Chuyện về một ngôi trường đại học

Từ những ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên sau chiến tranh. Ngày 11-7-1975, Ủy ban Nhân dân Cách mạng khu Trung Trung Bộ đã ra Quyết định số 66/QĐ thành lập Viện Đại học Đà Nẵng. Đến tháng 10 năm 1976, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ra đời theo Quyết định số 426/TTg của Hội đồng Chính phủ. Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt trong 5 năm gần đây...

Từ những ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên sau chiến tranh. Ngày 11-7-1975, Ủy ban Nhân dân Cách mạng khu Trung Trung Bộ đã ra Quyết định số 66/QĐ thành lập Viện Đại học Đà Nẵng. Đến tháng 10 năm 1976, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ra đời theo Quyết định số 426/TTg của Hội đồng Chính phủ. Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt trong 5 năm gần đây...

Không để sinh viên "học chay"

Chuyện về một ngôi trường đại học ảnh 1

PGS - TS Trần Văn Nam 

So với một số trường thành viên khác thuộc Đại học Đà Nẵng, điều kiện cơ sở vật chất của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng được quan tâm đầu tư tương đối tốt, song vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong tình hình mới. Nhớ lại, hồi năm 2005, nhà trường còn một số mặt hạn chế, thiếu thốn như: phòng thí nghiệm dành cho sinh viên ngành Xây dựng; trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu ở nhiều ngành học; đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo ở nước ngoài, công tác hợp tác quốc tế còn ít…

Để giải quyết những khó khăn này, việc làm đầu tiên của lãnh đạo là tích cực mở rộng các mối quan hệ hợp tác trong nước và nước ngoài, thu hút các cơ hội đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo. Nhờ những nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo, nhiều đối tác trong và ngoài nước đã đồng ý đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để giúp nhà trường hoạt động hiệu quả. Cụ thể, trong những năm gần đây, có hàng loạt dự án lớn được đầu tư như: Dự án TRIG (Ngân hàng Thế giới) tài trợ 2 triệu USD xây dựng phòng thí nghiệm và cho cán bộ, giảng viên nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu; dự án thiết bị cơ - điện tử của Cộng hòa Áo tài trợ 5,3 triệu euro đào tạo nhân lực bậc cao ngành cơ khí; dự án Công nghệ sinh học và môi trường; Công nghệ thông tin 65 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, dự án Kỹ sư chất lượng cao do Cộng hòa Pháp tài trợ, Phòng Lab của Intel,…

Sau khi triển khai những dự án này, công tác giảng dạy, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và sinh viên đã được cải thiện. Điều kiện thực hành, thí nghiệm tương đối đầy đủ, do vậy chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên khởi sắc. Đến nay, các thế hệ sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã xuất sắc giành được nhiều giải thưởng lớn ở cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Hóa học, vô địch Robocon toàn quốc năm 2007, giải nhì Robocon toàn quốc năm 2008, vô địch Robocon mìn toàn quốc năm 2009, VIFOTEC, Honda Yes, Phát minh Sony Xanh...

Trước năm 2005, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường có 360 người, trong đó, chủ yếu là tốt nghiệp trong nước, tỷ lệ cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ còn ít. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc hằng năm tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở lại trường công tác, mặt khác, nhà trường và Đại học Đà Nẵng tích cực tạo cơ hội tìm các nguồn học bổng khác nhau, cũng như gần gũi, động viên cán bộ, giáo viên tiếp tục học tập, nghiên cứư nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ vậy, đến năm 2010, nhà trường đã có 530 cán bộ, giáo viên, trong đó 60% có trình độ sau đại học và hơn 20% có trình độ tiến sĩ.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế với các trường ĐH nước ngoài, trong những năm gần đây, bên cạnh việc đào tạo sinh viên đại trà ở các ngành học, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã chọn một số ngành học mũi nhọn đào tạo kỹ sư chất lượng cao, nhằm cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng tốt cho thị trường lao động Việt Nam và nước ngoài.

