Chuyện kỳ thú về siêu cây cảnh 60 tỷ đồng

Sau 5 năm trời công phu lặn lội khắp nơi để tìm nguyên liệu, cuối cùng Phạm Gia Thịnh cũng hoàn thành được bộ siêu phẩm đồ sộ "Chiến thắng Bạch Đằng" gây chấn động giới chơi cây cảnh cả nước.

Sau 5 năm trời công phu lặn lội khắp nơi để tìm nguyên liệu, cuối cùng Phạm Gia Thịnh cũng hoàn thành được bộ siêu phẩm đồ sộ "Chiến thắng Bạch Đằng" gây chấn động giới chơi cây cảnh cả nước. Trong triển lãm dịp kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long vừa qua. Siêu phẩm này của anh đã được định giá 3 triệu USD, tương đương  hơn 60 tỷ đồng.

Ý tưởng từ lịch sử

Xuất thân là một bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng nhưng vì ham chơi cây từ nhỏ, Phạm Gia Thịnh đã chia tay với nghề y lập doanh nghiệp buôn bán thép mong sớm làm giàu để theo đuổi thú chơi đắt đỏ của mình.

Sau vài năm buôn bán thành công, tiền đẻ ra tiền, Thịnh bắt đầu dấn thân vào cây cảnh. Anh cho biết, 2 năm nay đã bỏ ra tổng cộng 150 tỷ đồng để được sở hữu những cây cảnh được xưng tụng là tuyệt phẩm trong giới chơi cây. Từ năm 2005, Phạm Gia Thịnh đã nung nấu thực hiện một tác phẩm cây cảnh thật đặc biệt, không "đụng hàng" với bất kỳ tác phẩm nào trên thế giới, chứ không chỉ trong nước dâng tặng Đại lễ của Thủ đô một món quà thật ý nghĩa.

Để biểu đạt được tinh thần Đại lễ, Thịnh nghĩ phải có một tác phẩm mang tính lịch sử. Sau khi sưu tầm, tìm kiếm các tài liệu, sách vở, anh nhận thấy chiến thắng Bạch Đằng giang năm 938 là có ý nghĩa nhất. Sau trận chiến thắng vang dội này, Ngô Quyền đã trở về Cổ Loa đóng đô, xây dựng đất nước, mới có Việt Nam ngày nay. Một nghìn năm trước, vua Lý đi thuyền ra Hà Nội, thấy rồng bay lên từ sông Hồng, mới lấy vùng đất này làm kinh đô, đặt tên là Thăng Long. Thịnh tâm sự: "Mình đã tìm hiểu kỹ lưỡng và thấy cuộc dời đô đi toàn bằng thuyền. Loại gỗ làm thuyền khi đó chủ yếu là gỗ sao đen vì đây là loại cây rất lớn, gỗ tốt, chịu được nước".

Đại gia Phạm Văn Thịnh
Đại gia Phạm Văn Thịnh

Từ ý tưởng đó, Phạm Gia Thịnh quyết tâm làm một tác phẩm cây cảnh mang tên Chiến thắng Bạch Đằng. Tác phẩm này phải được trình bày trên những chiến thuyền và những chiến thuyền phải bằng gỗ sao đen. Loại gỗ sao đen gần như đã tuyệt chủng ở Việt Nam, nên chỉ có thể tìm lũa, tức là phần lõi của cây gỗ, còn tồn tại dưới lòng đất, lòng sông suối từ hàng ngàn năm trước. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn. Dù có nhiều tiền mà không có gỗ lũa sao đen thì cũng đành chịu.

Kỳ công săn "bảo vật"

Miệt mài nghiên cứu các loại tài liệu, tham khảo các nhà thiên nhiên học, Thịnh biết vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ từng có nhiều gỗ sao đen từ hàng ngàn năm trước. Thịnh tự lái xe vào Nam đi dọc vùng Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận rồi vòng lên Lâm Đồng, Gia Lai, xuống Đồng Nai, Tây Ninh để tìm gặp những người chơi lũa nổi tiếng nhất và đặt họ tìm giúp những thân lũa sao đen thật lớn, to ngang với con thuyền. Món hàng anh đặt vô cùng khó, nhưng khi anh tuyên bố bất kể giá nào cũng mua, thì các ông chủ đều tung quân đi tìm kiếm.

