Từ lúc còn sống đến khi qua đời đã 14 năm nay, việc thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998) có thật sự điên hay không vẫn còn là một câu hỏi và làm tốn biết bao giấy mực bởi tư duy và cách sống… của ông đều khác với người thường. Những cuộc viếng thăm, trò chuyện cùng cụ Bùi Giáng khiến ông Nguyễn Thiên Chương ngộ ra nhiều điều để một đời vẫn mong làm được điều gì đó vui vui cho cụ Bùi - người “điên rực rỡ”.
|
Lãng tử Nguyên Thiên Chương và nỗi nhớ cụ Bùi |
Một lần, một ngàn lần... vẫn đẹp
Người ta gọi Nguyễn Thiên Chương là thi sỹ, hoạ sỹ hay gọi chung là nghệ sỹ ông đều từ chối. Ông trải lòng: “Tôi cũng làm ít bài thơ, tranh cũng vẽ vài bức, nghề nghiệp bây giờ là trình bày bán sách nhưng chỉ học ngoài trường đời nên chẳng dám ngộ nhận mình là thi sỹ hay hoạ sỹ”.
Thú thật, mới nhìn dáng dấp bên ngoài thì ông có cốt cách của một nghệ sỹ lắm, ánh nhìn sắc lém, mái tóc dài xoăn bồng bềnh, cách nói chuyện cuốn hút... ông không là sỹ (gì cả), nhưng khi tôi gọi ông bằng hai chữ lãng tử - ông cười, không phản đối. Nói ông là bạn thơ của thi sỹ điên Bùi Giáng ông chỉnh lại cho chuẩn luôn: “Tôi chỉ là người bạn vong niên yêu thơ cụ Bùi, có chút kỷ niệm riêng với cụ thôi”.
Lần đầu tiên, tại chỗ đông người ông đọc bài thơ cụ Bùi tặng mà ngượng nghịu, lúng túng khác hẳn sự hào hứng khi đọc thơ và bình thơ cụ với bạn bè. Ông cũng như nghệ sỹ Kim Cương ngại nói những chuyện riêng với Bùi Giáng, bởi họ cùng ngại người đời nghĩ mình khoe quen với cụ Bùi. Nhưng họ cũng giống như tất cả những người khác đã góp thêm những câu chuyện để làm cuộc đời “thi sỹ điên” được người sau hiểu hơn triết lý trong ngôn từ xa lạ.
Ngay từ hồi thanh niên, Nguyễn Thiên Chương đã đọc và yêu thơ Bùi Giáng. Chất phiêu bồng của người cứ đi mà không biết đi đâu, đi không định trước, vui đến, buồn đi... đã ngấm vào Nguyễn Thiên Chương tự lúc nào không rõ. Ông gác lại chuyện học, dứt gia đình đi lang thang khắp nơi và quyết vào Sài Gòn gặp bằng được hiện tượng thơ Bùi Giáng. Nhớ lại thời ấy, ông Chương tự ngạc nhiên chính mình: “Tôi đã đi lang thang như kẻ phiêu lãng suốt 20 năm trời. Tôi đi khắp nơi, trong trời rộng đất dài kia tôi thấy mình nhỏ bé và chiêm nghiệm được nhiều điều thú vị trong thơ Bùi Giáng. Tứ thơ, ý thơ mà con người phải có một trải nghiệm nhất định mới cảm được”.
Đặt chân đến Sài Gòn, ông tìm đến nhà thi sỹ đã khiến ông có quyết định... điên khùng. Có lẽ nhà thơ Bùi Giáng đang say, đang vui ở một nơi nào đó nên ông không gặp được. Nhưng những bước chân của thi sỹ Bùi Giáng đi đến đâu chẳng để lại những câu thơ dị biệt. Thơ Bùi Giáng như chính con người của cụ bao giờ cũng chỉ như lần đầu tiên: “Anh chỉ có tình yêu thứ nhất/Và thứ nhất cũng đệ nhất như nhiên”. Ông cảm thấy thơ cụ thật lạ, yêu đấy, say đấy mà không cần đáp lại.
Lần theo những câu thơ, những bước chân vui của thi sỹ, ông Chương gặp cụ Bùi Giáng ở chùa Tuỳ Viên. “Ấn tượng đầu tiên, tôi gặp cụ là đôi mắt. Đôi mắt sáng, mạnh mẽ, thấu suốt như cái nhìn của hài nhi thơ ngây, ánh nhìn như thấu mọi vật. Quá ấn tượng, tôi đã vẽ một bức tranh về cụ đặc tả đôi mắt ấy trong cái nền phơn phớt như râu, tóc cụ vậy. Và trên bức tranh ấy có một con chuồn chuồn”, ông Chương kể lại.
