Mười năm bán trà dạo
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở một vùng quê tỉnh Thái Bình, cũng như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa, thuở nhỏ, Nguyễn Văn Phượng cũng có ước mơ đậu đại học để sau này tìm kiếm một công việc “nhà nước”. Thế nhưng, may mắn đã không đến với anh khi điểm số kỳ thi đại học không được như anh mong đợi. Chia sẻ về quãng thời gian đó, anh cho biết: “Hồi đó vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên sau khi thi đại học không đậu, tôi đã quyết định đi xa quê để lập nghiệp. Sau những ngày suy nghĩ, tôi đã hành trang lên đường với những gói trà Bắc Thái, bởi miền Bắc rất nổi tiếng với trà Thái Nguyên”.
Cuộc “di dời” của chàng trai quê Thái Bình bắt đầu từ đó. Bước khởi đầu với những gói trà xứ Bắc, anh bắt đầu cuộc hành trình kiếm sống với công việc bán trà dạo khắp các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Khánh Hòa… Sau đó, anh quay lại Huế để bán trà tại chợ Đông Ba. Anh Phượng chia sẻ, hồi đó mới chân ướt chân ráo vào Huế, đường sá cũng chưa biết nhiều, tôi đã thuê một phòng trọ để ở và đạp xe quanh thành phố Huế để bán trà. Lúc đó, chỗ nào tôi cũng bán, đặc biệt là tại chợ Đông Ba. Ở đây lượng khách trong nước cũng như du khách nước ngoài qua lại rất đông..
“Cuộc sống của tôi với những ngày bán trà tại chợ Đông Ba cứ thế ngày qua ngày, đằng đẵng gần 10 năm tôi hành nghề bán trà kiếm sống. Năm 2005, Huế lúc này mở cửa đón càng nhiều khách du lịch về tham quan, mua sắm. So với những mặt hàng như: mè xửng, tôm chua,… thì món trà mà tôi bán đã không còn hút khách nữa. Để có thể tồn tại, lúc đó tôi đã nghĩ rằng phải xây dựng một thương hiệu mang đậm chất Cố đô để thu hút du khách. Rồi, ý tưởng tạo ra một loại trà độc đáo, mang dấu ấn của giới quý tộc, chốn cung đình đã lóe lên trong đầu tôi” - anh Phượng cho biết.
Trà Cung đình Huế được sản xuất theo phương pháp cổ truyền, không sử dụng chất phụ gia |
Đưa thương hiệu Trà Cung đình ra thị trường
Để thực hiện ý tưởng của mình, anh Phượng bắt đầu “công trình” nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm trà như mong muốn. Nhớ về khoảng thời gian đó, anh cho biết: “Ngày ấy, tôi vừa buôn bán kiếm sống vừa tìm tòi sách vở, nguyên liệu, công thức để chế tạo trà. Để tạo ra một sản phẩm trà vừa lòng khách hàng không phải là điều đơn giản bởi trên thị trường có rất nhiều loại trà. Mỗi loại trà lại có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau như: Trà được chế biến từ chè xanh, uống tuy ngon nhưng lại khiến người ta mất ngủ, thậm chí, nhiều người uống dễ bị say… từ đó, tôi muốn tạo ra một sản phẩm trà tốt cho sức khỏe nhưng người uống không bị say, hay bị mất ngủ”.
Thế rồi, trong căn phòng trọ chật hẹp ấy, mỗi đêm đến anh bắt đầu học cách chế tạo trà. Từ những vị thảo dược thiên nhiên, anh học cách pha chế, tìm riêng công thức cho sản phẩm của mình. Ròng rã suốt hai năm pha trà nghiên cứu, cuối cùng một sản phẩm trà đa phần được nhiều người uống đánh giá tốt đã ra đời và anh lấy tên trà là Trà Cung đình Huế.
