Chuyên gia góp ý chủ trương xét xử online: “Chỉ thực hiện khi đảm bảo các nguyên tắc tố tụng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã đưa tin, TANDTC đã ban hành dự thảo quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để áp dụng trong trường hợp các địa phương thực hiện một số biện pháp giãn cách phòng, chống COVID-19 để lấy ý kiến nhân dân.
Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, “xét xử trực tuyến không phải là phương án tình thế”.
Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, “xét xử trực tuyến không phải là phương án tình thế”.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, TANDTC cần thực hiện thận trọng từng bước, “làm thí điểm” rút kinh nghiệm xong mới nhân rộng.

“Nhiều nước trên thế giới đã làm từ rất lâu”

Đồng tình với đề án của TANDTC, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cho rằng, trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, phải thực hiện giãn cách xã hội, một số trường hợp không thể tham dự phiên tòa xét xử; dẫn đến tình trạng nhiều vụ án chưa được giải quyết, nhiều hồ sơ bị tồn đọng. Vì vậy, việc xem xét thực hiện áp dụng xét xử trực tuyến là yêu cầu thực tế tất yếu.

“Nhiều nước trên thế giới đã làm từ rất lâu, như tôi sang Hàn Quốc họ đã cho triển khai. Tuy nhiên, với Việt Nam, luật định là phải xét xử trên nguyên tắc xét xử “trực tiếp bằng lời” nên việc này cần phải xin ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hay Quốc hội để thực hiện”, ông Bộ nói.

Theo ông Bộ, trong phiên tòa trực tuyến, công nghệ thông tin là phương tiện chứ không phải là công cụ. Vì thế, xét xử trực tuyến được thực hiện khi các nguyên tắc của tố tụng vẫn được bảo đảm với bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn trong những vụ án…

“Việc xét hỏi vẫn bằng câu hỏi trực tiếp, nội dung rõ ràng, công khai thì tôi cho rằng sẽ không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Có điều, hiện cơ quan có thẩm quyền cần giải thích rõ việc xét xử “trực tiếp bằng lời” thông qua phương tiện truyền thông như thế nào cho rõ, cho dân hiểu”, ông Bộ nói.

Cùng quan điểm, LS Nguyễn Huy Long (GĐ Cty Luật Legal Gate Việt Nam) cho rằng, việc thực hiện xét xử trực tuyến trong tình thế hiện tại còn là một trong những hình thức bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Trước hết là đảm bảo nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai.

Trong tố tụng hình sự, việc xét xử trực tuyến góp phần đảm bảo cho người bị buộc tội sớm được thực hiện quyền minh oan theo nguyên tắc suy đoán vô tội; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn (đặc biệt là các biện pháp tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh…) không bị kéo dài do phải chờ đợi phiên xử; giảm thiểu nguy cơ bỏ lọt tột phạm, để người phạm tội bỏ trốn do thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi hết thời hạn...

Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc áp dụng xét xử trực tuyến giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự, đảm bảo cho các bên đều có quyền được tham gia phiên tòa mà không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thời gian qua, TAND TP HCM đã tổ chức một số phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trực tuyến.

Thời gian qua, TAND TP HCM đã tổ chức một số phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trực tuyến.

Còn nhiều việc phải làm

Vì việc triển khai phiên tòa trực tuyến với Việt Nam là vấn đề hoàn toàn mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định về hình thức cũng như cách thức tổ chức. Do đó, theo Thiếu tướng Bộ, các cơ quan chức năng nhất là phía Tòa án cần tính toán kỹ lưỡng và chỉ thực hiện cần nếu đảm bảo cơ sở vật chất, việc tập huấn các kỹ năng sử dụng phương tiện hiện đại cho thẩm phán, kiểm sát viên, LS… Việc này TANDTC khi triển khai cần mời các bên cùng tham gia góp ý như VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp…

Ngoài ra, theo ông Bộ, khi thí điểm cần ưu tiên làm các vụ án dân sự, hành chính; để từ đó rút kinh nghiệm về phương tiện trang bị, cách thực thu thập chứng cứ… Còn các vụ án hình sự cần được xét xử trực tiếp để có hiệu quả hơn.

LS Long thì cho rằng, TANDTC cần đánh giá tổng quát khi thực hiện thí điểm để xây dựng lộ trình áp dụng việc xét xử trực tuyến. Việc xét xử trực tuyến vẫn được coi là một hình thức xét xử trong đó có sự hỗ trợ của công nghệ, nên TANDTC cần nhanh chóng đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật và dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Các quy định pháp luật cần đảm bảo đủ các yêu cầu: trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên xét xử trực tuyến, yêu cầu khi tham gia xét xử…

Ví dụ, trong tố tụng hình sự, cần có quy định bị cáo, đương sự phải có văn bản đồng ý xét xử trực tuyến, văn bản đề nghị của nơi giam giữ; văn bản đồng ý xét xử trực tuyến của kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong vụ án….

