Chuyện tình và tiền của cựu ứng viên Tổng thống Mỹ

Vị cựu thượng nghị sĩ Johnny Edwards bị cáo buộc trong thời gian vận động để đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử chức tổng thống vào năm 2008, đã dùng các khoản tiền quyên góp thuộc liên danh tranh cử của mình vào mục đích riêng. Cụ thể là để che giấu quan hệ với người tình và đứa con ngoài giá thú.

Ngày 14/5/2012, những người bảo vệ cựu ứng viên Tổng thống Mỹ - Johnny Edwards, đã thất bại nặng nề trong phiên tòa xét xử chính khách này…

Johnny Edwards tại tòa
Johnny Edwards tại tòa.

Cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - ông Johnny Edwards, bị cáo buộc vi phạm luật bầu cử. Trong phiên tòa ngày 14/5, tòa án đã không cho phép ông Scott Thomas - cựu chủ tịch Ủy ban bầu cử liên bang - phát biểu bảo vệ ông Johnny Edwards. Scott Thomas là nhân chứng quan trọng nhất trong vụ án này và ông dự tính sẽ tuyên bố rằng, vào năm 2008, ông Johnny Edwards trong khi chạy đua vào chiếc ghế tổng thống đã không vi phạm luật bầu cử.

Phiên tòa xét xử ông Johnny Edwards tại bang North Carolina bắt đầu vào ngày 23/4/2012. Vị cựu thượng nghị sĩ bị cáo buộc trong thời gian vận động để đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử chức tổng thống vào năm 2008, đã dùng các khoản tiền quyên góp thuộc liên danh tranh cử của mình vào mục đích riêng. Cụ thể là để che giấu quan hệ với người tình và đứa con ngoài giá thú. 

Bên công tố khẳng định, ông Johnny Edwards đã lạm chi gần một triệu USD tiền quyên góp không hợp pháp (liên danh tranh cử của ông này nhận tiền quyên góp vượt xa ngưỡng quy định đối với các nhà tài trợ cá nhân). Ông Johnny Edwards đối diện với mức án 30 năm tù giam và khoản phạt khoảng 1,5 triệu USD. Tất nhiên chính khách này luôn phủ nhận mọi cáo buộc với ông và nói rằng mình vô tội.

Các chuyên gia pháp lý quan sát phiên tòa nhận định rằng, vấn đề cốt lõi là ông Johnny Edwards có chi không đúng mục đích tiền quyên góp hay không. Nếu như đúng như vậy thì rõ ràng ông sẽ là người phạm tội. Nhưng nếu tiền mà ông Johnny Edwards dùng để nuôi tình nhân và đứa con ngoài giá thú, không phải là tiền của các nhà tài trợ thì hiển nhiên ông hoàn toàn vô tội.

Nếu ông không vi phạm luật bầu cử, không dùng tiền tranh cử cho mục đích riêng, tòa không thể xét xử ông thì dù có thế nào, vụ án này đã làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của ông Edwards. Khó ai có thể lại tuyên án một cựu thượng nghị sĩ 30 năm tù chỉ vì vì có tình nhân và một đứa con gái ngoài giá thú.

Trong vụ án này, luật sư của ông Edwards đã tìm kiếm được sự ủng hộ cực kỳ có giá trị từ ông Scott Thomas trước bồi thẩm đoàn. Ông Thomas cho rằng, số tiền mà cựu thượng nghị sĩ Johnny Edwards nhận được từ hai nhà tài trợ giàu có và dùng để che giấu cho các lỗi lầm của mình không phải là tiền quyên góp cho liên danh tranh cử của ông.

Tuy Scott Thomas không được phát biểu trước tòa vào ngày 14/5, nhưng không hẳn là Edwards đã mất tất cả. Vào ngày này, bà Lora Haggard - người chịu trách nhiệm về tài chính trong thời gian vận động tranh cử của ông Edwards - đã phát biểu trước  tòa. Lora Haggard cho biết, vào năm 2008, chính quyền đã thanh tra liên danh tranh cử và đã không tìm thấy bất cứ sự vi phạm nào.

Theo lời bà Lora, Ủy ban bầu cử liên bang biết về khoản tiền mà ông Edwards sử dụng riêng, nhưng không yêu cầu tính số tiền này vào báo cáo tài chính chính thức. Lora Haggard nhấn mạnh, số tiền này không sử dụng để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho ông Edwards.

Johnny Edwards trả lời phỏng vấn báo chí
Johnny Edwards trả lời phỏng vấn báo chí

Những người bảo vệ vị cựu thượng nghị sĩ toan tính chứng minh số tiền mà ông sử dụng là “quà tặng từ bạn bè”. Luật sư của ông Edwards bảo vệ quan điểm, ông che giấu người tình và đứa con ngoài giá thú khỏi vợ con của mình chứ không phải khỏi cử tri Mỹ.

