Chuyện hậu kỳ về "ngôi nhà đen đủi" ở TP.HCM

Chỉ trong 2 ngày, ngôi nhà bị 2 chiếc xe tải khác nhau "viếng thăm", hư hỏng nặng. Chuyện đã qua và các bên gây ra sự cố cũng đã chủ động bồi thường thiệt hại, nhưng chuyện "hậu kỳ" sau tai nạn thì chưa hế
Chỉ trong 2 ngày, ngôi nhà bị 2 chiếc xe tải khác nhau "viếng thăm", hư hỏng nặng. Chuyện đã qua và các bên gây ra sự cố cũng đã chủ động bồi thường thiệt hại, nhưng chuyện "hậu kỳ" sau tai nạn thì chưa hết: người trong nhà sống trong nơm nớp lo, người xung quanh chưa nguôi bức xúc, và có vẻ như nguyên nhân gây ra tai nạn sẽ còn khá lâu nữa mới được giải quyết...

Nghe tiếng la “de tới, de lui” của phụ xế và lái xe tải chở sắt thép vào công trình xây dựng, linh tính mách bảo có chuyện không ổn, ông Hoàng Quốc Khiết (46 tuổi) đang ngủ trên gác vội lay vợ và con gái dậy để chạy nhanh xuống đất, thoát ra ngoài. Chưa đầy 5 phút sau, chiếc xe tải đang chở sắt thép tuột thắng đâm sầm vào ngôi nhà của anh...

Ngày thứ Sáu và Chủ nhật “định mệnh”

Chỉ cách nhau 2 ngày, căn nhà số 218 bis A, đường Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1) hai lần bị xe trộn bê-tông và xe tải chở sắt thép loại 15 tấn tông sập. Vì thế có người dân gọi đây là "ngôi nhà đen đủi".

Được chủ nhà là bà Trần Thị Hồng (đia chỉ trên) cho phép ở tạm trông nhà giúp trong lúc bà đi vắng, ông Hoàng Quốc Khiết (SN 1964, ngụ 46/29 Trần Đình Xu, phường Cô Giang, quận 1) đang tiến hành sửa chữa căn nhà trên sau tai nạn bị xe trộn bê tông húc sập lần một (hôm thứ 6 ngày 7/5). Đến ngày 9/5 ngôi nhà tiếp tục bị xe tải chở sắt thép “hỏi thăm” lần nữa, khiến căn nhà bị sập một bức tường với diện tích hơn 20m2, căn gác gỗ phía bên bị xệ xuống.
Hiện trạng ngôi nhà sau 2 lần bị xe tải húc
Tài xế xe tải cho biết, xe chở sắt cây vào cho công trình đang thi công tòa nhà hành chính Đại học Mở TP.HCM (35-37 Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1). Do cổng vào công trình nhỏ, tài xế muốn dừng xe ngoài đường rồi yêu cầu dùng xe cẩu cẩu sắt vào công trình nhưng bảo vệ công trình không đồng ý, yêu cầu tài xế de xe vào sâu bên trong. Do xe quá khổ cộng với các bó sắt cây quá dài nên trong lúc de xe, tài xế đã để xe lao thẳng vào nhà… Trở lại vụ việc trước đó (ngày 7/5), căn nhà này cũng đã bị xe trộn bê-tông của Công ty cổ phần xây dựng Huy Hoàng do tài xế Vũ Anh Kiểm điều khiển bất ngờ mất hơi (cài lốc-kê), chạy “tự do” vào nhà, tông thẳng làm xiêu vẹo tường và căn gác gỗ. Phía chủ xe đã thương thảo với chủ nhà bằng cách thuê nhà cho những người ở đây ở tạm, sửa chữa lại bức tường và căn gác bị xệ. Tuy nhiên, việc sửa chữa chưa hoàn tất thì lại xảy ra vụ tông tiếp theo. Thanh tra viên Lê Chí Thanh cũng cho biết, vụ tai nạn lần thứ nhất Công ty Huy Hoàng đứng ra thương lượng với chủ nhà đã xong. Ban đầu chủ nhà đòi mức đền bù 10.500.000 đồng/tháng, tuy nhiên công ty Huy Hoàng lại đưa ra mức đền bù thiệt hại 350.000 đồng/ngày và hai bên đồng ý thống nhất với mức giá này. Còn vụ tai nạn thứ hai là thuộc về trách nhiệm của công ty Trường Vinh cũng đã có thỏa thuận trực tiếp với chủ nhà, tuy nhiên mức độ thiệt hại bồi thường cũng đang thỏa thuận thương lượng vì sự việc mới xảy ra sau khi vụ thứ nhất chưa hoàn thành để “nghiệm thu”.Nỗi lòng người dân sinh sống quanh công trình Qua tìm hiểu, việc thi công công trình bên Trường đại học Mở TP.HCM không chỉ để xảy ra các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại cho người dân mà còn nhiều vấn đề khác khiến các hộ dân sinh sống quanh khu vực công trình bức xúc. Theo tìm hiểu, trước khi công trình thi công thì các bên liên quan đã tiến hành khảo sát, chụp ảnh… ghi nhận tình hình hiện trạng từng ngôi nhà của những hộ xung quanh, sau đó có cấp cho mỗi hộ một cuốn sổ. Thế nhưng theo hầu hết những hộ dân nơi đây cho biết, họ luôn cảm thấy bất an, lo lắng khi thi công công trình, tiếng động đào hầm “ầm, ầm” vang ra đinh tai nhức óc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Nhà cửa rung rinh, có khi cảm giác như muốn sập, đã có lúc các tấm che trần nhà bay rơi xuống đất. Phần đông các hộ dân nơi này chủ yếu là nhà cấp 4, một số nhà xuống cấp nghiêm trọng nên sự lo lắng của họ không phải không có cơ sở. Trong căn nhà gác gỗ lụp sụp che phủ bằng những tấm liếp gỗ và tôn, bao bọc túi ni-lông, một trong những hộ dân có căn hộ diện nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, bà Trần Kim Hóa (SN 1924, ngụ 48A Trần Đình Xu, P.Cô Giang, Q.1) lo âu nói: “Công trình làm sáng đêm, cứ mỗi lần “cuốc” là căn nhà rung rinh, muốn sập, những lúc như thế tôi ngủ không yên, bỏ chạy ra ngoài đường cho an tâm. Nếu tình hình kéo dài chắc tôi không thể sống nổi”. Bà còn chỉ cho chúng tôi xem ở các góc nền nhà có những vũng nước đọng màu vàng thấm vào từ bên công trình Bà Mai Thành Thu (SN 1929, ngụ 35/1 Hồ Hảo Hớn, P.Cô Giang, Q.1) bức xúc, bà đang cầm tô hủ tíu trên tay, khi bên công trình thi công đào móng chấn động mạnh đến mức độ nước trong tô hủ tíu văng tung tóe dính đầy người bà. Đêm hôm đang nằm ngủ, nghe tiếng “ầm”giật mình, vội bỏ chạy ra ngoài, tâm thần hoảng loạn. Mong công trình xong càng sớm càng tốt để người dân được nhờ. Căn nhà ông Nam Thiên (số 48/48 A1 Trần Đình Xu, P.Cô Giang) nằm lọt thỏm trong khuôn viên công trình xây dựng, ngoài việc phải chịu trận những tiếng ồn “ầm, ầm” hằng ngày