Chuyện lao động nữ trong ngành du lịch

(PLVN) - Việt Nam đang xây dựng “một nền du lịch xanh, sạch, bền vững và có trách nhiệm”. Cùng với những bài toán về quảng bá, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế… thì bình đẳng giới trong ngành du lịch cần được đặc biệt quan tâm.
Chuyện lao động nữ trong ngành du lịch

Du lịch là một ngành đặc thù, sản phẩm chủ yếu là dịch vụ, trong đó nhiều nghề đòi hỏi sự khéo léo và vẻ đẹp của con người, đặc biệt là sự khéo léo và vẻ đẹp phụ nữ. Ở nước ta, theo số liệu điều tra nhân lực của ngành du lịch qua các năm 2015 - 2018 cho thấy, lao động nữ trong ngành du lịch dần có xu hướng tăng lên, trong khi lao động nam có xu hướng giảm.

Ví dụ, trong lĩnh vực khách sạn - lưu trú, các lao động nữ được tập trung một số nghề như lễ tân, phục vụ bàn, phục vụ quán bar, dọn buồng, tạp vụ hay nhân viên ở các dịch vụ phục vụ sức khoẻ, chăm sóc sắc đẹp...

Bên cạnh đó, cũng có không ít những nữ hướng dẫn viên du lịch, những nữ quản lý, giám đốc nhà hàng – khách sạn, công ty lữ hành, trung tâm du lịch… có nghiệp vụ tốt được phân bổ đưa đoàn khách hoặc quản lý cơ sở tại những vùng du lịch - kinh tế có nhiều thách thức ví dụ như các nước Trung Đông. 

Nếu như trước đây, chúng ta còn “nặng” tư tưởng trọng nam khinh nữ, hiếm thấy việc người phụ nữ được đi đây đi đó; thì ngày nay, quan niệm bình đẳng về việc làm ngành du lịch trong nước đã có nhiều thay đổi. Xu hướng này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Đơn cử Tập đoàn du lịch Intrepid Travel (Úc) đã thực hiện những chiến dịch tuyển dụng nữ giới giữ những vị trí chủ chốt tại các thị trường mục tiêu có nhiều thách thức với phái nữ như Morocco, Ấn Độ, Iran… nhằm đạt được tỷ lệ phân chia nam – nữ nội bộ gần 50/50 đến năm 2020. 

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, về thực tế, lao động nữ hoạt động trong ngành du lịch gặp không ít khó khăn. So với nam giới, phụ nữ ít có cơ hội được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ - chuyên môn, còn phải đối mặt với những áp lực từ gia đình, con cái…, thường xuyên đứng trước nguy cơ mất việc hoặc phải chuyển việc nhiều hơn.

Lao động nữ còn phải chấp nhận độ rủi ro nghề nghiệp và định kiến xã hội, nhất là phụ nữ làm việc trong các ngành nghề nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Đơn cử ở một số nước như Philippines, Thái Lan, Trung Quốc…, phụ nữ trở thành công cụ kinh doanh của dịch vụ “du lịch tình dục”. Đây là mặt trái nhức nhối của du lịch, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi phụ nữ. Song, vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi từ nhận thức đến phương hướng giải quyết, đến nay vẫn tồn tại là một trong những hình thức du lịch chủ đạo ở nhiều điểm du lịch. 

Đọc thêm