Câu chuyện bà Hai Tỏ giámđốc Công ty Đông Á, chủ nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre đi kiện hàng giả ở Trung Quốc năm 1999 vẫn là bài học vẫn chưa hề cũ.
Nhiều luật sư cho biết, Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, họ gặp rất nhiều trường hợp như trên. Trên thực tế, mười năm sau vụ kiện thành công của bà Hai Tỏ, ý thức bảo vệ thương hiệu, bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm của DN đã tăng lên rất nhiêu, nhưng theo đánh giá chung, vẫn chưa bắt kịp với thời đại, khiến DN đứng trước rất nhiều nguy cơ.
ĐẤU TRANH VÌ THƯƠNG HIỆU
Có lẽ nên nhắc qua một chút về câu chuyện đi kiện của Kẹo dừa Bến Tre, mà rất nhiều DN Việt Nam nằm long như một bài học xương máu.
|
Bà Hai Tỏ và nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của công ty Đông Á |
Năm 1998, khi đang có doanh số tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc rất cao, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre của bà Nguyễn Thị Tỏ (tức Hai Tỏ) bỗng sụt giảm nghiêm trong. Qua dò hỏi bà được biết trên thị trường đang có sản phẩm kẹo dừa giả, nhái kẹo dừa Bến Tre. Khí khái người đàn bà Nam bộ đã khiến bà ra quyết định: Đi Trung Quốc kiện DN Rừng dừa- DN làm nhái sản phẩm Bến Tre. Tháng 8 năm 2008, bà được biết Công ty TNHH Rừng Dừa đã đăng kí độc quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc được 8 tháng, chỉ còn ba tháng nữa là được cấp bằng độc quyền. Cùng người phiên dịch, bà đến trình bày sự việc tại Cục Quản lý hành chánh Công thương nhãn hiệu hàng hóa quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nêu rõ những thiệt hại về kinh tế và luật pháp mà doanh nghiệp làm giả gây ra tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời đề nghị hai vấn đề: Từ chối cấp nhãn hiệu hàng hóa cho Doanh nghiệp Rừng dừa, dựa trên phân loại nhóm 30 (chủng loại kẹo theo quy định của quốc tế) và phê duyệt cho nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre với hình phân biệt là người đàn bà đeo kính.
Tháng 5 năm 1999, tám tháng sau đăng kí, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre được cấp bằng độc quyền sáng chế, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời sản phẩm của doanh nghiệp Rừng Dừa được xác nhận là hàng nhái, không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Bà Tỏ đem giấy tờ chứng nhận đến tận Đảo Hải Nam, nơi Rừng Dừa “đóng đô”, thuyết phục nhờ chính quyền địa phương xử lý toàn bộ số sản phẩm giả. Đoạn phóng sự về bà được chiếu trên toàn Trung quốc, đánh dấu thắng lợi của DN “miệt vườn” này.
BÀI HỌC CHO CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Chia sẻ về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre cho biết: Câu chuyện “Kẹo dừa Bến Tre thắng kiện tại Trung Quốc” theo tôi là một bài học thú vị về bảo vệ thương hiệu của mỗi DN, tôi cũng lưu ý nhiều trong quá trình tư vấn cho DN những vụ việc tương tự.. Cuộc chiến giữ thương hiệu của bà Tỏ thực chất là tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp của pháp nhân về nhản hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh của Công ty SXKD tổng hợp Đông Á do bà Nguyễn Thị Tỏ là người đại diện theo pháp luật.
Nguyên nhân thắng kiện tại Trung Quốc là vì Doanh nghiệp của Bà đã có được căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định của Điều ước Quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên... Như vậy, điều kiện trước tiên để doanh nghiệp - cá nhân tự bảo vệ, tự áp dụng các biện pháp mà luật cho phép nhằm bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ của mình là phải có sự đăng ký độc quyền nhản hiệu hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp tại cơ quan thẩm quyền.
