Xăng pha chì chiếm lĩnh thị trường
Những năm đầu thập niên 1910, Charles F. Kettering, trưởng phòng nghiên cứu cao cấp của General Motors (GM) đã phát hiện ra nguyên nhân của hiện tượng kích nổ, qua đó phát minh ra bộ khởi động điện tử, góp phần cách mạng hoá ngành công nghiệp sản xuất chế tạo ôtô. Tuy nhiên, phát kiến đó cũng tạo ra thách thức mới cho các nhà sản xuất: Tìm kiếm giải pháp chống kích nổ của nhiên liệu.
|
Thomas Midgley |
Trong khoảng gần 10 năm sau, các hãng xe hơi, các công ty dầu khí, hoá chất đã chi những khoản tiền khổng lồ, huy động rất nhiều nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu, thử nghiệm hàng loạt các đề án nhằm loại bỏ hiện tượng kích nổ. Và một lần nữa, lịch sử ngành công nghiệp sản xuất ôtô lại ghi danh một vị anh hùng của GM khi vào ngày 9/12/1921, Thomas Midgley đã khám phá ra tính chất chống kích nổ đặc biệt của hợp chất cơ-kim chứa chì mang tên chì tetra-ethyl.
Midgley đã khám phá ra rằng, cho chì tetra-ethyl vào xăng là một cách “nhanh, tốt và rẻ nhất” để tăng lượng octan, giúp động cơ không phát ra những tiếng kêu hay đánh lửa sớm. Chỉ cần 3-4 cc hợp chất này trong một gallon nhiên liệu (khoảng 3,79L), hiện tượng kích nổ trong động cơ sẽ hoàn toàn biến mất.
Thời gian đó, song song với việc cải tiến động cơ và thiết kế những mẫu xe mới, GM bắt đầu sản xuất chì tetra-ethyl và bán rộng rãi. Sau đó, hãng còn liên kết với các công ty hoá chất khác để hợp tác sản xuất mặt hàng siêu lợi nhuận này. Xăng pha chì bắt đầu chiếm lĩnh thị trường, sản lượng “chì tetra-ethyl” không ngừng tăng lên và chỉ một thời gian ngắn tất cả các loại xăng trên thế giới đều được pha hợp chất đặc biệt này.
Nhưng cũng như bao hoá chất thông dụng khác, bên cạnh những tính năng vượt trội, chì tetra-ethyl cũng có những ảnh hưởng đến sức khoẻ con người trên diện rộng. Chỉ hai năm sau khi ra đời, trong các phòng nghiên cứu của tập đoàn dầu khí Standar Oil, cứ 49 công nhân thì có đến 5 người chết và 35 nguời có hiện tượng ảnh hưởng thần kinh nghiêm trọng do ngộ độc chì hữu cơ. Chính vì chì quá nguy hiểm như vậy nên thành phố New York, Philadenphia và một số đô thị khác lập tức cấm bán xăng pha chì. Tuy nhiên, sau một thời gian sự kiện này lắng xuống và xăng pha chì lại tiếp tục được rao bán ra trên thị trường.
Trong các cuộc chiến tranh thế giới, lượng chì pha vào xăng tăng rất nhanh. Đến những năm 1970, mỗi năm có 375.000 tấn chì được sản xuất ra. Từ năm 1923 đến năm 1986, ước tính có đến 7 triệu tấn chì tetra-ethyl được trộn vào xăng.
Công nghiệp ôtô Mỹ “bứt phá” sau chiến tranh thế giới thứ II
Cuối năm 1945, vì nền sản xuất phục vụ chiến tranh đã chấm dứt nên nhiều công nhân lâm vào tình trạng thất nghiệp. Thêm vào đó, những người lính trở về từ chiến trận, không có việc làm gây nên sự bất ổn trong tầng lớp lao động. Năm 1946, 4,6 triệu công nhân Mỹ đã tổ chức bãi công.