Trong khi đó, phía công tố lại có quan điểm ngược lại rằng, ông Edwards làm như thế vì mục đích chính trị. Ông che giấu để tạo hình ảnh mình là người đàn ông gương mẫu của gia đình nhằm lấy lòng các cử tri Mỹ.

Lý ra, ông Scott Thomas đã có thể phát biểu trước tòa, tuy nhiên, nữ thẩm phán Catherine C. Eagles cho rằng, bồi thẩm đoàn không nhất thiết phải nghe lời trần tình của ông này. Theo bà Catherine bản chất của luật pháp là tự nó có thể phân biệt được đúng sai, chứ không phải là người làm chứng.

Bồi thẩm đoàn - bà Catherine nhấn mạnh - tự quyết định ông Edwards có vi phạm luật hay không. Kết quả mà Ủy ban bầu cử liên bang tiến hành vào năm 2008 theo bà thẩm phán là không thể chấp nhận, bởi hiện không thể biết được khi đó ủy ban này đã kiểm tra cụ thể những gì.

Tạp chí National Enquirer đăng trang bìa hình ảnh người tình và đứa con ngoài giá thú của ông Edwards.
Tạp chí National Enquirer đăng trang bìa hình ảnh người tình và đứa con ngoài giá thú của ông Edwards.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, tòa án từ chối để ông Scott Thomas phát biểu là một đòn khá nặng giáng vào việc bảo vệ ông Edwards. Hơn thế, báo The New York Times đăng bài nói rằng, tình hình trở nên khá hỗn độn  khi thiếu hẳn phát biểu của ông cựu chủ tịch Ủy ban bầu cử liên bang.

Trong khi Ủy ban bầu cử liên bang khẳng định số tiền mà ông Edwards sử dụng không phải là tiền quyên góp cho tranh cử, thì Bộ Tư pháp Mỹ lại có ý kiến ngược lại. Phần lớn số tiền này ông Edwards dùng để nuôi tình nhân Rielle Hunter. Người phụ nữ này sống tại nơi ở của trợ lý ông Edwards là Andrew Young.

Chính Andrew là người nhận đứa con ngoài giá thú của ông Edwards là con của mình (trước năm 2010, vị cựu thượng nghị sĩ phủ nhận đó là con mình). Chính Andrew Young là người biết rõ các bí mật của sếp mình và là nhân chứng chính tại tòa nhằm buộc tội ông Edwards.

Tuy nhiên, luật sư của Edwards lại toan tính chứng minh rằng, không thể tin Andrew, trong đó có cả việc vị cựu trợ lý này còn bịa đặt, thêu dệt các chứng cớ trong cuốn sách mà ông ta viết về vụ việc này (cuốn sách mang tên “Nhà chính trị” và đã được dựng thành phim). Và Andrew đã lấy một phần “số tiền bí mật” để xây dựng ngôi nhà của mình.

Trong nhiều năm Johnny Edwards khẳng định mình không biết có ai đó che giấu người tình và đứa con ngoài giá thú. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, phía công tố đã trưng ra bằng chứng rằng, vị cựu thượng nghị sĩ đã tiếp xúc với người tình (đang lẩn trốn) tại nhà người trợ lý (Andrew) của mình. Edwards cũng giao tiếp với những người đã giúp đỡ, che giấu Rielle Hunter. Dù vậy, phía công tố lại không thể chứng minh là ông Edwards chủ ý vi phạm luật về tài trợ bầu cử. 

Chưa biết kết cục vụ án rồi sẽ ra sao. Nhưng tòa án lương tâm với Johnny Edwards đã lên tiếng. Chỉ vì tình và tiền, ông đã bội bạc người vợ đau yếu của mình. Chì vì tình và tiền ông đã phụ bạc những người đã tin vào phẩm chất chính trị của ông. Giờ có hối thì ông cũng không thể sửa chữa những sai lầm của mình.

Ông Johnny Edwards làm quen với Rielle Hunter tại một bar ở thành phố New York. Vị cựu thượng nghị sĩ cho cô làm người quay video trong liên danh tranh cử của mình. Cô gái này đã theo ông Edwards trong các chuyến đi vận động tranh cử. Vào tháng 10/2007, bài báo đầu tiên về việc vị cựu thượng nghị sĩ phản bội vợ mình - bà Elizabeth, được đăng tải.

Thời gian đầu, ông Edwards phủ nhận những cáo buộc này. Tuy thế vào tháng 8/2008 ông thừa nhận mối quan hệ ngoài giá thú nhưng không công nhận mình có con rơi.

Cũng vào thời gian này, ông không theo đuổi tranh cử vì thất bại trong vận động (lúc đầu, Edwards, H. Clinton, B. Obama được đảng Dân chủ đánh giá là những gương mặt quan trọng để đề cử làm ứng viên tổng thống). Vào tháng 1/2010, Johnny Edwards thừa nhận mình là bố của đứa con ngoài giá thú khi mà vợ ông đã từ bỏ ông.

Vào tháng 12/2010, Elizabeth qua đời vì chứng bệnh ung thư.    

Ngụy Ngữ Ngôn

Đọc thêm