hiện tại ông đã phải gánh chịu tiếp sự tắc nghẽn của nước thải, từ lúc công trình xây dựng (vài tháng trở lại đây) thì cũng ngần ấy những ngày ông phải chịu đựng nước xả bị ứ đọng dồn ngược trở lại nhà chảy lênh láng vì hệ thống nước xả bị hư hỏng do phía công trình thi công gây nên. Không những thế một loại nước màu vàng đặc quánh không biết là chất gì từ bên công trình cứ ngấm ngầm vào nhà ông càng lúc một nhiều. Người dân nơi đây còn bức xúc, khi vật liệu như đất đá rơi vung vãi đầy tuyến đường thay vì gom lại dọn dẹp đổ chỗ khác thì bên công trình lại dùng ống nước phun xịt khiến đất đá, cát bụi, bao bì, … kéo theo chui xuống ống cống (hệ thống cấp thoát nước thành phố), khả năng tắc nghẽn cống rất lớn, nhất là vào mùa mưa. Ngày 5/5/2010 tập thể tổ dân phố 81 đã gửi ý kiến đến UBND P.Cô Giang về việc công trình 35-37 Hồ Hảo Hớn làm cốt thép bê-tông khiến các hộ nhà dân lân cận bị rung chuyển, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng nhắc nhở kiểm tra đề phòng nguy cơ nứt, sập nhà dân. Và nên có phương án di dời những hộ dân này.Giải pháp đã thỏa đáng? Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính của hai vụ TNGT kể trên là do đường hẻm quá nhỏ khoảng hơn 5 mét; gờ dốc cao khiến cho xe ra vào khó khăn dễ bị trượt về hướng nhà dân; cửa ra vào công trình quá hẹp và dựng không đúng nơi nên ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và cho những hộ dân nơi đây, vì nơi này là công trình lớn xe ra vào phần nhiều là xe tải trọng lớn, dài, chở hàng hóa cồng kềnh. Một điều không kém phần quan trọng đó chính là vỉa hè dành cho người đi bộ đã bị công trình che chắn gần như toàn bộ diện tích mặt đường. Bà Nguyễn Thanh Thủy – Thanh tra xây dựng phường Cô Giang cho biết, công trình sử dụng vỉa hè đúng theo giấy phép quận cấp, tuy nhiên trong thời gian này do liên tiếp xảy ra nên chúng tôi sẽ kiến nghị đến chủ đầu tư công trình ba việc, thứ nhất di dời hàng rào ở vỉa hè vào trong; cái thứ hai sẽ hạ gờ dốc xuống thấp hơn để xe ra vào dễ dàng; và vấn đề thứ ba là cửa ra vào công trình cần phải nới rộng ra và chọn cho đúng hướng gần ngã ba vì xe tải ra vào thường xuyên đa phần những loại xe to, dài, chở nhiều vật liệu nặng. Sáng 10/5, chứng kiến buổi làm việc giữa Thanh tra xây dựng phường Cô Giang và đại diện chủ đầu tư công trình, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Quản lý chất lượng thuộc chủ đầu tư Trường Đại học Mở TPHCM, đã cương quyết “không đồng ý với kiến nghị của Thanh tra phường Cô Giang về việc vỉa hè di dời vô bên trong”, ông Lĩnh cho rằng việc che chắn vỉa hè đã được sự đồng ý của Thanh tra xây dựng quận 1 vì vậy theo hồ sơ đăng ký thì chúng tôi không hề vi phạm. Như vậy, bên chủ đầu tư công trình chỉ chấp nhận làm cửa ra vào công trình rộng hơn, gờ dốc cao sẽ làm lại thuận lợi cho việc di chuyển các xe tải có trọng tải lớn và dài, còn vỉa hè lấn ra ngoài thì vẫn giữ nguyên. Ông Lĩnh cho rằng, việc di dời vỉa hè vào bên trong là việc không thể, bởi việc vỉa hè nới rộng như vậy là nhằm bảo vệ cho tính mạng người dân vì sợ vật liệu rơi vãi từ trên xuống cho người đi đường. Về việc người dân phản ánh tình trạng nhà của họ có nguy cơ bị sụp đổ, sức khỏe họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bên công trình thi công việc đào hầm, móc đất, khoan cọc... ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định: “Bên chủ đầu tư công trình cũng biết việc này, đã kiến nghị và bàn phương hướng giải quyết, hiện đang chờ thông báo kết quả từ các bên liên quan”. Trả lời PV, ông Võ Văn Hai – Phó chủ tịch Quản lý Kinh tế Đô thị phường Cô Giang cho biết: “Về vấn đề vỉa hè rào chắn gây ảnh hưởng cho người dân chúng tôi sẽ gửi kiến nghị lên Thanh tra xây dựng quận 1 trong thời gian sớm nhất. Còn những trường hợp người dân nói nguy hiểm đến tính mạng, nhà họ có nguy cơ sập đổ khi công trình thi công tôi chưa nhận được đơn thư khiếu nại của người dân nơi đây, có thể do nhân viên cấp dưới chưa trình báo. Vấn đề ô nhiễm môi trường chúng tôi đã có văn bản nhắc nhở bên chủ đầu tư”.
Theo Phan Cường
 VTC news

Đọc thêm