Chuyện ít biết về Nhà Bác cổ - Bảo tàng Lịch sử quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kỷ niệm 90 năm ngày khánh thành công trình toà nhà bảo tàng (1932 - 2022) và chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2022), Trưng bày “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu những tư liệu gắn với lịch sử ngót một thế kỷ tồn tại của công trình cũng như những tri thức, kinh nghiệm quý giá.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Công trình kiến trúc độc đáo

Nhà Bác cổ - Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa, một phong cách kiến trúc kết hợp độc đáo giữa phương Đông và phương Tây do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng; sau đó là các thế hệ người Pháp, người Việt và đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục kế thừa, bảo tồn, phát huy hiệu quả.

Vào đầu thế kỷ 20, Hà Nội trở thành thủ phủ, trung tâm hành chính của liên bang Đông Dương. Mặc dù đã có một số bảo tàng được xây dựng ở Hà Nội nhưng người Pháp vẫn chọn nơi này để xây dựng một bảo tàng có tầm cỡ ở Đông Dương.

Ngày 28/2/1925, Toàn quyền Đông Dương Merlin đồng ý với đề án xây dựng bảo tàng theo thiết kế của kiến trúc sư Ernest Hébrard - Chánh Sở Công thự và kiến trúc sư Charles Batteur - thành viên thường trực của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp - người sau này thiết kế từng chi tiết cho công trình đặc biệt này.

Tháng 1/1926, Bảo tàng được khởi công xây dựng trên diện tích 1.835m2 tại vị trí Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp cũ, phía sau Nhà hát Lớn, bên bờ sông Hồng. Rất nhiều khó khăn đã diễn ra trong quá trình triển khai thực hiện do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, vì vậy thời gian xây dựng kéo dài tới 6 năm. Ngày 17/3/1932, lễ khánh thành công trình diễn ra dưới sự chủ trì của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier. Bảo tàng được được đổi tên thành Bảo tàng Louis Finot - tên của vị Giám đốc đầu tiên. Ngoài trưng bày các hiện vật văn hóa, Bảo tàng cũng tổ chức các triển lãm chuyên đề và các hội thảo, hội nghị.

Những giá trị kiến trúc tiêu biểu của công trình Bảo tàng được thể hiện, trước hết, đây là kiến trúc được hình thành trong trào lưu đương thời theo xu hướng kết hợp Âu - Á. Tuy vậy, là một công trình đặc biệt - thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ - cơ quan chuyên nghiên cứu, lưu giữ, trưng bày các hiện vật về văn hoá Phương Đông nên công năng và ngôn ngữ thể hiện yêu cầu có những dấu ấn mang tính tiêu biểu.

Căn cứ vị trí, quy mô và tính chất công trình, các kiến trúc sư Hebrard và Batteur đã thiết kế một bố cục mặt bằng tổng thể và hình khối thật sự ấn tượng, mang tính biểu tượng cao. Không gian đại sảnh có mặt bằng hình bát giác - lấy hình mẫu từ nhà bát giác phổ biến trong kiến trúc gỗ Á Đông. Mặt đứng công trình, các chi tiết ngói âm dương, đầu đao, mái hiên, lan can, hàng cột, con sơn, đầu dư, đấu củng cùng những hoạ tiết truyền thống phương Đông được sử dụng khéo léo theo nhịp điệu, tạo thành một tổng thể hài hoà. Trong đó, hệ thống trang trí sử dụng phổ biến các dạng thức cách điệu văn kỷ hà.

Lưu giữ “minh chứng lịch sử”

Việt Nam giành được độc lập vào tháng 8/1945, Hà Nội do Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 13 về việc Trường Viễn Đông Bác cổ, các nhà bảo tàng, các thư viện công sáp nhập vào Bộ Quốc gia Giáo dục. Sau đó với Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 về việc bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, Bảo tàng Louis Finot được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành “Quốc gia Bảo tàng viện” thuộc Đông Phương Bác cổ Học viện. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được thành lập ngày 3/9/1958.

Ngày 26/9/ 2011, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam được sáp nhập thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đứng đầu hệ thống các bảo tàng lịch sử - xã hội của cả nước và là bảo tàng lưu trữ nhiều hiện vật lịch sử nhất với gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật có niên đại từ thời tiền sử đến năm 1945. Trong đó có nhiều bộ sưu tập cực kỳ quý hiếm so với các bảo tàng cùng loại hình trong nước và khu vực như sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồng thau và sắt sớm, văn hóa Đông Sơn, gốm men cổ Việt Nam, điêu khắc đá Chăm Pa...

Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng là nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất với 20 bảo vật, trong đó, nhiều hiện vật có niên đại hàng ngàn năm. Có thể kể tới những hiện vật tiêu biểu như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê, chuông chùa Vân Bản... Những hiện vật này là “minh chứng lịch sử”, minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của một dân tộc, một đất nước có chiều sâu văn hóa; là nét tinh hoa và niềm tự hào của người Việt.

Đọc thêm