La Bông một thời có nghề chằm nón nổi tiếng, có ngôi đình thuộc loại nhất nhì khu vực. Nghề chằm nón đã lụi tàn, ngôi đình cũng đã mất, nhưng những câu chuyện xưa ở làng thì người dân vẫn còn nhắc đến.
Tiếng rống của tượng bò bằng đá
|
Đôi bò bằng đá sa thạch không còn dưới cây sanh bên Miếu Bà… |
Một thời, người trong làng đồn rằng, ban đêm thấy rùa vàng, gà vàng (gọi là “vàng Hời”) ngoài lùm rủ nhau đi ăn, nửa khuya mới về. Lần nọ, có mấy người Chăm từ trong Phan Rang, Phan Rí gì đó ra bán thuốc dạo, lân la hỏi đường tìm lên tháp. Họ lui tới mất gần hai năm, giở bản đồ ra, nhìn quanh quất chừng như định vị nơi nào đó. Một đêm, họ lẻn về xới tung mấy ngôi mộ cổ để tìm “vàng Hời” tổ tiên chôn giấu, không thấy gì, bèn bỏ đi biền biệt.
Ông Ba Hậu, 77 tuổi, người La Bông, cho rằng chuyện người Chăm đi tìm kho tàng tổ tiên nhiều nơi người ta kể lắm. Như làng Yến Nê bên cạnh, nghe nói cũng có một nhóm người Chăm hỏi đường lên đập đá bên sông Tây Tịnh, rồi hỏi cây vừng Yến Nê. Dân làng ai cũng lắc đầu, đạn bom cày xới, làm chi còn cổ thụ. Chừng như không xác định được vị trí, họ không quay lại nữa.
Chuyện “vàng Hời” thực hư thế nào chưa ai xác quyết được, nhưng chuyện hai con bò bằng đá sa thạch “đi” từ lùm Cây Khế đến Miếu Bà thì chẳng ai nghi ngờ gì. Mỗi con bò dài khoảng 80cm, cao 40cm, đặt trên tảng đá. Một đêm, kẻ trộm định bụng khiêng hai con bò đem bán, khi đi ngang qua miếu thì bất giác bò rống lên một tiếng rõ to, bọn trộm thất kinh hồn vía, quăng bò chạy lấy người. Dân làng đèn đuốc chạy ra, mang cặp bò vào đặt dưới cây sanh xòe tán sum suê như cái dù khổng lồ bên miếu. Nghe đồn bên trong bò đá có vàng, trộm nửa đêm đến đập gãy cổ mà không thấy gì, làng nhờ người gắn lại. Thế rồi, hơn chục năm trước, cặp bò cũng bị trộm lấy mất.
Linh thiêng Miếu Bà
|
...nhưng trong sân miếu vẫn còn ba tấm bia đá ghi lại lịch sử - văn hóa của làng La Bông. |
Ông Bút bảo, nhờ “linh thiêng” mà Miếu Bà còn trụ được. Một thời, Mỹ muốn biến cả Hòa Tiến thành vùng trắng, đưa xe cơ giới cày ủi khắp nơi. Khi tới Miếu Bà La Bông thì không làm gì được, máy cày đụng vô tới miếu là trở chứng... tắt máy. Một tên lính Mỹ ngủ trưa bên miếu bỗng dưng ngã lăn ra chết, chúng đâm hoảng, bỏ đi thẳng một mạch.
Trước miếu hiện còn 3 tấm bia đá. Theo ông Nguyễn Tài, phó trưởng thôn La Bông, trong đó có một tấm bia ghi những người đóng góp làm Cầu Đá trong làng, chủ công là ông Tri Phán, ông cố của ông, từng làm quan thời nhà Nguyễn. Đó là cây cầu độc nhất vô nhị, do một người trong làng làm thơ lại triều Nguyễn là ông Thơ Phong (Nguyễn Đình Phong) vẽ mẫu. Nó được làm hoàn toàn bằng đá theo kiểu đục xuyên trính như sườn nhà gỗ. Ông Tri Phán đặt thợ đá Non Nước làm từng chi tiết cầu, chở ghe bầu lên ghép, ngang 1,2m, dài 10m, có hai mố, hai trụ. Năm 1947-1948 cầu bị tháo dỡ để cản trở bước tiến quân của giặc Pháp từ Đà Nẵng lên La Bông.
Cầu Đá không còn. Miếu Bà vừa được trùng tu để lưu lại di tích cũ. Nơi đây, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Nguyễn Đình Anh kể, cuối năm 1963, tổ du kích La Bông đã diệt viên cảnh sát chi khu trưởng chế độ Sài Gòn cũ là Tôn Thất Thành khi y phối hợp chỉ huy cùng đoàn dân vệ tập kích vào La Bông; năm sau, diệt tiếp một trung đội thủy quân lục chiến của Mỹ từ dưới Hòa Đa (nay là phường Hòa Xuân) triển khai lên. Xã đang lập hồ sơ để dựng bia chiến tích ngay tại Miếu Bà đan xen văn hóa-lịch sử này.
Gần Miếu Bà, xưa có miếu Thần Nông nhìn ra một hồ trồng sen rộng khoảng hơn nửa sào, mỗi khi cúng lễ Hạ điền, chức sắc và dân làng đi quanh hồ, vào lễ Thần Nông rồi ra ngoài ruộng cấy tượng trưng. Ông Ba Hậu bảo, lần cuối cùng còn cúng lễ Hạ điền là năm 1966, sau đó, đình La Bông bị phá, lễ Kỳ an và lễ Hạ điền đều không còn tổ chức nữa. Người cao tuổi ở La Bông nói riêng, Hòa Tiến nói chung, vẫn mong ước những lễ, những hội xưa được phục hồi, tái hiện để người dân có thể soi mình vào đó mà sống đẹp hơn, thiện hơn.
VIÊN PHÚC QUÂN