Vũ Gia Luyện - Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ Quốc tế ITS vốn đang giữ một vị trí vô cùng nhiều trọng trách ở Viettel với mức lương hàng chục triệu đồng; Vũ Nguyệt Ánh - “bà chủ” của thương hiệu mai mối hàng đầu Việt Nam Rudicaf cũng có những công việc thú vị ở đài truyền hình; Lê Hoàng Uyên Vy - đồng sáng lập DO Venture đã từng giữ vai trò đối tác điều hành của một quỹ đầu tư có số vốn lên tới 20 triệu USD…
Tất cả đều là những vị trí và mức lương đáng mơ ước với các bạn trẻ nhưng cả ba “kỳ lân” tuổi Mão (thế hệ sinh năm 1987) này đều nhận ra mình có một sứ mệnh nào đó mà nếu cứ tiếp tục theo đuổi công việc “làm công ăn lương… cao” sẽ không thể thỏa mãn mình. Họ quyết định xin nghỉ việc và bắt đầu hành trình chinh chiến mơ ước của mình…
1. Gặp thuận lợi nhất là Uyên Vy (người đã từng được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật châu Á), khi Vy đồng sáng lập DO Ventures cùng với một nhà đầu tư nổi tiếng. Bởi trước đó, Uyên Vy đã rất thành công khi làm đối tác điều hành của ESP Capital - quỹ đầu tư có giá trị 20 triệu USD. ESP Capital đã rất thành công khi đầu tư vào các start up đình đám như Cooky.vn, Homedy.vn, Luxstay.net…
Nhưng Vy nhận ra rằng, ước mơ lớn nhất của Vy là muốn giúp cho các startup tiên phong - những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để theo đuổi ước mơ lớn của cuộc đời…. Và Vy quyết tâm lập DO Venture dù xác định sẽ rất khó khăn. Nhưng “khó thì mình mới phải làm”. Đó là tâm niệm mà Uyên Vy luôn ghi nhớ khi tiếp tục khởi nghiệp. Hiện DO Venture đã đầu tư vào nhiều startup khá có tiếng như Azota, F99, Coolmate…
2. Vũ Gia Luyện - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021, cũng đã có một chặng đường khởi nghiệp không quá gập ghềnh bởi kinh nghiệm chinh chiến qua các tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam.
Thậm chí, trong công cuộc khai phá thị trường Mozambique (khi còn là nhân viên Vietel), Luyện cũng đã… có một “business” thành công của riêng mình khi tập hợp được xung quanh mình “500 anh em” bản địa. Chính thành công này đã góp thêm cho Luyện quyết tâm… ra riêng.
Trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có khoảng 6 tháng Luyện đã từng nghĩ “ước gì mình chưa từng bắt đầu”. Bởi mỗi tháng này, chi phí bỏ ra từ 600-800 triệu đồng và chưa ra mắt được sản phẩm gì đáng giá. Trong khi trước đấy, khi còn là nhân viên “ăn lương” của các tập đoàn, hàng năm Luyện đều có những sáng kiến kiếm về hàng chục tỷ đồng mỗi năm…
Nhưng những khát khao muốn chinh phục và mong muốn trở thành người có sức ảnh hưởng cứ bùng cháy trong chàng trai quê Hưng Yên này… Luyện miệt mài, kiên trì theo đuổi con đường mình đã lựa chọn… Để rồi sau 8 năm khởi nghiệp, ITS hiện đã là đối tác của 10 công ty công nghệ lớn nhất ở Việt Nam. Luyện đã trở thành một startup mà doanh thu tăng trưởng hàng năm tính bằng lần (dự tính ít nhất đến năm 2030); Việc trở thành ông chủ của công ty nghìn tỷ không còn xa nữa…
Tuy nhiên, điều mà chàng trai quê Hưng Yên tâm đắc chính là những công nghệ “made by ITS” luôn tạo ra xu thế (chứ không chạy theo xu thế) như các phần mềm gọi tạo ra thương hiệu, giải pháp sinh trắc học giọng nói; giải pháp tổng đài trợ lý ảo Callbot…
3. Vũ Nguyệt Ánh - bà chủ thương hiệu mai mối “chảnh” nhất Việt Nam Rudicaf là “kỳ lân” tuổi Mão có sự khởi nghiệp khó khăn nhất với 2 lần thất bại - ở cùng một lĩnh vực (cung cấp dịch vụ hẹn hò trực tiếp).
Nói Nguyệt Ánh là bà chủ “chảnh” nhất bởi cô sở hữu tệp khách hàng có đến 80% là du học sinh và các giám đốc, chủ tịch tập đoàn. Có lẽ tệp khách hàng mà Rudicaf sở hữu có khối tài sản lên đến cả ngàn tỷ đồng. Nói Nguyệt Ánh “chảnh” còn là bởi số lượng khách hàng bị Rudicaf từ chối gấp đến 5 lần số lượng Rudicaf phục vụ…
Sau lần khởi nghiệp thất bại lần thứ nhất, Nguyệt Ánh đã chấp nhận làm thuê ở Vingroup rồi YanTV, StyleTV để trả món nợ vài trăm triệu... nhưng đam mê được làm công việc mai mối, hẹn hò lại kéo Nguyệt Ánh trở lại đường đua…
Tuy nhiên, có vẻ như ông trời muốn thử thách đam mê của cô gái này, khi Covid-19 đột ngột xuất hiện. Tất cả các hoạt động của Rudicaf bị “đóng băng”. Không một đồng doanh thu, Nguyệt Ánh buộc phải cho nghỉ việc tất cả các nhân sự, chuyển văn phòng về nhà riêng để đỡ gánh nặng chi phí…
Trong khoảng thời gian này, Nguyệt Ánh liên tục đặt ra câu hỏi “mình chịu thua sao” trong khi thị trường mai mối trên thế giới trị giá vài tỷ USD là có thật. “Nếu là chủ quan của mình thì mình chấp nhận đầu hàng nhưng đây là nguyên nhân khách quan nên tôi quyết định không từ bỏ” - Nguyệt Ánh tâm sự.
Và Ánh đã đúng khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Chỉ sau nửa năm, Nguyệt Ánh trả được một nửa số nợ. Và bây giờ là lúc cô gái đam mê mai mối bắt đầu ứng dụng công nghệ cho công việc của mình, để phục vụ cho bước nhảy ra thị trường Đông Nam Á, châu Á…
Tất cả những “kỳ lân” tuổi Mão mà chúng tôi gặp đều có chung một điểm “dám mơ ước, khát khao lớn và quyết tâm theo đuổi đam mê” của mình. Họ cũng đều có chung một khát vọng tạo ra những giá trị và xây dựng sự nghiệp ở Tổ quốc mình và sau đó mới tiến ra thế giới, để khẳng định và phát huy trí tuệ Việt, bản lĩnh Việt…