Chuyện khó tin về những đứa con bất hiếu cứ thấy bố là đánh

Thấy cha về cạo mủ cao su, anh em nghịch tử dùng xà beng phang khiến ông này gục ngã bất tỉnh. Chúng còn chỉ mặt cha đe dọa sẽ “bắn chết nếu dám vác mặt về nhà”. Những ngày sau đấy là chuỗi ngày dài người cha vất vưởng lang thang khắp nơi, ai thuê gì làm nấy kiếm sống qua ngày và ngóng chờ sự phán xử của các cơ quan chức năng.

Thấy cha về cạo mủ cao su, anh em nghịch tử dùng xà beng phang khiến ông này gục ngã bất tỉnh. Chúng còn chỉ mặt cha đe dọa sẽ “bắn chết nếu dám vác mặt về nhà”. Những ngày sau đấy là chuỗi ngày dài người cha vất vưởng lang thang khắp nơi, ai thuê gì làm nấy kiếm sống qua ngày và ngóng chờ sự phán xử của các cơ quan chức năng.

Mải làm đến mất vợ mất con

Khuôn mặt khắc khổ còn nguyên những vết bầm tím vẫn chưa lành, người đàn ông trải lòng về một đời vất vả.

Ông là Phạm Đình Huynh (SN 1954, ngụ tại tổ 6, ấp 3, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Năm 1978, ông Huynh theo gia đình vào Nam lập nghiệp.

Sau một thời gian, nhờ chăm chỉ “bám đất”, gia đình ông cũng khai phá được nhiều đất đai, mỗi người đều có đất riêng để canh tác. Về phần mình, sau khi được bố mẹ chia cho mấy công rẫy, ông dựng căn nhà tạm, cùng vợ con chuyển vào tiếp tục làm ăn gây dựng cơ nghiệp.

Người cha đau khổ có những đứa con trai bất hiếu

Vốn chí thú làm ăn lại tiết kiệm, những năm gần đây khi con cái trưởng thành, ông Huynh đã có sản nghiệp kha khá với căn nhà khang trang cùng rẫy cao su và một mảnh vườn trồng điều đang cho thu hoạch. Nhưng do cả ngày đầu tắt mặt tối chỉ biết làm lụng nên tình cảm giữa hai vợ chồng và các con ngày càng xa cách.

Trước kia khó khăn, người vợ còn giúp chồng những khi công việc nhiều hoặc đến thời vụ, nhưng từ khi có của ăn của để, vợ ông thường dành nhiều thời gian ra ngoài.

Đầu năm 2012, ông Huynh phải đệ đơn ra tòa xin ly hôn vì chuyện vợ chồng lục đục.

Bàn chuyện phân chia tài sản, người vợ đưa ý kiến nên giải quyết “tình cảm” nội bộ giữa hai vợ chồng, không nên để tòa phân xử. Ông Huynh đồng ý một phần cũng vì không muốn làm rùm beng chuyện gia đình. Hai bên thống nhất thỏa thuận chia tài sản, đã được UBND xã Hắc Dịch chứng thực.

Theo đó, người vợ được nhận phần nhà ở nằm trên mảnh đất trồng điều, một nửa thửa đất có diện tích 2,4ha trồng cao su; ông Huynh được nhận một nửa diện tích cao su còn lại và một thửa cao su khác có diện tích 1 ha. Về phần 5 người con chung, do 3 người con đầu đã lớn nên chỉ còn hai người con út chưa đủ tuổi thành niên được mẹ nhận nuôi, không yêu cầu cấp dưỡng từ ông Huynh.

Hai nghịch tử vác xà beng đánh cha

Tuy đã có biên bản phân chia tài sản nhưng bà vợ lại cố tình "lờ" đi không thực hiện những cam kết trong thỏa thuận. Không những thế, mỗi khi ông Huynh trở về nhà yêu cầu vợ thực hiện việc chia tài sản, thường bị hai con trai lớn là Phạm Đình Hải (SN 1990) và Phạm Đình Hưng (SN 1992) mắng chửi, đe dọa.

Hai anh em này không tiếc lời mắng chửi, mạt sát cha thậm tệ. Lúc đầu ông Huynh cho qua vì nghĩ các con bốc đồng, thiếu suy nghĩ nhất thời. Ông vẫn về thu hoạch cao su trên đất thuộc phần của mình như trong thỏa thuận. Không ngờ hai người con trai không chỉ đe dọa suông mà xúm vào đánh “dằn mặt” cha ruột.

