nhưng anh Hiếu nhớ mãi cuộc điều tra truy tìm thủ phạm gây ra vụ cháy thảm khốc làm chết 3 người xảy ra ngày 25/1/2008 tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Vụ án bị “thối” (không rõ thủ phạm), tròn 1 năm. Với quyết tâm cao độ tìm ra kẻ thủ ác, anh Hiếu đã có đóng góp trong việc làm rõ sự thật vụ án. Sau gần 2 tháng trời lao lực, gần như không có giấc ngủ đêm trọn vẹn, anh và đồng đội tìm ra sự thật, bắt kẻ sát nhân, đem lại ánh sáng công lý cho xã hội.

Trong chuyên án vắt qua 2 năm trời (2011 - 2012) đấu tranh với các nhóm tội phạm quốc tế vào Hà Nội gây án bằng thẻ tín dụng giả, anh Hiếu đã trực tiếp chỉ huy nhóm trinh sát bóc gỡ, bắt giữ toàn bộ 7 nhóm đối tượng. Khi đó anh đang chỉ huy Đội PCTP sử dụng công nghệ cao thuộc Phòng CSHS Công an Hà Nội. Anh kể, lời khen ngợi thú vị nhất khi chuyên án hạ màn, chính là lời thú nhận của nhóm tội phạm ngoại quốc: “Chúng tôi đã đi gây án khắp nơi trên thế giới không sao mà đến Việt Nam lại bị bắt”.

Mong làm được nhiều hơn những điều tốt đẹp cho cuộc đời

Bàn về vấn đề thực hiện pháp luật, TS Đào Trung Hiếu cho rằng, lâu nay chúng ta đang “tư duy ngược” khi cho rằng cần làm gì để pháp luật đi vào cuộc sống. Đúng ra phải nghĩ làm thế nào để đưa cuộc sống vào pháp luật, có như vậy thì quy phạm pháp luật mới mang tính khả thi, có tuổi thọ lâu dài, sát hợp với đời sống xã hội, điều chỉnh đúng vấn đề đang đặt ra từ đời sống.

Trung tá Hiếu còn là một võ sư.

Trung tá Hiếu còn là một võ sư.

“Việc làm luật trong “phòng lạnh”, mang tính áp đặt chủ quan duy ý chí lên các quan hệ xã hội, khiến các quy định không phản ánh đúng nhu cầu đặt ra từ thực tiễn đời sống, tạo ra độ vênh khi áp dụng. Hậu quả là quy phạm không có tính khả thi, cuối cùng tất yếu sẽ bị đời sống đào thải”, TS Đào Trung Hiếu nhận xét.

Để pháp luật có tính khả thi, TS Hiếu cho rằng, việc nghiên cứu, khảo sát thực tiễn phải được tiến hành kỹ lưỡng, phải lắng nghe xã hội, lấy ý kiến rộng rãi từ giới chuyên môn đến người dân. Hơn ai hết, người dân, DN là những chủ thể đang đối diện với những vấn đề, các mối quan hệ phát sinh trong thực tế đời sống và công việc. Với tư cách điều chỉnh các quan hệ xã hội, các quy tắc, quy phạm phải phản ánh đúng thực tiễn và giúp cho việc giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn. Nói cách khác, quy phạm pháp luật phải được xây dựng từ các vấn đề cấp thiết đặt ra trong thực tiễn đời sống.

Nhận xét về khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực công nghệ cao, TS Đào Trung Hiếu cho biết hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, nhiều vấn vấn đề còn đang bỏ ngỏ, chẳng hạn như địa vị pháp lý của tiền ảo, tiền điện tử. Trong công tác giải quyết tội phạm cho đến nay vẫn chưa có một quy trình chuẩn nào về thu thập, bảo quản, chuyển hoá dữ liệu điện tử thành chứng cứ. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tài năng được ghi nhận trên khá nhiều lĩnh vực nhưng TS Đào Trung Hiếu vẫn rất khiêm tốn khi cho rằng những điều đó chưa có gì đáng kể. Anh chỉ mong làm được nhiều hơn những điều tốt đẹp cho cuộc đời, để cuộc “rong chơi” thêm hương vị, sắc màu thú vị.

Hai lần được Thủ tướng tặng Bằng khen

Ngoài những cuốn sách đã xuất bản với nhiều thể loại từ văn học đến khoa học, TS Đào Trung Hiếu còn đóng góp vào kho tàng báo chí Việt Nam hàng trăm tác phẩm, bài viết có hàm lượng trí tuệ cao, hữu ích, để lại ấn tượng sâu sắc đối với độc giả…

Với những thành tích, nỗ lực và sự cố gắng của mình, TS Đào Trung Hiếu đã hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2009 và 2012); năm 2013, anh được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen; năm 2015, anh nhận Bằng khen của Tổng cục Xây dựng Lực lượng CAND (Bộ Công an). Ngoài ra còn nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen về thành tích công tác của các bộ, ngành và Công an các tỉnh, thành... nơi anh đã công tác.

Đọc thêm