Rõ ràng, việc tuân thủ pháp luật - vận dụng đúng các quy định về kinh doanh là một trong những bí quyết để doanh nghiệp tránh rủi ro và gặt hái thành công dù là thị trường trong nước hay ngoài nước . Trở thành Thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tương lai DN Việt Nam sẽ gặp rất nhiều trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thương trường thế giới. Do đó, tổ chức - cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhản hiệu, chỉ dẫn địa lý …
Luật sư Huỳnh Kim Minh Thi, Đoàn Luật sư TPHCM chia sẻ: “Thời gian qua, các trường hợp như vụ kiện của DN kẹo dừa Bến Tre vẫn tiếp tục diễn ra, với quy mô lớn hơn. Phòng tránh những bất trắc như trên, nhất thiết doanh nghiệp phải tự ý thức. Tại Việt Nam hiện nay, ý thức tự bảo vệ mình không phụ thuộc vào DN lớn hay nhỏ. Trong quá trình tư vấn DN, tôi đã gặp nhiều trường hợp DN vừa và nhỏ mà vẫn có ý thức cao trong việc ctrang bị cho mình kiến thức pháp luật và cơ sở pháp lý để tránh bị vi phạm. Cũng có những DN vốn, quy mô lớn nhưng chỉ biết kinh doanh chứ không hề có ý thức trong vấn đề này.
So với thời điểm của bà Hai Tỏ cách đây 10 năm, ngày nay DN đã được bảo vệ nhiều hơn bởi Hiệp hội bảo về người tiêu dùng và cơ quan đại diện Hiệp hội Việt Nam tại nước ngoài, DN cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc và trang bị cho mình kiến thức luật hơn.
Trên thực tế, việc vi phạm luật Sở hữu trí tuệ, Luật cạnh tranh hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, chứ không như thời điểm khi bà Hai Tỏ đi kiện cách đây 10 năm. Các trường hợp làm giả, nhái, chồng chân lên nhau ở các DN trong cùng một địa bàn, khu vực cũng xảy ra rất nhiều. Những năm gần đây, Bến Tre xôn xao nhiều vụ vi phạm nhãn hiệu kẹo dừa, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại phổ biến. Điều này cho thấy DN, nhất là DN ở các tỉnh còn khá thiếu ý thức bảo vệ mình. Nhiều trường hợp phó mặc cho DN khác vi phạm vì sợ tốn kém kiện tụng.”
Còn theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, đoàn Luật sư TP HCM: “Quy định của pháp luật liên quan còn chưa thật chặt chẽ nên những vụ việc tương tự vẫn có thể sẽ xảy ra. Thường thì doanh nghiệp quan tâm đến việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm hơn là bảo vệ sản phẩm cho đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng “:mất bò mới lo làm chuồng”.
Sản phẩm của doanh nghiệp cũng giống như đứa con của mình. Doanh nghiệp nên bảo vệ nó hiệu quả nhất trước khi nhờ đến cơ quan pháp luật có thẩm quyền. Lực lượng thanh tra, kiểm tra tương đối mỏng trong khi hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi thì việc phát hiện và xử phạt không đơn giản. Doanh nghiệp nên tạo ra những đặc điểm riêng cho sản phẩm của mình để tránh làm giả, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan và đặc biệt là có lực lượng kiểm tra và phát hiện hàng giả để có biện pháp bảo vệ sản phẩm của mình.”
Bài học cũ, nhưng vấn đề vẫn còn mới mà DN sẽ liên tục gặp phải trong quá trình gầy dựng và phát triển thương hiệu của mình. Hy vọng, với những chia sẻ của luật sư cùng với việc bắt kịp những diễn biến phức tạp của một trường kinh doanh hiện đại, DN sẽ ngày càng nâng cao sự tự ý thức, trang bị cho mình những kiến thức pháp luật, các “vũ khí” tự bảo vệ mình trong cuộc chiến khốc liệt trên thương trường.
Trân Trân
(Bài đăng trên Doanh nhân & Pháp luật số 53 ra ngày 20-7-2010)