Cuộc trò chuyện giữa thi sỹ và người yêu thơ là những câu chuyện ngày nối ngày. Họ đã bàn luận đủ thứ chuyện đông tây kim cổ. Ông Chương nhớ, có lần cụ Bùi đưa ông đến một nghĩa địa, nơi ấy có một cây dương liễu, thứ cây chỉ có ở miền Trung. Cụ Bùi Giáng ngồi nói về thơ Lư Bạch, một cái nhìn lạ lắm, người đời thì vẫn bảo Lư Bạch yêu trăng, say trăng quá, nhảy xuống sông ôm trăng mà chết. Nhưng cụ Bùi lại bảo: “Ông Lư Bạch chán đời mà chết đấy. Cũng như ta chán đời muốn tìm sợi dây để chết, nhưng việc tìm sợi dây cũng làm cho ta chán”.
Ô hay, việc nhỏ nhất, cụ cũng không muốn làm nên cứ đi, cứ đến, mỏi thì nghỉ, tiền bạc trong người ai muốn lấy khi đang ngủ cụ cũng chẳng phiền lòng nên người đời bảo Bùi Giáng say - vui. Say thì có, nhưng cụ vui hay không thì làm sao mà biết được, bởi như Lư Bạch đời thi vị hoá nói chết vì yêu thì cụ bảo đó là chán đời!
Người đời bối rối
Thuở đầu đời cầm bút, cụ Bùi Giáng đã viết “Lỡ từ lạc bước bước ra / Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn”. Ông Chương cảm thơ cụ mà cho rằng sinh ra đời đã là “lỡ từ lạc bước bước ra” và phải đi tiếp mãi trên đường đời không thể chống chọi lại.
Cụ Bùi gặp thơ đã chết đi con người bình thường để thành con người khác mà chính “thi sỹ trung niên” cũng không biết mình là ai. Chỉ biết rằng, “thi sỹ điên” đã cháy hết mình với cuộc phục sinh kỳ lạ ấy, yêu- sống- chết vì thơ. Cụ Bùi mê đắm, hứng khởi nhưng luôn sáng suốt. Nhưng bởi ngôn ngữ thật quá lạ với cách nói của người đời, hành động của cụ cũng lạ nó phá vỡ quy chuẩn, cái nhìn của người đương đại nên người ta gọi “hiện tượng” Bùi Giáng là...điên! Cụ Bùi tiên sinh lại tự cho mình là “người trời”, là “điên rực rỡ”.
Từ những cuộc gặp gỡ với cụ Bùi Giáng, ông Chương cũng ngộ ra nhiều điều từ... người điên rất bao dung này. Một hôm thấy cụ mua rất nhiều bánh mì khệ nệ mang về, cháu hỏi “Có ai ăn đâu mà ông mua nhiều thế”?.
Cụ Bùi tỉnh queo: “Ta mua về cho mi ăn và con của mi ăn, nếu không ai ăn thì con gián, con chuột nó ăn”. Tìm hiểu ra mới hay, hôm ấy thấy cô bé bán bánh mì đứng giữa trời nắng, cụ gặp đã móc hết tiền trong người mua hết bánh cho cô bé. Mới hay, ở đời người ta thừa đủ mọi thứ, nhưng có ai nghĩ đến những hành động bao dung như người điên không”?.
Ông Chương còn nhớ, ngày cưới của mình ông Bùi Giáng đã đến. Cụ đến là vui lắm, dù có “quá vui” mà quậy tưng bừng thì cũng không sao. Thiếp mời 5h, nhưng mới 3h30 cụ đã sai cháu chở đến đám cưới. Cháu rể hỏi sao đi sớm thế?. Cụ bảo: “Người ta đi giờ ấy, nhưng ta phải đi giờ này chứ”. Cụ luôn khác người mà. Nhưng hôm ấy, thi sỹ điên không hề “vui quá”, cụ mặc quần áo đẹp, ăn nói chừng mực, nghiêm trang lắm lắm. Hôm ấy, mọi người đến đám cưới quên luôn cả tân nương - tân lang mà chỉ xúm vào chụp ảnh với nhà thơ Bùi Giáng.
Kỷ niệm đi cùng tháng năm, yêu mến tài thơ cụ Bùi, ông Chương đã mong muốn làm một điều gì đó vui vui về cụ. Cách đây chừng 10 năm, ông Chương có ý định làm một cuộc triển lãm giới thiệu Bùi Giáng một cách khách quan nhất; ở đó, trưng bày những tác phẩm của cố thi sỹ gồm thơ, triết học, dịch thuật sắp xếp theo thứ tự thời gian, những bức ảnh, bức tranh, tượng điêu khắc... và có một đêm thơ cụ Bùi. Mọi chuyện chuẩn bị xong, có đơn vị thực hiện nhưng thời gian ấy không xin được giấy phép nên ông Chương và mọi người bùi ngùi lắm. Và tới nay, dù đã dễ dàng hơn, nhưng dự định này vẫn chỉ là niềm mong ước của ông.
Thảo Miên