|
Học để thay đổi cuộc sống.
Vương Thị Mỵ sinh năm 1982 ở Lương Thượng, Na Rì, Bắc Cạn. Mỵ sinh ra trong một gia đình đông con - nhà có 13 anh chị em. Mỵ tâm sự: Bố mẹ cô nghèo khổ lắm. Nhà đông con nên quanh năm suốt tháng chỉ biết có hạt ngô. Chứng kiến cảnh nghèo khổ của gia đình, bà con trong bản nên bố mẹ luôn có ý thức cho anh em Mỵ đi học để vươn lên. Và từ nhỏ, Mỵ đã có ý thức và lòng ham học. Thời gian học tiểu học, trường ở trong bản nên anh em Mỵ đỡ vất vả hơn khi tới trường. Nhưng khi học lên lớp năm, không còn trường ở bản, Mỵ phải ra trung tâm xã. Học lên cao hơn thì Mỵ phải lên tận huyện. Mỵ nhớ lại, mình và anh trai phải dậy từ 4 giờ sáng, đi bộ qua không biết bao nhiêu con suối, đèo để kịp vào lớp học lúc 7 giờ. Nhiều hôm trên dọc đường đi học về bị lả đi vì đói và mệt. Thương con, nhiều lần bố mẹ bảo anh em Mỵ nghỉ học, nhưng Mỵ không chịu. Thấy con mê học quá, nên bố mẹ Mỵ đã làm một cái lán gần trường để cho con nghỉ lại. Rồi bố mẹ mang ngô, gạo, quần áo, chăn màn lên tận lán. Từ đó, lán trở thành “tổ ấm” cho anh em Mỵ và các bạn trong bản đi học, cuối tuần mới về nhà.
Học hết lớp 12, Mỵ tiếp tục theo học Trung cấp Lâm nghiệp ở Yên Hưng, Quảng Ninh. Học như thế, đối với người Mông là hiếm lắm!. Quyết tâm học và phấn đấu như Mỵ là một tấm gương đáng khuyến khích. Sau này, khi được tín nhiệm bầu vào HĐND xã Hùng Lợi, cô lại được cử đi học trường văn thư lưu trữ. Công việc hiện tại của Mỵ là cán bộ văn phòng, thống kê ở bộ phận tiếp dân một cửa.
Nghìn lời nói không bằng một việc làm.
Năm 2003, Mỵ lập gia đình. Rồi theo chồng về làm dâu ở Tuyên Quang và chuyển đến khu tái định cư Nà Mộ của người Mông ở xã Hùng Lợi vào năm 2004. Bản có gần 70 hộ người Mông. Trong bản, có người dân tộc Mông trắng, Mông hoa... Hầu hết bà con người Mông trong bản của Mỵ vốn “sống lang thang” trên núi cao, được nhà nước làm nhà và chuyển về đây sinh sống khoảng gần chục năm nay. Mỵ cho biết, phần lớn người Mông ở đây trình độ học vấn thấp, nhận thức của bà con về các chủ trương, chính sách của Đảng còn hạn chế. Hồi đầu mới chuyển về đây, bà con vẫn quen với tập quán canh tác và sinh hoạt cũ, đau ốm thì chỉ cúng bái, cầu nguyện chứ không đi khám chữa. Trẻ em và thanh niên cũng chẳng muốn học hành, bởi càng không học, họ càng chẳng biết học để làm gì. Trình độ hạn chế kéo theo nhiều thiệt thòi, nên bà con càng mặc cảm... Mỵ tâm sự, mình được đi học từ nhỏ. Và mình hiểu rằng: không học thì không thể thay đổi cuộc sống khổ cực được. Vì vậy, mình đã tích cực đi vận động bà con cho con cái đi học và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mỵ bảo, đối với người Mông, hàng nghìn lời nói không bằng một việc làm nên Mỵ thay lời nói bằng những việc làm cụ thể. Chẳng phải là phong trào gì, Mỵ cùng với chị em và các bạn thanh niên trẻ trong bản bảo nhau, cứ thế mà làm thôi. Những việc nhỏ như trồng những loại cây mới quanh nhà mình, ruộng mình, hoặc mùa đông thì đi tất ấm mặc áo ấm cho trẻ con, ốm đau thì cho uống thuốc... Ngày qua ngày, việc nhỏ như mưa dầm thấm lâu, rồi đồng bào nhận thấy và thay đổi dần dần, chứ không thể hô hào bằng lời nói suông được… Học chuyên ngành về khuyến nông, chính với công việc mà Mỵ làm ban đầu, cô đã phổ cập những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi cho bà con người Mông trong bản. Đến nay, dù ruộng rẫy không có nhiều, nhưng bản người Mông của Mỵ, bà con đã biết trồng lúa nước, trồng cây mía, cây ngô, chăn nuôi gà vịt và làm thêm nhiều nghề khác. Cuộc sống bà con trong bản được nâng lên! Với sự cố gắng trên, Mỵ được khen thưởng và năm 2007, Mỵ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỵ chỉ có một suy nghĩ rất giản dị: Vào Đảng để có nhiều điều kiện tiếp thu những chủ trương, chính sách của Đảng để tuyên truyền, vận động bà con làm theo đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Ngược lại, Mỵ cũng muốn mình có thể đem những ước muốn của bà con đến được với các cấp, các ngành, hoạch định những chính sách phù hợp với bà con các dân tộc nói chung, dân tộc Mông nói riêng.
Về dự Đại hội lần này, đại biểu trẻ nhất Đại hội, đại diện cho bà con người dân tộc thiểu số mong muốn Đại hội Đảng XI sẽ thảo luận và đưa ra những quyết sách lớn có tính chiến lược để tăng tốc phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH. Mỵ cũng tâm sự, mong Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số có cơ hội học tập, rèn luyện, trưởng thành.
Đại biểu Vương Thị Mỵ bộc bạch, dự Đại hội cô sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ nghị quyết Đại hội, để khi về địa phương sẽ cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân cùng thực hiện để sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Theo xaydungdang.org.vn