Chuyện về một ngôi trường đại học ảnh 2

Một góc khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Đoan 

Từ năm 1999, thực hiện dự án phối hợp đào tạo kỹ sư chất lượng cao giữa Chính phủ Cộng hòa Pháp và Chính phủ Việt Nam, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã đào tạo được 5 khóa kỹ sư chất lượng cao chuyên ngành Sản xuất tự động (với 120 sinh viên đã tốt nghiệp). Nhờ vào kết quả đào tạo tốt, năm 2008, Chính phủ Cộng hòa Pháp đã đồng ý cho nhà trường tiếp tục đào tạo thêm lớp kỹ sư chất lượng cao chuyên ngành Tin học công nghiệp cho gần 30 sinh viên/năm. Không dừng lại ở đó, nhà trường cũng đã phối hợp với hai trường đại học của Hoa Kỳ đào tạo Chương trình tiên tiến là Trường University of Washington đào tạo kỹ sư ngành hệ thống số (Điện tử) cho 40 sinh viên/năm và Trường Porland State University đào tạo kỹ sư ngành hệ thống nhúng (Điện tử-Tin học-Tự động hóa) cho 30 sinh viên/năm. Ngoài ra, còn có các lớp đào tạo kỹ sư "Chương trình Pháp ngữ" đối với sinh viên ngành Hóa dầu, Công nghệ thông tin, ngành Xây dựng với Đại học Nagaoka Nhật Bản, Công nghệ sinh học với ĐH Griffith Úc... và nhiều ngành liên thông 2(3)+2 với các đại học trên thế giới.

Đối tượng học những lớp này phải là những sinh viên có kết quả thi tuyển sinh đạt loại giỏi. Ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Pháp và tiếng Anh, do giáo viên người nước ngoài đứng lớp. Vì vậy, để theo học những lớp này, sinh viên phải có trình độ tiếng Pháp và tiếng Anh thật giỏi. Sau khi tốt nghiệp, ngoài văn bằng do Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cấp, sinh viên còn được Hiệp hội Kỹ sư châu Âu cấp chứng chỉ công nhận kỹ sư đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ vào khả năng ngoại ngữ tốt, hầu hết sinh viên các lớp kỹ sư chất lượng cao tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định tại các công ty lớn trên cả nước hoặc được các tổ chức nước ngoài tài trợ học bổng đi du học thạc sĩ, tiến sĩ. Và đã có gần 100 sinh viên theo học chương trình kỹ sư chất lượng cao, chương trình tiên tiến sau khi ra trường được nhận học bổng đi học nước ngoài và làm việc trong các công ty, cơ quan Nhà nước.

Qua 35 năm, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trở thành một trong 3 trường Đại học Bách khoa có uy tín, được thừa nhận rộng rãi. Từ ngôi trường này, hàng ngàn kỹ sư, hàng trăm nhà quản lý được giao những trọng trách khác nhau, đang ngày đêm đóng góp công sức cho quá tình phát triển của đất nước, trước hết là cho miền Trung, miền đất vốn nghèo và hậu quả chiến tranh nặng nề nhưng hiếu học. Quy mô đào tạo hiện nay của nhà trường là 22 nghìn sinh viên, gồm: 15.500 sinh viên hệ chính quy, 1.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh và 5.500 sinh viên các hệ đào tạo khác. Hằng năm, sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp luôn được các công ty, tập đoàn trên cả nước tìm đến săn đón về làm việc (Intel, Renesas, SDS, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất...). Theo số liệu thống kê, tỷ lệ sinh viên của nhà trường có việc làm sau thời gian ra trường 1 tháng ở mức 40 đến 50% và 1 năm là 100%.

PGS - TS Trần Văn Nam, một trong những SV khóa đầu tốt nghiệp từ ngôi trường này, nay là Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điều tha thiết của nhà trường là tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, chú trọng theo hướng nghiên cứu (tinh hoa), góp phần cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tạo nên những sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội miền Trung-Tây Nguyên và thành phố Đà Nẵng.

Với những thành tích đạt được, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhận được nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đơn vị và cá nhân của trường cũng nhận được các phần thưởng cao quý khác, trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba.


Ngọc Đoan

Đọc thêm