Chuyện về hai nông dân trẻ nhận Giải thưởng Lương Định Của

100 nông dân trẻ xuất sắc đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước vừa được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của - Giải thưởng dành tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực cho công tác Đoàn, hội ở từng địa phương. Tỉnh ta có 2 thanh niên tiêu biểu được vinh danh…

100 nông dân trẻ xuất sắc đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước vừa được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của - Giải thưởng dành tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực cho công tác Đoàn, hội ở từng địa phương. Tỉnh ta có 2 thanh niên tiêu biểu được vinh danh…

Làm giàu bằng nghề truyền thống

Khởi nghiệp từ năm 26 tuổi với 20 triệu đồng, đến nay, anh Bùi Xuân Thuỷ, xã Yên Tiến (Ý Yên) đã là chủ của cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ xuất khẩu, với gần 30 lao động, hàng năm thu nhập hàng tỷ đồng.

Từ năm 1999, anh Thuỷ đã tham gia công tác Đoàn và được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Yên Tiến. Là cán bộ Đoàn, anh luôn trăn trở tìm cách phát triển nghề mây tre đan truyền thống của quê hương để làm giàu cho bản thân, đồng thời giúp đỡ thanh niên trong xã cùng vươn lên. Với quyết tâm đó được sự ủng hộ của gia đình, chính quyền địa phương, anh Thuỷ đã tìm hiểu và nhận thấy: Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường thì phải có mẫu hàng độc đáo. Vậy là anh lao vào học nghề mây tre đan, tìm đến những nghệ nhân giỏi nhất trong làng để tìm hiểu, học hỏi. Chỉ sau thời gian ngắn, anh đã sáng tạo được những mẫu mới để chào bán ra thị trường. Đơn hàng tới tấp đến, anh mở xưởng lớn hơn, tập hợp thêm thanh niên trong làng, lập trung tâm sản xuất mẫu của làng. Để tạo thương hiệu, anh liên tục sáng tạo mẫu mới độc đáo và tham dự các cuộc thi sản phẩm mây tre đan ở trong và ngoài nước. Kết quả từ những nỗ lực không biết mệt mỏi ấy là hệ thống nhà xưởng rộng 2.000m2 cùng với cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại tỉnh Bình Dương. Mấy năm gần đây, anh đã đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài và bước đầu được khách hàng ưa chuộng. Năm 2010, doanh thu của cơ sở do anh Thuỷ quản lý đạt hơn 3 tỷ đồng, trong đó số lãi ước tính đạt hơn 1 tỷ đồng. Dù rất bận với việc kinh doanh nhưng anh Thuỷ vẫn tích cực tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên của xã. Năm 2009, anh đã được trao tặng kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của TW Đoàn vì đã nỗ lực hướng nghiệp và tạo việc làm ổn định cho thanh niên trong xã. Anh chia sẻ: “Đoàn kết, thay đổi cách nghĩ, cách làm, không trông chờ, ỷ lại là chìa khóa để thanh niên nông thôn làm giàu cho bản thân cũng như tham gia vào tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn”. Thành tích của anh Thuỷ có được là nhờ vào sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của tổ chức Đoàn, Hội LHTN và sự nỗ lực của bản thân. Anh mong ngày càng có nhiều thanh niên tiêu biểu được nhận giải thưởng như mình, để góp phần vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.

Bám trụ đồng đất quê hương

Sinh năm 1986 nhưng Trần Công Phúc, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) già dặn hơn với những tính toán sản xuất, kinh doanh. Anh là một trong hai gương mặt trẻ nhất được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2010. Nghe Phúc trải lòng về con đường khởi nghiệp của mình mới thấy, lập nghiệp ở vùng nông thôn, điều cần hơn cả là sự tự tin vào bản thân, mạnh dạn đưa ra những quyết định đúng đắn thì sẽ thành công.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Phúc nuôi chí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Cũng trong thời điểm đó, xã có chủ trương khuyến khích nông dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp không hiệu quả. Với số vốn gần 30 triệu đồng, được gia đình ủng hộ, anh mạnh dạn nhận 2ha đất cấy lúa kém hiệu quả của xã để đào ao, nuôi cá. Phúc nhớ lại: “Những bước đi đầu tiên thực sự khó khăn. Lúc đó ở đây không có điện, nước, chỉ có mình tôi với đồng ruộng mênh mông. Đất ở đây vốn rất trũng và chua. Ngay vụ đầu tiên tôi đã thất bại do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm được kỹ thuật nuôi nên cá bị bệnh. Khó khăn chồng chất khiến tôi rất lúng túng. Nhưng tôi nghĩ, cần phải tìm ra phương cách phù hợp”. Và hướng đi của Phúc là thực hiện mô hình nuôi cá luồn lúa theo hướng nuôi công nghiệp để tận dụng thức ăn và chi phí đầu tư thấp. Anh đã đi nhiều nơi để quan sát, mày mò học hỏi qua sách báo, không ngại thử các phương pháp khác nhau để tích luỹ kinh nghiệm. Thấm thoát cũng đã hơn 5 năm Phúc gắn những buồn, vui của mình với ao cá, mảnh ruộng, mảnh vườn. Lấy ngắn nuôi dài, được đồng lãi nào anh lại đầu tư mở rộng sản xuất, đào thêm ao nuôi con giống. Với 1 ao cá ban đầu, đến nay diện tích ao nuôi thuỷ sản của anh đã tăng lên đến 10ha, hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Phúc cho biết, anh rất bất ngờ và xúc động khi được trao tặng Giải thưởng Lương Định Của, anh chia sẻ: “Nếu có lòng yêu và say mê nghề chăn nuôi, trồng trọt, có ý thức học hỏi, các bạn trẻ ở nông thôn đều có thể vươn lên làm giàu ngay tại quê hương”. 

Với Giải thưởng Lương Định Của năm 2010, Bùi Xuân Thuỷ và Trần Công Phúc chính là hạt nhân động viên, cổ vũ thanh niên trong tỉnh phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Ngân Huyền

Đọc thêm