Từ tháng 2/2012 đến nay, cứ mỗi lần ông Huynh trở về rẫy cao su là y như rằng hai người con đã chờ sẵn để “hỏi tội”. Mỗi lần như vậy, chúng đều ra tay đánh đập ông không thương tiếc, khiến hàng xóm phải nhiều lần vào can ngăn.

Lần nặng nhất xảy ra vào ngày 28/2/2012. Hôm ấy, ông Huynh đang thu hoạch cao su trên rẫy thì Hải và Hưng bất ngờ từ nhà chạy ra, trên tay cầm thanh xà beng bằng sắt dài khoảng 60cm, chẳng nói chẳng rằng đánh liên tiếp vào người cha vì cái tội “đã cảnh cáo nhiều lần còn dám cả gan về cạo mủ cao su”.

Bị hai con quây đánh, ông Huynh không còn cách nào khác đành bỏ chạy về phía cổng thoát thân, nhưng do sức yếu lại bị đánh nhiều vết khá nặng nên chạy được gần đến cổng thì ngã gục vì đau đớn.

Thấy thế hai người con thản nhiên quay vào dắt chiếc xe máy của ông về nhà khóa lại. Vừa may lúc đấy có người hàng xóm cạnh bên nghe thấy tiếng xô xát ầm ĩ chạy sang thấy cảnh tượng đã kịp thời đưa ông Huynh đi cấp cứu.

Ông được chẩn đoán rạn xương bánh chè, thương tích khắp người kèm theo tụ máu bầm phải nằm bệnh viện theo dõi nhưng vì không đủ tiền thuốc men đành xin ra viện sớm. Những ngày sau đấy, ông Huynh đành tá túc tạm nhà hàng xóm và họ hàng thân thích mỗi người vài ngày để dưỡng bệnh.

Sau khi vết thương đã đỡ, trong người không còn một đồng xu dính túi, xe thì bị hai nghịch tử giữ lại, ông Huynh cũng không dám quay trở về nhà đành nhờ người hàng xóm tốt bụng lên trình báo công an xã xin lấy lại xe.

Những ngày sau đấy là chuỗi ngày dài ông vất vưởng lang thang khắp nơi, ai thuê gì làm nấy kiếm sống qua ngày. Một thời gian sau trận đòn khủng khiếp do hai người con gây ra, một phần vì muốn trở về thăm hai người con nhỏ, một phần cũng muốn giải quyết dứt điểm việc chia tài sản để tránh xảy ra sự việc như lần trước, ông Huynh đã vài lần trở về nhà cũ.

Nhưng hai người con trai lớn hễ cứ thấy mặt ông là đuổi đánh, thậm chí chúng còn cấm không cho mấy đứa em nhỏ gọi cha.

Khiếu nại một đằng, công an kết luận một nẻo?

Vì quá uất ức với hành vi bất hiếu, bạo ngược của hai thằng con “trời đánh”, ông làm đơn gửi lên công an xã. Hơn một năm trời sau, vào ngày 3/5/2013, ông nhận được văn bản trả lời của công an huyện kết luận ông Huynh bị… “vợ” đánh trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, kết quả khám nghiệm thương tật chỉ mới 8% nên không đủ điều kiện để tiến hành khởi tố vụ án.

Ông Huynh cho biết chính ông cũng không hiểu tại sao đơn khiếu kiện con trai đánh cha, công an lại ra kết luận ông bị vợ đánh?.

Trong lúc chờ đợi tòa giải quyết việc thực hiện phân chia tài sản, ông Huynh vẫn chịu cảnh sống sống vật vờ, “có nhà nhưng không dám về”, phải làm thuê để chạy ăn từng bữa.

Hiện nay, ngày qua ngày, ông vẫn tiếp tục trông chờ vào sự can thiệp của chính quyền địa phương để có thể trở về nhà thăm người con nhỏ. Mới gần đây khi nhìn thấy ông lảng vảng gần nhà, người con trai lớn đã chỉ thẳng vào mặt và thách thức: “Ông đi thưa (kiện) xem ai làm gì được tôi”, kèm theo lời hăm dọa “còn bén mảng về nhà sẽ bị đánh chết”.

“Giờ tôi cũng chỉ mong việc chia tài sản được thực hiện, lúc đấy tôi sẽ bán hết phần của mình trở về quê cũ, sống nốt quãng đời còn lại, chứ giờ, ngay cả con cái như thế thì tôi cũng chẳng thiết tha gì nữa”, người đàn ông lam lũ đã trải qua gần hết cuộc đời cay đắng, thở dài.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm