Chuyện kể về người Thủ nhang xây dựng bảo tồn Phủ Quảng Cung

(PLVN) - Phủ Quảng Cung còn gọi là Phủ Nấp ở thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, là một trong 3 nơi thờ phụng, ghi dấu Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. 
Chuyện kể về người Thủ nhang xây dựng bảo tồn Phủ Quảng Cung

Thế nhưng ít ai biết được để có được sự uy nghi, trang nghiêm như hiện tại là sự đánh đổi những năm tháng vất vả gây dựng cải tạo của Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Hồng Vân.

Ấm áp một sự tích…

Đầu tháng 3, đi gần 100km từ thủ đô về thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), trước mắt chúng tôi là một khung cảnh làng quê thật yên bình, đặc biệt hơn là nơi thờ Thành Mẫu Liễu Bất Hạnh toạ lạc thật uy nghi, nằm trên mảnh đất hơn 1000m2.

Có lẽ nếu ai chưa một lần đặt chân đến mà chỉ nghe kể, thì sẽ không cảm nhận hết được nét đẹp và quy mô của khu di tích. Tương truyền, Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất vào đêm mùng 6 tháng 3 năm Giáp Dần (1434), thời Lê Thái Tông, lấy tên là Phạm Thị Tiên Nga, trong một gia đình họ Phạm ở thôn Vĩ Nhuế.

Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, lớn lên không lấy chồng. Sau khi cha mẹ mất, bà đi khắp nơi cứu giúp dân lành: Đắp đê Đại Hà quanh xã, làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu ven sông, sửa nhiều đền, chùa, động viên trẻ em học tập…

Bà đóng góp nhiều công đức sửa chữa chùa Hương Sơn (Ý Yên), chùa Long Sơn, Thiên Thành (Hà Nam). Mẫu Phạm Thị Tiên Nga tức Liễu Hạnh hóa thân đêm mùng 3 tháng 3 năm Quý Tỵ (1473), niên hiệu Hồng Đức thứ tư, tại ấp Quảng Nạp, tổng Vĩ Nhuế, phủ Nghĩa Hưng, nay là thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).

Khung cảnh Phủ Quảng Cung nhìn từ trên cao
Khung cảnh Phủ Quảng Cung nhìn từ trên cao 
Phía trước cổng Phủ Quảng Cung
 Phía trước cổng Phủ Quảng Cung

Di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung hiện nay gồm: 7 gian tiền đường, 3 gian đệ nhị và tòa cung thánh, tường bao quanh, hồ bán nguyệt…

Trong Phủ còn lưu giữ nhiều đồ tế tự tiêu biểu như tượng Mẫu Phạm Thị Tiên Nga bằng đồng tạc năm 1770, với tư thế ngồi thiền trên tòa sen, bát hương bằng đồng thân chạm lưỡng long chầu nguyệt, mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và khắc chữ Hán Quảng Cung linh từ, 34 bản khắc gỗ có nội dung của 64 que thẻ, một số bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối.

Phủ Quảng Cung hiện là điểm du lịch văn hoá tâm linh, không chỉ của người dân Nam Định, mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương chiêm bái cầu phúc, cầu lộc, cầu tài... Không chỉ vào chính hội hay những ngày rằm, mồng 1 âm lịch hàng tháng mà những ngày thường, lượng người đến thắp hương lễ bái và tham quan cũng rất đông.

Gần 20 năm gắn bó phục dựng Phủ Quảng Cung

Phủ Quảng Cung gắn bó thân thiết với người dân nơi đây là thế, bất cứ du khách nào đặt chân đến mà muốn tìm hiểu về lịch sử thì đều được người dân nơi đây chia sẻ rất thân mật, bởi vì Phủ cũng một phần gắn bó thân thiết với những con người nơi đây đã từ rất lâu.

Thế nhưng sau mỗi lần kể về nét đẹp văn hoá của Phủ, thì không ai là không nhắc đến công sức một người phụ nữ đã dành gần 20 năm cải tạo nâng cấp để được như ngày hôm nay, người phụ nữ ấy chính là Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Hồng Vân.

Vì quá tò mò muốn gặp, chúng tôi hỏi thăm đến nơi ở của bà cách đó chừng 2 cây số. Có lẽ đó là cái cơ duyên nên khi chúng tôi đến nơi cũng là lúc bà vừa đi dọn dẹp ở phủ về. Khi gặp bà, ít ai có thể nghĩ cái tuổi 74 mà trông bà vẫn rất khoẻ mạnh và tràn đầy “năng lượng”.