Trà Cung đình Huế được tinh chế từ 16 vị thảo dược khắp ba miền Nam, Trung, Bắc như: Atiso, cỏ ngọt, đại táo, hoài sơn, đẳng sâm, hồng táo, hồi hoa, cam thảo bắc, hoa cúc, tim sen, hoa hòe, hoa lài, thảo quyết minh, khổ qua, kỷ tử, vối nụ. Sau khi bào chế qua các công đoạn bí truyền, trà sẽ được chọn giờ để “sao vàng hạ thổ” theo quy luật âm - dương. Đặc biệt, sản phẩm Trà Cung đình Huế được sản xuất theo phương pháp cổ truyền, không sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng huyết áp, đau đầu, mất ngủ, giúp tăng cường sức đề kháng, giảm nhiệt, giảm cholesterol…
“Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi. Có những đêm tôi uống trà thử đến căng cả bụng nhưng vẫn chưa tìm ra được công thức chế biến. Cứ mỗi đêm pha trà, sáng sớm tôi lại mang ra chợ cho nhiều người cùng thử. Nhiều lúc cũng thấy rất nản, thế nhưng vì mong muốn tạo ra một sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và mang đậm chất Huế nên tôi đã quyết định “đầu tư” đến cùng”- vị doanh nhân nhớ lại.
Trà Cung đình Huế được tinh chế từ 16 vị thảo dược khắp ba miền Nam, Trung, Bắc |
Để đưa sản phẩm Trà Cung đình Huế ra mắt thị trường, anh Phượng đã mang từng bao trà đến ký gửi ở tất cả các cửa hàng trong thành phố. Chính những người bán hàng uống thử thấy ngon, lại đứng ra quảng cáo khách mua. Bằng phương thức quảng cáo truyền miệng đó, sản phẩm trà của anh đã đến với rất nhiều khách hàng và chất lượng trà được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Để du khách đến Huế biết đến sản phẩm Trà Cung đinh Huế, ngoài bày bán tại các cửa hàng, anh Phượng còn nhờ đội ngũ xe ôm, xe thồ, xe xích lô, các hãng xe chuyên chở khách du lịch quảng bá về sản phẩm Trà Cung đình Huế. Bằng phương pháp đó, danh tiếng Trà Cung đình Huế đã được vang xa hơn, số lượng trà mà du khách đến Huế mua đã tăng rất nhanh.
Hiện tại, Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm Trà Cung đình Huế tại số 24 Nguyễn Huệ, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế và sản phẩm Trà Cung đình Huế được bày bán tại tất cả các hệ thống bán lẻ, sỉ trên toàn quốc, mỗi năm tiêu thụ 70-80 tấn trà. Không chỉ tạo ra một dòng trà đặc trưng mang tầm xứ Huế, anh còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công lao động ở trên địa bàn tỉnh.
“Theo tôi, muốn thành công thì phải lấy chất lượng làm đầu, nếu không làm tốt điều đó thì sẽ mất thương hiệu. Hiện các thương hiệu trà cũng mọc lên như nấm nhưng tôi không sợ bị cạnh tranh. Bởi đó là cơ hội để tôi khẳng định thương hiệu của mình...”, anh Phượng nói về bí quyết thành công trong kinh doanh.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Phượng cho biết, sẽ đầu tư nghiên cứu để cho ra mắt thị trường thêm nhiều sản phẩm trà chất lượng với những cách pha chế không cầu kỳ phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài công việc kinh doanh và nghiên cứu chế tạo các sản phẩm trà, anh Phượng luôn cố gắng sắp xếp để có thời gian bên gia đình. Bên cạnh đó, anh cũng luôn đồng hành với các tổ chức từ thiện gây quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
“Khi làm được điều gì đó cho những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, bản thân mình thấy rất hạnh phúc. Trước đây, tôi cũng là một trong những người có hoàn cảnh khó khăn nên tôi rất hiểu” - anh Phượng chia sẻ.
Trà Cung đình Đức Phượng - Hương sắc vị thần
Với cách pha đơn giản hiệu quả trong 5 phút bạn sẽ có một bình trà Nhất Dạ Đế Vương tương đương với một chén thuốc bắc sắc trong 7 tiếng. Thưởng thức Trà Cung đình Huế còn để cảm nhận một phần tính cách Huế: tinh tế, trầm tĩnh và tao nhã!. Thật thú vị khi uống trà trong cảnh mưa tuôn nặng hạt – nét đặc trưng của Huế - mà người Huế gọi là “giọt nhớ giọt thương”. Nhấp một ngụm trà, vị đăng đắng của khổ qua, tim sen Huế, vị ngọt mát của Atiso lan tỏa, hòa lẫn hương thơm của hoa lài, cúc... trong một khung cảnh tĩnh lặng, nho nhã.