Chuyên gia góp ý Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

(PLVN) - Liên quan đến quy định về bảo mật thông tin trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án được nêu tại Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đang được TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia đã bày tỏ nhiều băn khoăn.
Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tham gia một vụ hòa giải ly hôn
Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tham gia một vụ hòa giải ly hôn

Nguyên tắc ưu việt: Bảo mật thông tin

Việc thực hiện hòa giải, đối thoại tại tòa được đánh giá là đã phát huy tối đa tự do ý chí và khả năng tự định đoạt của các chủ thể tham gia với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các hòa giải viên, đáp ứng được mong muốn của các bên tranh chấp đó là thời gian giải quyết nhanh chóng, tranh chấp được giải quyết một cách kín đáo và bảo mật thông tin - tiêu chí mà phương thức giải quyết bằng tố tụng tại tòa án không có được. 

Nguyên tắc bảo mật thông tin là nguyên tắc then chốt trong hoạt động hoà giải ngoài tố tụng tại Toà án và được quy định tại một số điều khoản của Dự thảo, thể hiện sự tiếp nhận những thực tiễn tốt trên thế giới. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hưng Quang (Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam) nhận định, Dự thảo cũng cần quy định rõ hơn một số vấn đề liên quan đến nguyên tắc này. Cụ thể, Dự thảo Luật cho phép Hoà giải viên, Đối thoại viên được ghi chép diễn biến của quá trình hoà giải, đối thoại, đồng thời yêu cầu toàn bộ các thông tin của cuộc hoà giải, đối thoại phải được giữ bí mật trừ một số trường hợp được phép tiết lộ. Tuy nhiên, cơ chế bảo mật thông tin hòa giải này như thế nào cũng chưa được quy định rõ ràng. 

Ông Quang cho rằng, cơ chế cho phép mời “những người uy tín có khả năng tác động đến các bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho việc hòa giải, đối thoại khi xét thấy cần thiết” và “tham khảo ý kiến cơ quan nhà nước và tổ chức có chuyên môn” cũng cần cân nhắc lại vì có khả năng ảnh hưởng tới nguyên tắc bảo mật trong hoạt động hoà giải, đặc biệt đối với những vụ việc kinh doanh thương mại cũng như ảnh hưởng tới quyền của các bên tham gia hoà giải. Hoà giải viên chỉ nên thực hiện các công việc này khi có sự đồng ý của các bên tham gia hoà giải.

Nên bổ sung trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Về bảo mật thông tin, nhằm khuyến khích hòa giải, Dự thảo đã quy định các nội dung được đề cập trong hòa giải sẽ được giữ bí mật và mọi phát ngôn hay sự thừa nhận, hoặc tài liệu được đưa ra tại phiên hòa giải sẽ không được chấp nhận làm chứng cứ trong bất kỳ trình tự tài phán nào trước Tòa án, trọng tài hoặc cơ quan có thẩm quyền, trừ một số trường hợp ngoại lệ được cụ thể hóa tại Dự thảo. 

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật trong trường hợp (i) bên trình bày đồng ý sử dụng lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; (ii) phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật. 

Theo Luật sư Nguyễn Đức Mạnh (Phó Giám đốc kiêm Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Bizlink), việc quy định trường hợp “phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật” là còn quá chung chung, không rõ ràng. Điều này có thể gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc tiết lộ thông tin của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại. Bởi lẽ nguyên tắc cốt lõi của hoạt động hòa giải, đối thoại cần được bảo đảm là nguyên tắc bảo mật thông tin trong quá trình hòa giải, đối thoại nhằm khuyến khích các bên có thiện chí giải quyết tranh chấp của mình. 

Bên cạnh đó, trong quá trình hòa giải, đối thoại, các bên có thể nói hết những khúc mắc, nguyên nhân sâu xa dẫn đến mâu thuẫn, những vấn đề nhạy cảm về mặt kinh doanh, thương mại, điều mà không phải khi nào cũng có được ở các hình thức giải quyết tranh chấp mang tính công khai. Trong trường hợp hòa giải viên, đối thoại viên có hành vi vi phạm bảo mật thông tin mà gây thiệt hại đến bên trình bày thì sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên trình bày.

“Do đó, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi vi phạm quy định bảo mật thông tin, chúng tôi cho rằng nên bổ sung thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại bên cạnh việc bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh nói.

Hơn 78% vụ việc được hòa giải, đối thoại thành

Việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được thực hiện thí điểm tại TAND TP Hải Phòng và 9 TAND cấp quận, huyện của TP trong thời gian từ tháng 3-8/2018. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm đã thu hút được những thành công nhất định, tỉ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.

Sau đó, TAND Tối cao mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, thời gian thí điểm từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019. Sau gần 10 tháng  thực hiện thí điểm, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985/47.493 vụ việc hòa giải, đối thoại, đạt tỉ lệ 78,08%. Như vậy, đồng nghĩa với việc giúp các tòa án thực hiện thí điểm không phải thụ lý 36.985 vụ việc. 

Đề xuất xử lý cơ quan báo chí nếu đưa thông tin một chiều vi phạm nguyên tắc bảo mật

Ông Nguyễn Thanh Hà (Trưởng chi nhánh Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các cộng sự) đề nghị, Dự thảo cần bổ sung và làm rõ, bên tiết lộ thông tin trong quá trình hòa giải, đối thoại sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật nào.

Ông Hà đề xuất, bên bị tiết lộ thông tin có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự. Nếu bên bị tiết lộ thông tin là nguyên đơn thì có quyền bổ sung yêu cầu khởi kiện ngay lập tức trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu bên bị tiết lộ thông tin là bị đơn thì có quyền nộp đơn phản tố yêu cầu bồi thường thiệt hại do tiết lộ thông tin ngay trong quá trình giải quyết vụ án.

Nếu cơ quan báo chí đưa tin về thông tin của buổi hòa giải, đối thoại theo thông tin do một bên cung cấp thông tin trái với nguyên tắc bảo mật, thì phải bị xử lý vi phạm hành chính và xin lỗi bên bị tiết lộ thông tin.

Đọc thêm