Đứng trước tình hình đó, Tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ - Harry Truman đã đề ra Chính sách kinh tế công bằng “The Fair Deal”, trong đó quy định, Chính phủ liên bang nên đảm bảo cơ hội kinh tế và sự ổn định xã hội. Ông đã trình lên Quốc hội và được chấp thuận một chương trình gồm 21 điểm, nhằm đấu tranh chống lại những hiện tượng thuê nhân công bất bình đẳng, đòi một mức lương tối thiểu cao hơn, các khoản tiền bồi thường thất nghiệp lớn hơn và trợ giúp nhà cửa nhiều hơn.
Thêm vào đó, dưới sự đấu tranh của Công đoàn công nhân UAW, GM đồng ý tăng 18,5% lương cho công nhân, Ford và Chrysler cũng tăng 17,5%. Cuộc sống công nhân dần ổn định, nhu cầu xe mới tăng cao, tình hình cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ, bởi vậy, tất cả các nhà sản xuất lúc bấy giờ phải tìm cách làm mới mình, đóng cửa các nhà máy sản xuất thời chiến, tập trung nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng thời bình.
|
Cadillac Sixty Special |
Cuối năm 1945, tập đoàn sản xuất ôtô Studebaker đã cho ra đời một mẫu xe mang tên Starlite Coupe. Đây là một chiếc xe sở hữu vẻ đẹp cổ điển có dáng thuôn, mui xe dài, cản trước lồi ra bao quanh đầu mui xe và đặc biệt là có rất nhiều cửa sổ. Ngay sau khi được tung ra thị trường, sản phẩm này đã nhanh chóng chiếm được thiện cảm của khách hàng và trở thành một trong những chiếc xe đẹp nhất của thời hậu chiến. Nhưng Starlite cũng không tồn tại được đến những năm 1960, những thay đổi trong các mẫu mới đã “nuốt chửng” nó.
Đến năm 1948, nhà sản xuất Tucker giới thiệu mẫu xe Tucker sedan hay còn gọi là Tucker Torpedo có hình dáng dài, thấp được trang bị bộ động cơ bằng đồng, làm mát bằng không khí và đèn pha lớn ở trung tâm. Với mẫu xe này, trong mấy năm đầu, Tucker đã thu được khoảng 25 triệu USD thông qua việc bán cổ phần.
Một nhà sản xuất nữa cũng “tỏa sáng” ở thời hậu chiến là Kaiser and Frazer. Hãng này được thành lập năm 1945 bởi nhà tư bản Henry J. Kaiser cùng với người đồng sự Joseph Frazer - từng làm việc cho GM, Chrysler Corp., Willys-Overland và hãng sản xuất xe tải nhẹ Graham-Paige. Sau khi chiến tranh kết thúc, Kaiser and Frazer đã thuê nhà máy sản xuất Willow Run của Ford đồng thời thuê Howard Darrin, nhà thiết kế đã từng thiết kế thành công kiểu xe Packard trước chiến tranh về phụ trách khâu thiết kế.
Sản phẩm đầu tiên mang tên K-F đã giúp tập đoàn này vươn đến đỉnh cao vinh quang. Năm 1947, sản lượng xe năm của Kaiser and Frazer đạt 144.500 chiếc, đứng vị trí hàng đầu về số lượng xe sản xuất ra và doanh số tiêu thụ trong các hãng xe độc lập.
Tuy nhiên, đến những năm 1950, các nhà sản xuất độc lập nói trên đã không còn được ưa chuộng như trước, thay vào đó, khách hàng thường tìm đến các thương hiệu lớn như Chryler, Dodge, Ford, Lincoln hay Cadillac, GM… bởi ngoài những cải tiến về mặt động cơ, những mẫu xe này còn sở hữu một vẻ đẹp tươi mới, hiện đại và đầy sức sống.
