Chuyện ứng xử trong dăm ba ngày Tết là cả một trường thiên tiểu thuyết nói đến khi nào Tết không còn nữa mới thôi. Vui cũng nhiều mà nhiêu khê cũng lắm.
Gần Tết, trẻ em xôn xao quần áo mới, người lớn thì mặt mũi càng ngày càng khó đăm đăm. Có lẽ, không có gì khổ hơn những người nghèo khi cái Tết cứ sầm sập tới. “Nó” chạy như ma đuổi, dường như mỗi ngày chỉ còn có 12 tiếng mà thôi. Lo cho con cái bằng chị bằng em; người xa quê thì lo tiền, lo chuyện tàu xe, quà cáp… Trăm thứ lo, ngàn thứ khổ, nhưng dù khó cách mấy thì người lớn vẫn cứ mỉm cười khi tiếp xúc với con trẻ. Có lẽ cái cảnh hy sinh và âm thầm chịu đựng đó của những ông bố, bà mẹ nghèo khó là một trong những nét đẹp nhất, nhiều xúc động nhất của văn hóa Tết.
Tết quý nhất là ngày mồng Một. Thế nhưng, căn bệnh ngàn đời bảo thủ của người Việt mình là chẳng ai muốn đi “xông đất”, “đập đất” đầu tiên - sợ năm đó chủ nhà lỡ có chuyện gì thì tội vạ mình gánh hết(!) Thành thử, gần hết nửa ngày mồng Một rồi mà ngoài đường vẫn vắng hoe vắng hoắt. Nghĩ cũng buồn. Được một ngày đẹp nhất ta lãng phí hết nửa rồi. Phải chăng cuộc đời thường nhật cũng thế? Ta thường lãng phí một cách vô tâm những điều quý giá nhất.
Ngày Tết sợ nhất là bắt tay và phải nói đi nói lại hàng chục, hàng trăm lần câu “Chúc…”. Tại sao không nói ngắn gọn hơn và đôi khi chỉ cần một chút ngôn ngữ cử chỉ như một nụ cười thật rạng rỡ, một ánh mắt thật chân thành là đủ? Thì ra, sự khách sáo luôn là một phần không thể thiếu của cuộc đời.
Tết của nền “văn minh bếp gas, lò vi ba” làm cho con người như cứ thiêu thiếu cái gì. Chẳng biết do đâu nhưng tôi cứ thèm mùi khói bếp, mùi của củi mục ẩm ướt vừa cháy vừa sôi bong bóng xèo xèo. Hình như, những tiện ích của nền văn hóa hiện đại đang làm mất dần, từng chút một những hương vị, cảm giác sâu sắc của ngày xưa? Đôi khi thấy rằng không thể cưỡng lại được cái ý muốn nhóm lò nấu bánh chưng, vừa nấu vừa gà gật ngủ, nhưng vợ nói: “Mệt, đặt người ta làm cho khỏe!”. Đành thôi.
Nếu Tết là những ngày giá rét, đã bao giờ bạn thấy những đứa trẻ cố mặc cái áo chemise mới ra ngoài cái áo lạnh chưa? Biết, bố mẹ của những đứa trẻ ấy chỉ đủ tiền mua áo thường chứ không đủ tiền mua áo lạnh mới, nhưng cũng biết thêm rằng cái văn hóa xấu che, tốt khoe, dẫu có vụng về đi nữa vẫn là điều quen thuộc của con người. Nhìn những chiếc áo mỏng chật căng bên trong là cái áo bông cũ thấy tức cười mà thương, hiểu biết bao nhiêu.
Hết Tết, trở lại cơ quan, lại ngại nhất là những câu đại loại như ông bà cụ có khỏe không, ăn Tết có vui không? Lắm khi, ông bà người ta đã “đi” hết cả rồi mà người hỏi cứ hỏi, người nghe cũng cứ phải cười. Chợt nghĩ đó cũng là phần vui vui của văn hóa Tết – ta nói mà chẳng biết mình nói gì, ta cười để chia vui một cách vô thức, như thể tại mùa Xuân!
Những câu chuyện nhỏ như thế làm nên cái không khí của văn hóa Tết. Buồn vui lẫn lộn, nhưng chắc chắn là hầu hết đều tin buồn ít, vui nhiều. Có lẽ, niềm tin năm mới sẽ khác hơn, đẹp hơn, giàu có và hạnh phúc hơn đã cho mỗi chúng ta cảm giác đó? Ngẫm theo cái lẽ này, Tết thật là diệu tuyệt. Ta vừa được sum vầy với tiên tổ, cha ông; vừa có cái cảm giác mỗi năm một lần vì sự bâng khuâng và những thoáng chốc thảng thốt ngập ngừng; và, ta mới vỡ ra rằng, thêm một tuổi là thêm một niềm vui thực sự để được sống - hiểu và tri ân cuộc đời…
HÀ VĂN THỊNH