Trung Quốc vừa công bố kế hoạch đưa tàu lặn Giao Long, con tàu mới lập kỷ lục lặn sâu hơn 7.000m hồi tháng trước, ra Biển Đông vào năm tới. Tuy nhiên, chính giới chuyên gia khoa học tham gia dự án liên quan “siêu tàu lặn” này của Trung Quốc cũng tỏ ý hoài nghi về những thành quả mà con tàu này có khả năng sẽ thu được.
|
Tàu lặn có người lái Giao Long của Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn tuyên bố của lãnh đạo đội tàu Giao Long cho biết tàu lặn có người lái Giao Long được trang bị công nghệ tiên tiến nhất của nước này, sẽ lặn xuống khảo sát vùng biển gần Philippines sau khi đạt được độ sâu kỷ lục hơn 7.000m tại rãnh Mariana ở Tây Bắc Thái Bình Dương hồi tháng 6 vừa qua.
Trong nhiệm vụ sắp tới, con tàu này sẽ lặn xuống vùng lòng chảo có độ sâu hơn 4km. Vị trí chính xác mà con tàu sẽ lặn hiện chưa được tiết lộ, nhưng các chuyên gia khoa học của tàu Giao Long dự kiến họ sẽ đưa con tàu này tới vùng biển cách phía Tây Manila 200km và nằm về phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc đã thông báo với đội tàu Giao Long rằng họ sẽ tham gia dự án Biển Sâu Hoa Nam (SCSD), một dự án do Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc) tổ chức và do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc tài trợ.
Dự án này sử dụng các tàu nghiên cứu được trang bị những công nghệ khảo sát đáy biển, và sẽ kết thúc vào năm 2020.
Nhật báo Trung Quốc đưa tin tàu Giao Long sẽ thực hiện đợt lặn đầu tiên tại Biển Đông trong khoảng thời gian giữa tháng 4 và tháng 5 năm sau. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác chuẩn bị cho đợt lặn này vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề.
Theo tiết lộ của những người trong dự án SCSD, các chuyên gia khoa học thuộc dự án này đang tìm cách tăng độ lặn sâu của tàu Giao Long. Kể từ tháng 6 năm ngoái đến nay, họ đã tổ chức ít nhất 3 cuộc họp hết sức đau đầu, nhưng vẫn loay hoay chưa tìm được cách khai thác tốt nhất khả năng của “siêu tàu lặn” này.
Giáo sư Chu Hoài Dương thuộc Đại học Đồng Tế Thượng Hải, một chuyên gia tham gia dự án SCSD, nói rằng các nhà khoa học tham gia dự án này “vẫn chưa có ý tưởng rõ ràng.” Họ thậm chí không biết liệu có thực sự cần tiến hành một cuộc lặn tại Biển Đông vào năm tới hay không.
Theo giáo sư Chu Hoài Dương, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cảm thấy tàu Giao Long hiện nay chỉ có thể đóng vai trò duy nhất là thu thập các mẫu đá và chất lỏng, những thứ có thể phát sáng trong trạng thái địa vật lý và tự nhiên ở bề mặt đáy biển, để con tàu này có thể nhận biết được.
Tuy nhiên, một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều đối với những người thực hiện dự án này là làm thế nào để hiểu được vùng lòng chảo mà tàu Giao Long dự kiến lặn ở Biển Đông được hình thành ra sao. Giải quyết được khó khăn này mới có thể giúp các nhà địa chất xác định chính xác các vành đai khoáng sản như dầu mỏ hay trữ lượng khí tự nhiên ở đây.
Trong khi đó, chuyên gia địa chất biển sâu Trung Quốc Phạm Đức Giang nhấn mạnh rằng để hiểu được quá trình hình thành vùng lòng chảo Biển Đông, giới khoa học Trung Quốc cần phải lập được bản đồ cấu trúc địa vật lý có độ sâu tới 1.000m dưới đáy biển, bởi họ gần như dựa hoàn toàn vào các cuộc khảo sát địa chấn ở đáy đại dương để thu thập dữ liệu.” Chuyên gia này đặt câu hỏi: “Không biết liệu tàu Giao Long sẽ khoan sâu được bao nhiêu?"
Giáo sư Trương Minh Lượng, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Đại học Ký Nam Quảng Châu, cho rằng sự xuất hiện của tàu Giao Long ở quá gần một quốc gia khiến quốc gia đó lo ngại về sự xâm phạm lãnh hải của các tàu Trung Quốc và sẽ dẫn đến phản ứng từ các nước láng giềng hoặc các quốc gia khác.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Nếu như Philippines tin rằng khu vực tàu Giao Long khảo sát thuộc về họ, ít nhất họ sẽ tìm cách giám sát, theo dõi hoặc quấy nhiễu việc khảo sát. Mỹ chắc chắn sẽ can thiệp, sử dụng các phương pháp khác nhau, như cung cấp kỹ thuật và thiết bị khảo sát cho Philippines.”
Theo giới chuyên gia phân tích, nếu Bắc Kinh hiện thực hóa tuyên bố này, tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay sẽ còn leo thang nhiều hơn nữa, bởi hành động này sẽ khiêu khích các nước láng giềng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tại vùng biển này.
Theo TTXVN