Nhâm nhi chén nước chè, chúng tôi nghe bà kể chuyện từ những năm về trước, bà kể: "Năm 2001, tôi về đây nhìn thấy ba gian là luồng, lúc đó nhân dân thờ thì tôi cũng chưa biết là tượng pháp thế nào, cũng chưa biết có một pho tượng đồng.

Không biết cơ duyên thế nào vì lúc đầu tôi định về nhà Trần, thế nhưng sau đó thấy lòng dân, tôi lại có mong muốn ở lại và càng ham mê xây dựng cải tạo, có lẽ một phần vì tự hào vì Đảng và nhà nước quan tâm.

Sau đó UBND xã Yên Đồng đã mang giấy cho mời tôi về, đồng thời mời lên xã họp kết hợp xây dựng cửa mẫu. Lúc đó cửa mẫu đã bị phá đi hoàn toàn đào thành ao cá, qua 7 năm, nhân dân đã dựng được ba gian nhà luồng và hai trái. Hồi đó, cứ mỗi xe cát về, tối đến tôi lại vận động dân, cứ mua hộp mì về lễ mẫu, bà con kéo cát xong đổ xuống ao thì tôi lại biếu một gói mì.

Hơn một tháng sau, ngày 23/9, tôi cùng thợ làm lễ động thổ, khởi công xây móng nhà Tổ. Ngày 14/10 đã tổ chức cất nóc. Lúc đó tôi rất phấn khởi, đi đâu kiếm đồng nào hay con cái cho là tôi mua vật liệu xây dựng, tiền cũng không nhiều nên toàn phải ứng trước một phần. Chỉ sau một năm, tôi đã hoàn thành hai cung Đệ nhất và Đệ nhị lộng lẫy".

Lau giọt nước mắt, bà Vân ngậm ngùi nói: "Có lẽ Mẫu thương tôi, và nhân dân nên từ đó, rất nhiều người dân khắp nơi tìm về, người công đức gạch, người công đức xi măng, sắt thép.

Người nghèo không có của cải vật chất dâng Mẫu thì góp công sức hàng ngày. Thấy mọi người giúp đỡ như thế, tôi vui lắm và càng quyết tâm xây dựng phát triển, năm 2003 tôi làm tiếp cung Đệ tam và đến năm 2005 thì khánh thành".

Những đóng góp của bà và nhân dân cũng đã được Chính phủ quan tâm. Năm 2006, trong một lần gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, qua nói chuyện, Chủ tịch nước đã động viên bà và nhân dân cố gắng bảo tồn di sản, phát huy truyền thống.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Hồng Vân (áo đỏ). Ảnh chụp năm 2006.
Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Hồng Vân (áo đỏ). Ảnh chụp năm 2006.

Người ta có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”, những năm tháng vất vả đã được đền đáp. Cụ thể, giữa năm 2013, Phủ Quảng Cung đã được Nhà nước xét duyệt và cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Đến năm 2015, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam. Năm 2015, bà Trần Thị Vân lại được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Bà được các cấp ban ngành trao tặng bằng khen, giấy khen
Bà được các cấp ban ngành trao tặng bằng khen, giấy khen 

Không chỉ cố gắng phấn đấu cải tạo xây dựng, bà còn mua thêm đất để tạo cảnh quan cho Phủ Quảng Cung. Bà kể: "Năm 2009 mua được một góc ao, năm 2014 lại mua tiếp được 892m2, tôi nghĩ dân Nấp không có chùa nhiều năm nay, tôi để bà con mua cùng để bà con có chùa, cũng một phần vì thấy trong sách ghi chùa Tiên – Đệ nhất thiên tiên, Chùa song Phủ, Phủ song Chùa là một không gian văn hoá đẹp".

Ngồi nghe bà chia sẻ, chúng tôi có lẽ hiểu được vì sao người dân nơi đây mỗi khi kể sự tích về Phủ lại không khỏi nhắc về bà. Nói về những công lao đóng góp của bà, chắc rằng sẽ không thể kể hết. Chia tay Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Hồng Vân về Hà Nội chúng tôi chỉ dành hai từ thán phục khi nhắc đến bà. Và đến bây giờ câu nói của bà vẫn làm chúng tôi nhớ mãi “Làm việc bằng cái tâm thì mọi chuyện sẽ thành công”.

Đọc thêm