Quy định phải đảm bảo đầy đủ quyền của người tham gia tố tụng. Trong đó cần lưu ý việc bổ sung chứng cứ, vật chứng mới; cách thức để đảm bảo sự tương tác giữa những người tham gia phiên tòa, nhất là bảo đảm sự tương tác giữa những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử; quản lý và lưu trữ được dữ liệu quá trình xét xử trực tuyến trên hệ thống, nhất là hồ sơ vụ án, biên bản phiên tòa, biên bản nghị án, bản án, kế hoạch xét xử trực tuyến theo quy trình… và thời hạn lưu giữ theo quy định hiện hành.

Quy định cũng cần đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật; dự liệu vấn đề phát sinh do sự cố kỹ thuật trong quá trình xét xử (bị mất kết nối mạng internet, mất điện hoặc do sự cố khách quan không thể tiếp tục phiên tòa...).

LS Nguyễn Huy Long, GĐ Cty Luật Legal Gate Việt Nam.

LS Nguyễn Huy Long, GĐ Cty Luật Legal Gate Việt Nam.

“Do có ý nghĩa quan trọng trong công tác tố tụng, nên TANDTC cần phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng tiêu chuẩn quốc gia để sử dụng đường truyền âm thanh và hình ảnh trong xét xử trực tuyến tại Tòa án, thiết lập các tiêu chuẩn của thiết bị kỹ thuật tại các Tòa án, cung cấp phần mềm và dịch vụ lưu trữ cho phiên xử trực tuyến...”, LS Long góp ý.

Sẽ đề xuất Quốc hội ban hành đạo luật riêng về tố tụng điện tử”

Theo TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, so với việc tổ chức phiên tòa tại phòng xử án như hiện nay, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có không ít ưu điểm.

“Việc tổ chức phiên tòa tại một phòng xử án như thông thường sẽ thuận lợi hơn cho tòa án vì chỉ cần triệu tập tất cả người tham gia tố tụng đến để xét xử, giải quyết. Nhưng lại gây tốn kém về chi phí đi lại và thời gian của người dân, cơ quan, tổ chức.

Khi tổ chức phiên tòa trực tuyến tại các điểm cầu, trong đó có một điểm cầu trung tâm và các điểm cầu tham gia, tòa án sẽ vất vả hơn từ xem xét, đánh giá vụ việc nào, có thể tổ chức được trực tuyến hay không đến việc chuẩn bị cho phiên tòa diễn ra đúng quy định. Đổi lại, tiện ích là tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại cho người dân, cơ quan, tổ chức. Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng được bảo đảm, công lý được thực thi một cách nhanh chóng, kịp thời”.

Theo ông Tuệ, “xét xử trực tuyến không phải là phương án tình thế mà việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, là bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng hệ thống tòa án thông minh.

Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.

Tuy nhiên, không phải tất cả vụ án đều đưa ra phiên tòa trực tuyến mà phải quy định chặt chẽ đối với từng loại vụ án nhất định để bảo đảm việc tổ chức phiên tòa đạt hiệu quả như mong muốn”.

Ông Tuệ cho biết TANDTC đã tổng kết thực tiễn xét xử và việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử của các tòa án, đồng thời tổ chức nghiên cứu các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng; rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định của pháp luật tố tụng tư pháp và nghiên cứu, học tập có chọn lọc kinh nghiệm của một số quốc gia.

“Để thận trọng và kịp thời trong bối cảnh hiện nay, trước mắt, chúng tôi đề xuất Chánh án TAND Tối cao ban hành quy chế trên cơ sở ý kiến thống nhất của bộ ngành có liên quan, sau đó sẽ tổng kết thi hành và nghiên cứu đề nghị liên ngành Trung ương ban hành văn bản liên tịch về nội dung này. Có thể trong tương lai sẽ đề xuất Quốc hội ban hành một đạo luật riêng về tố tụng điện tử”, ông Tuệ nói.

Sau khi quy chế được ban hành, TAND Tối cao sẽ tổ chức tập huấn trực tuyến, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, nhất là hướng dẫn về các trang thiết bị, kỹ thuật bảo đảm hoạt động hiệu quả, có tính bảo mật thông tin cao.

TAND Tối cao đã giao cho một số đơn vị giúp việc làm đầu mối thường trực theo dõi, giám sát, tiếp nhận phản ánh của các tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện.

Đọc thêm