(Đà Nẵng Xuân 2010) - Trong một nước còn nghèo, quan chức khi đi công du nước ngoài cần có hành động như thế nào? Có lẽ có hai điểm quan trọng. Thứ nhất, phải luôn chú ý làm sao để qua hành động của mình, người nước ngoài thấy khâm phục, quý mến dân tộc mình. Về điểm này, điều quan trọng là quan chức phải hiểu biết văn hóa tối thiểu của quốc gia mình thăm viếng để ứng xử đúng phong cách, và có tinh thần học hỏi cái hay, cái mới để mang về áp dụng cho công cuộc phát triển của đất nước. Thứ hai, nếu là đi công du, tham quan do ngân sách Nhà nước mình đài thọ thì dĩ nhiên phải tiết kiệm, phải quý từng đồng ngoại tệ để ít phí phạm vào nguồn lực tài chính ít ỏi của đất nước. Điểm này càng quan trọng đối với một nước phải nhận viện trợ, phải vay mượn nước ngoài.
|
Nhân ngày xuân, tôi xin kể hai câu chuyện về quan chức Nhật Bản liên quan đến điểm thứ hai nói trên. Những câu chuyện này có vẻ khó tin vì có lẽ ít ai có thể tưởng tượng nổi tinh thần yêu nước qua thái độ tiết kiệm công quỹ một cách triệt để như vậy. Nhưng đây là những chuyện có thật.
Chuyện thứ nhất liên quan đến Phái đoàn Iwakura vào những năm đầu của thời Minh Trị Duy Tân. Năm 1871, chính quyền Minh Trị tổ chức một phái đoàn lớn do đại thần Iwakura Tomomi (1825-1883) dẫn đầu sang Mỹ và một số nước Tây Âu. Đoàn gồm nhiều đại thần (bộ trưởng) và quan chức cao cấp. Phái đoàn Iwakura có hai mục đích: một là thương lượng với các nước Âu-Mỹ sửa đổi lại Hiệp ước bất bình đẳng mà chính quyền trước Minh Trị (thời Edo) bị bắt buộc phải ký kết với Mỹ và một số nước Tây Âu. Hai là tìm hiểu luật lệ, chế độ, phương pháp tổ chức liên quan đến thể chế chính trị, kinh tế tại các nước Tây phương để mang về cận đại hóa, kiến thiết đất nước. Đây là phái đoàn lớn, đi hơn 2 năm (1871-1873), tuy không đạt được mục tiêu thứ nhất nhưng thành công trong mục tiêu thứ hai, đã đóng góp to lớn vào việc canh tân nước Nhật vào cuối thế kỷ 19.
Phái đoàn bắt đầu qua Mỹ. Chuyện kể rằng khi đến New York, đoàn nghỉ chân tại một quán cà-phê. Yasuba Yasutomo, một thành viên trong đoàn, gọi nhân viên nhà hàng mang thêm đường, nhưng nhân viên lại mang thuốc lá đến. Ông ta lấy làm lạ nhấn mạnh lại là “tôi gọi đường uống cà-phê kia”. Nhưng nhân viên nhà hàng vẫn không hiểu. Cuối cùng mọi người mới hiểu ra rằng ông phát âm chữ “sugar” (đường ) thành “cigar” (thuốc lá) nên nhân viên nhà hàng không hiểu. Biết được vậy ông thấy xấu hổ và không tự tin mình sẽ đóng góp gì cho phái đoàn nên mới xin trưởng đoàn cho mình trở về Nhật ngay. Yasuba nói: “Chúng ta đi lần này là dùng ngân sách Nhà nước. Tiếng Anh của tôi thế này nếu tham gia đi tiếp chỉ tốn thêm tiền thuế của dân một cách vô ích. Xin cho tôi về để dành tiền dùng cho chuyện có ích hơn”. Và ông đã cương quyết quay về Nhật ngay.
Chuyện thứ hai gần đây hơn, mới hơn 50 năm trước. Ikeda Hayato (1899-1965), sau khi tốt nghiệp đại học trở thành quan chức Bộ Tài chánh và sau đó đắc cử dân biểu Quốc hội. Lúc đang làm Bộ trưởng Tài chánh, ông dẫn đầu phái đoàn công du sang Washington vào năm 1955. Lúc đó kinh tế Nhật Bản vừa hồi phục sau chiến tranh nhưng còn nhiều khó khăn, cán cân thương mại nhập siêu lớn, ngoại tệ thiếu nhiều. Ikeda luôn lo lắng về tình hình này nên về chỗ nghỉ tại Mỹ ông đã cho nhân viên thuê khách sạn 3 sao (lúc đó giá 7 USD một ngày) và để tiết kiệm hơn nữa, hai, ba người ở chung một phòng, kể cả bộ trưởng cũng chung phòng với một vụ trưởng. Ban ngày, đoàn đi làm việc ở các cơ quan Chính phủ Mỹ, buổi tối về tụ tập ở phòng bộ trưởng để kiểm công việc trong ngày và bàn chương trình cho ngày hôm sau.
Phòng bộ trưởng chung với một vụ trưởng nhưng rất nhỏ và không tiện nghi. Chỉ có giường ngủ chứ không có bàn ghế. Do đó mọi người phải ngồi bệt trên sàn, vừa nhâm nhi rượu sake (mang từ Nhật đi để khỏi mua tốn ngoại tệ) vừa bàn luận (Theo hồi ký của nguyên Thủ tướng Miyazawa Kiichi lúc đó là thành viên trong đoàn này). Ikeda sau đó đắc cử Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ và làm Thủ tướng từ năm 1960 đến 1965. Ông là người đưa ra kế hoạch bội tăng thu nhập quốc dân, một chiến lược kinh tế đưa nước Nhật vào giai đoạn phát triển thần kỳ.
Nhiều người thường hỏi tôi, tại sao Nhật là nước Á châu đầu tiên thành công trong quá trình cận đại hóa và trở thành một nước công nghiệp tiên tiến? Khó có thể có câu trả lời đơn giản. Nhưng một trong những yếu tố thành công của Nhật là họ luôn có những quan chức luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, luôn tiết kiệm công quỹ trong khi tích cực học hỏi kinh nghiệm nước khác và tranh thủ tối đa lợi ích của đất nước mình trong khi thương lượng với nước ngoài.
Tokyo, Xuân Canh Dần 2010
TRẦN VĂN THỌ