Sau cả năm trời lùng sục, cuối cùng đại gia Phạm Văn Thịnh cũng mua được 5 cây lũa sao đen, đều thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Mỗi cây lũa đều có giá cả tỉ đồng. Trong số 5 cây lũa chế tác thành những chiến thuyền này thì cây lũa mua được ở Đồng Nai là lớn nhất. Để mua được cây lũa sao đen này là cả một kì công, trong đó có phần may mắn.

Cây lũa này thuộc sở hữu của một ông nông dân, là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng rừng núi. Theo lời kể của anh ta, nửa thế kỷ trước, lúc lội suối, cha anh ta đã thấy một khúc gỗ đen sì trồi ra khỏi mép suối. Khúc gỗ có vân lạ, cứng như đá, lên màu đen bóng rất đẹp. Cha anh đã huy động con cháu đào bới cả chục ngày trời, khúc gỗ lũa mới hiện ra. Khi đó, nó có đường kính chừng 2 mét, dài 12 mét. Cả buôn được huy động, cùng với mấy chục trâu mộng mới kéo được khúc gỗ về nhà.

Tính chẻ ra làm mấy cái cột, song gỗ cứng như thép, không chẻ nổi nên đành chịu. Sau này, hai cha con đã đục đẽo, moi lõi khúc gỗ, đắp kín hai đầu, dẫn nước từ khe về bơm ngập khúc gỗ để thả cá. Không hiểu có ma thuật gì mà cá nuôi trong khúc gỗ lớn nhanh như thổi. Cứ thả cá giống tháng trước, vài tháng sau đã có cá nướng nhắm rượu.

Dân buôn lũa nghe tin nhiều lần tìm đến gạ mua, song anh chàng nông dân này nhất định không bán. Anh ta coi đó là kỉ niệm của người cha quá cố để lại. Thông tin đến tai anh Thịnh, anh liền tìm vào Đồng Nai.

Quá kinh nghiệm trong việc săn mua những đồ quý nên anh Thịnh không đề đạt đến chuyện mua bán ngay. Những thứ quý hiếm thường được người ta coi là bảo vật nên tiền nong nhiều khi chẳng có ý nghĩa gì. Hàng ngày, anh tìm lên Đồng Nai với mục đích được chiêm ngưỡng khúc gỗ cho thỏa lòng mong ước. Mỗi lần lên, anh thường mang theo chai rượu và gói đồ nhắm rồi cùng ngồi bên khúc gỗ chén tạc, chén thù với anh chàng nông nọ.

Đến lần thứ 10, khi rượu đã ngà ngà, anh chàng nông dân này mới bảo: "ông nói thật đi, ông muốn mua khúc gỗ này chứ gì? Trả giá đi, tôi quý ông nên tôi bán cho đấy!". Như mở cờ trong bụng, anh Thịnh bảo: "Đúng thực là tôi muốn mua khúc gỗ của anh, nhưng không dám nói, sợ anh đuổi cổ. Nếu anh quyết định bán, thì tôi trả anh 1 tỉ đồng. Anh đồng ý không?". Anh chàng nông dân há hốc miệng ngạc nhiên hỏi: "Giá đó có đắt quá không nhỉ? Mấy thằng buôn gỗ nó trả tôi có vài chục triệu, tôi không thèm bán, để nuôi cá chơi!". Lẽ ra, anh Thịnh có thể mua được với giá rẻ hơn, tuy nhiên, anh thấy hài lòng với giá đó, nên vẫn quyết định trả 1 tỉ đồng.

