Chuyện về cây thước kẻ và tấm lòng người thầy

(PLVN) - Những cây thước kẻ giờ đây không còn là “công cụ” để thầy cô phạt những trò hư. Xã hội nhiều thay đổi, các giá trị cũ cũng dần đổi thay trước các luồng quan điểm mới cũ. Hình ảnh những cây thước kẻ nghiêm khắc nhưng mang tấm lòng người thầy vẫn khắc khoải trong lòng những học trò thế hệ ngày xưa…
Sau những hình phạt dành cho học sinh là án kỉ luật không hề nhẹ dành cho thầy, cô giáo.

Hậu quả từ những đòn roi dành cho học sinh

Năm 2019, cô giáo Lê Thị Quy, giáo viên lớp 9 một trường tại Hà Nội đã bị đình chỉ dạy vì bắt học sinh quỳ. Dù rằng, nguyên nhân của việc bắt quỳ là em học sinh sai phạm, dù rằng phụ huynh đã có lần lên tiếng, mong giáo viên “cứ phạt quỳ” để giáo dục con em mình thì cô giáo vẫn bị xử lý kỉ luật. Lý do là bởi cô đã hành xử sai với tôn chỉ và phương pháp giáo dục sư phạm. 

Một thầy giáo khác ở Sơn La cũng bị đình chỉ giảng dạy vì bắt học sinh quỳ. Trước đó, học sinh này đã có lời xúc phạm nghiêm trọng đến thầy giáo. Đồng tình với các quyết định nói trên, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, việc bắt học sinh quỳ như thế là xúc phạm đến các em, sỉ nhục các em trước mắt bạn cùng lớp, tổn thương tinh thần các em. 

Cách đây không lâu, một giáo viên dạy tiếng Anh tại khối tiểu học ở Buôn Ma Thuột đã nhận hình thức kỉ luật tạm đình chỉ giảng dạy vì hành vi bạo lực với học sinh. Cụ thể, trong một giờ học, thầy giáo Lộc đã tát một học sinh lớp 4. Một thầy giáo khác ở Nghệ An thì bị kỉ luật, luân chuyển đến trường khác vùng sâu vì tát một em học sinh lớp 9 trong giờ học do em này không chép bài và có thái độ không tốt với thầy. 

Khó có thể kể hết các trường hợp trong những năm qua về những người thầy bị xử lý kỉ luật khi sử dụng biện pháp xử phạt “quá tay” với học sinh. Phạt quỳ, ngậm thước kẻ, khẽ tay, tát vào mặt… Kết quả là kỉ luật, tạm đình chỉ, nghỉ dạy, bị luân chuyển nơi công tác hoặc thay đổi công việc.

Cái sai của những thầy, cô giáo ấy là có thật. Sai vì đã để cơn nóng giận lấn át lý trí, đã dùng phương pháp sai lệch với tôn chỉ của ngành sư phạm. Đã gieo trong các em mầm mống của hành xử bạo lực. Nhưng nếu hỏi, các thầy, cô có đáng bị xử lý như thế không thì không hẳn ai cũng đồng tình. 

Rất nhiều trong số những xử phạt quá tay của thầy, cô, ngoài đến từ nóng giận, còn đến từ sự lo lắng thật tâm, mong muốn các em tiến bộ, thay đổi. Cũng không ít trường hợp trong số đó, học sinh xúc phạm đến thầy, cô giáo nặng nề, đòi hành hung cả thầy, cô, dẫn đến sự bùng phát thiếu kiểm soát của thầy, cô. 

Và có cả những trường hợp, thầy, cô giáo oan ức không thể nói thành lời. Như cách đây vài năm, tại Bình Thuận, có trường hợp một học sinh không tuân thủ kỉ luật trong lớp, bị cô giáo mời lên phòng giám hiệu mắng. Chỉ vài lời mắng mỏ như một người thầy dạy dỗ học sinh, thế mà em học sinh sau đó chạy ra ban công văn phòng và nhảy xuống.

 Giáo dục không bạo lực là điều mà giáo viên giờ đây cần hướng đến.

Cô giáo phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: Công an mời lên làm việc, nhà trường đòi xử lý kỉ luật, phụ huynh đòi hành hung, cộng đồng mạng “ném đá”… Cho đến một thời gian sau đó, qua điều tra mới phát hiện ra em học sinh đã trầm uất lâu ngày do chuyện gia đình và bày tỏ ý định muốn kết thúc cuộc đời với bạn bè.

Cái lỗi của cô giáo là không kịp thời nắm bắt tâm tư học sinh. Nhưng cái giá mà cô phải nhận cho những lời mắng học sinh là quá nặng nề. Và gia đình học sinh ấy, dù là lỗi phía mình vẫn một mực đổ trách nhiệm lên đầu cô giáo.

Khi người thầy bị tước đi công cụ

Đã bước chân vào nghề giáo, nhất là thời buổi hiện nay, ai mà chẳng phải tâm niệm, đối mặt với phụ huynh không hiểu chuyện chính là một phần của nghề. Phụ huynh, có người trân trọng, kính nể thầy, cô, những người ngày ngày dạy dỗ con cái mình. Nhưng cũng có những người chỉ coi thầy, cô như những người nhận lương để dạy con cái họ.

Một cái nghề sòng phẳng, chỉ cần dạy đủ tiết ra về. Họ nơm nớp lo lắng con mình có bị thầy, cô bắt nạt, dùng bạo lực thể xác hay tâm hồn. Họ dạy con, nếu bị thầy, cô đánh phải về mách gia đình ngay, thậm chí có thể tự vệ. Họ trang bị cho con em mình điện thoại thông minh để có thể ghi lại bằng chứng thầy, cô giáo giảng dạy sai cách, hành vi thiếu chuẩn mực.

Thế nên mới có những trường hợp phụ huynh kéo cả nhà lên trường mắng mỏ thầy giáo, chặn đường hành hung, bắt cô quỳ xuống xin lỗi học sinh. Có trường hợp học sinh tát thẳng vào mặt cô giáo trước lớp học. Có các em học sinh khiêu khích thầy, cô giáo, nếu mắng chửi mình sẽ bị quay phim tung lên mạng cho cả cộng đồng “ném đá”…

Ngay cả các quy chế giáo dục cũng không cho phép những thầy, cô có xử phạt quá đà. Tại khoản 4 Điều 6 Quy chế ban hành kèm Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về việc giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo quy định, giáo viên “không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác”.

Bên cạnh đó, tại Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư số 28/2020/BGDĐT và Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư số 32/2020/TT-BGTĐT cũng đều có quy định: Giáo viên, nhân viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp (theo Điều 31 Thông tư 28, Điều 31 Thông tư 32). Đồng thời, trong bất kỳ trường hợp nào, giáo viên cũng không có quyền đánh học sinh. 

Thế nên, giờ đây, có thầy, cô giáo còn thầm thì nói với nhau: “Học sinh nó có hư thì cũng đành “nhắm mắt làm ngơ”, chứ đụng vào một là bị kỉ luật, hai là bị gia đình học sinh hành hung”. 

Chuyện những cây thước kẻ

Cách đây ít lâu, trên diễn đàn về giáo dục con cái, một phụ huynh đã đăng tải nỗi bức xúc chuyện con trai mình học lớp 4 bị cô giáo “giáo dục bằng bạo lực”. Do quên làm bài tập trên lớp nhiều lần, cậu bé bị cô giáo dùng thước kẻ đánh vào tay học sinh.

Phát hiện ra sự việc, phụ huynh xót con lên mạng bày tỏ nỗi bức xúc và cho biết sẽ lên gặp ban giám hiệu nhà trường để “làm rõ sự việc”. Có không ít bậc cha mẹ trong diễn đàn cùng bày tỏ bức xúc với phụ huynh nói trên. Những từ “phản giáo dục”, “phi sư phạm”, “không xứng đáng đứng trên bục giảng” được thốt ra. Có nhiều người quá khích còn đòi đưa cô giáo ra khỏi môi trường sư phạm.

Cho đến khi một thành viên diễn đàn lên tiếng: “Chẳng lẽ không ai trong chúng ta từng có một người thầy?”. Ai trong chúng ta cũng từng có một người thầy nghiêm khắc. Một người thầy từng lớn tiếng trách mắng học sinh.

Một người thầy từng dùng thước kẻ khẽ đến đỏ tay, bắt học sinh nằm dài quất sưng mông, từng bắt học sinh quỳ cả tiết học trên bục giảng. Nhưng đó cũng chính là người thầy mà chúng ta nhớ nhiều nhất khi rời bục giảng. Người thầy khiến chúng ta biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là những giới hạn không thể vượt qua của một người học trò.

Sau những tiếng nói ấy, những người đang sôi sùng sục đòi “công lý” cho em học sinh bỗng nhiên dịu xuống.

Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, chuyện thầy phạt trò là chuyện quá bình thường. Các bậc cha mẹ thậm còn khuyến khích, nhờ vả điều này nhằm mong muốn con nhờ “kỉ luật sắt” mà nên người. Ngày ấy còn có câu “thầy nghiêm mới có trò giỏi”.

Thầy cô khi ấy có nhiều hình phạt dùng cho học sinh, như quỳ xơ mít, ngậm thước kẻ quỳ trên bàn, nằm sấp đánh vào mông, quỳ úp mặt vào bảng đen… Học trò ngày ấy, bị phạt là về nhà im thin thít không dám mách ba mẹ, vì ba mẹ biết còn đánh đòn thêm.

Thầy, cô nghiêm đáng sợ là thế, mà chính những thầy, cô nghiêm khắc ấy lại tình cảm, yêu thương và có trách nhiệm với học trò vô cùng. Học trò sau này chắp cánh bay xa vẫn nhớ mãi những bài học đòn roi đầu đời cũng như tình thương yêu, trách nhiệm của thầy, cô giáo.

Mỗi thời mỗi khác. Giờ đây, sự du nhập văn hóa phương Tây, sự phát triển của xã hội đã thúc đẩy thay đổi về nguyên tắc ứng xử với học sinh, dẫn đến sự thay đổi không nhỏ trong mối quan hệ thầy trò.

Dẫu biết rằng thời đại là thế, thầy, cô phải thích ứng, phải biết thay đổi, để nghiêm mà không dữ, để kỉ luật không bạo lực và nước mắt, dạy dỗ học sinh nên người không cần đến xung đột với các em và với phụ huynh… Nói là thế, nhưng sao khó quá. Những áp lực đặt lên vai người thầy mới nặng nề làm sao.  

Đọc thêm