Siêu phẩm vô giá

5 khúc gỗ khổng lồ được chuyển về TP. Hồ Chí Minh. Anh Thịnh đã thuê một xưởng rộng với hơn 10 nghệ nhân tạo tác lũa và chăm sóc, tỉa tót cây cảnh. Những khúc gỗ lũa được đẽo gọt thành những chiến thuyền. Mọi tác động của cưa búa đều giảm tối đa nhằm giữ nguyên được vẻ đẹp tự nhiên của lũa.

Theo anh Thịnh, để hoàn thiện tác  phẩm này, anh đã phải chi phí ngót 20 tỉ đồng và có người đã trả anh  3  triệu đô để được sở hữu
Theo anh Thịnh, để hoàn thiện tác phẩm này, anh đã phải chi phí ngót 20 tỉ đồng và có người đã trả anh  3 triệu đô để được sở hữu

Khúc gỗ khổng lồ do đích thân anh Thịnh mua được, sau khi đẽo gọt, tạo tác, đã hình thành chiến thuyền có đường kính 1,4m và dài 10m. Anh đã nhờ các chuyên gia, dùng phương pháp phóng xạ các-bon và biết rằng tuổi của khúc gỗ này là 1.800 năm. Những khúc gỗ còn lại đều từ 1.000 đến gần 2.000 năm tuổi.

Không thể kể hết sự vất vả của những tháng ngày tạo tác tác phẩm kì vĩ này. Có những tháng, anh Thịnh ra vào Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh tới 20 lần. Ban ngày anh điều hành công việc của doanh nghiệp. 5h chiều ra sân bay vào TP. Hồ Chí Minh trao đổi với các nghệ nhân, rồi ngay trong đêm cùng các nghệ nhân về Long An, Bình Dương, Tiền Giang, thậm chí Cần Thơ để chọn cây, mua cây đem về tạo dáng.

Những loại cây đưa vào tác phẩm này phải là những cây già, nhỏ, đẹp, mang đúng ý tưởng của tác phẩm. Xong việc, sớm hôm sau anh lại ra sân bay để có mặt ở Hải Phòng cho kịp ngày làm việc mới.

Quá trình mua đá trầm tích cũng rất kỳ công. Loại đá này có màu đen, đẹp, rất phù hợp với màu của gỗ lũa sao đen. Để có loại đá này, anh khai thật... phải thuê đám ngư dân đi ăn trộm! Đây là loại đá chỉ có ở Đảo Yến  (Khánh Hòa). Loại đá này cấm khai thác vì quý hiếm và vì việc khai thác sẽ ảnh hưởng đến nơi cư trú của chim yến. Ngư dân đi biển, thường rẽ vào Đảo Yến dùng xà beng moi vài chục cân, giấu vào thuyền rồi chạy ngay vào đất liền.

Riêng chi phí cấy đá vào những chiến thuyền này đã ngốn của anh cả tỉ bạc. Các loại cây phôi sau khi được chọn lựa kỹ lưỡng mới được trồng lên những tảng đá trên chiến thuyền. Con suối nhân tạo chạy dọc chiến thuyền, luồn qua những núi đá, vừa tạo cảnh đẹp, lại có tác dụng giữ ẩm cho cây, tạo lớp rêu phong rất cổ kính.

Khi hoàn thành, siểu phẩm này gồm 6 khúc gỗ lũa hình con thuyền, được trồng cây cảnh lên. Mỗi con thuyền được đặt lên một giá gỗ và quay theo hướng nhất định. Đứng từ xa nhìn lại, trông "Chiến thắng Bạch Đằng" như những chiến thuyền lớn đang giương buồm cưỡi sóng. Mỗi chiến thuyền đều mang một ý tưởng riêng. Theo anh Thịnh, để hoàn thiện tác phẩm này, anh đã phải chi phí ngót 20 tỉ đồng và có người đã trả anh  3 triệu đô để được sở hữu. Nhưng đối với anh, đây là sản phẩm để đời nên nó vô giá.                              

Theo
Thắng Nguyên
Đời sống & Pháp Luật

Đọc thêm