Trong bộ ba nhà sản xuất hàng đầu của Detroit, GM có lẽ là nhà sản xuất phát triển mạnh mẽ nhất. Sau chiến tranh, “vị đại gia” này đã cho ra đời nhiều mẫu xe mang tính đột phá cho ngành công nghiệp thiết kế ôtô hiện đại như những chiếc concept động cơ xăng turbin Firebird dành cho tương lai, hay mẫu xe mang vẻ đẹp hoang dã và gặt hái được nhiều thành công Corvette.
Tiếp nối thành công của những mẫu xe nói trên, năm 1948, GM giới thiệu mẫu Cadillac Sixty Special, loại xe chuyên dụng của nhiều đời tổng thống với thiết kế sàn xe phẳng, khung cửa sổ viền crôm nhã nhặn, thùng xe được nới rộng như một chiếc coupe. Đặc biệt, đuôi xe thiết kế giống cánh đuôi đứng phi cơ tailfin tạo điểm nhấn độc đáo cho Sixty Special.
|
Tucker Torpedo có hình dáng dài, thấp được trang bị bộ động cơ bằng đồng, làm mát bằng không khí |
Không lâu sau đó, xe kiểu đuôi đứng đã trở thành biểu tượng của xe hơi nước Mỹ. Những năm 1950, những nhà sản xuất khác đã bắt chước xây dựng kiểu đuôi đứng của phi cơ tailfin cho tất cả những mẫu xe của mình.
Cùng với sự phát triển của xe đuôi đứng, các thương hiệu khác của GM như Buick, Cadillac, Chevrolet, Oldsmobile và Pontiac cũng liên tục cho ra đời nhiều mẫu xe mới như Super, Special và Roadmaster, Styline Deluxe, Chieftain Deluxe Eight.... gây được tiếng vang lớn trên thị trường.
Năm 1949, doanh số bán xe mới của GM đạt hơn 4,8 triệu xe, lập kỉ lục là hãng bán xe chạy nhất trên thế giới. Năm 1955, doanh số của hãng lên tới 7,2 triệu chiếc.
Với sự dẫn đầu của GM, những chiếc xe hơi ngày càng trở nên to lớn, sang trọng, mạnh mẽ, chắc chắn, an toàn và dễ điều khiển hơn.
Cùng thời, để tồn tại và tạo sức hút trên thị trường, Chrysler Corp., nhà sản xuất xe lớn thứ hai nước Mỹ thời bấy giờ cũng cho ra đời những mẫu xe hai cửa, xe bốn cửa và xe mui trần mới. Tuy nhiên, so với GM hay Ford, xe của hãng này không dành được sự quan tâm và khó tiêu thụ hơn bởi kiểu dáng không có nhiều nét mới mẻ và quá nhiều khoảng trống thừa trên xe dù chất lượng xe rất tốt.
Không chịu thua kém, Ford cũng đầu tư tự làm mới mình. Tất cả những mẫu thiết kế trước chiến tranh đều bị loại bỏ. Năm 1949, Ford cho ra đời mẫu xe sedan hai cửa mới mang vẻ đẹp cổ điển pha lẫn hiện đại với thiết kế khung xe hoàn toàn bằng thép, cản trước độc lập. Nhiều năm sau, những sản phẩm của các thương hiệu Lincoln, Mercury cũng tiếp tục “khuynh đảo” trên thị trường.
Tuy vẫn có những khó khăn nhất định nhưng ngành công nghiệp ôtô Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ II đã có những bước tiến mạnh mẽ. Sản lượng ôtô được sản xuất hàng năm tăng lên gấp bốn lần từ năm 1946 tới năm 1955. Có thể nói, 15 năm sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, với tư cách là quốc gia giàu có nhất thế giới, tổng thu nhập quốc dân (GNP) của Mỹ đã nhảy vọt từ 200 tỉ USD năm 1940 lên 300 tỉ USD năm 1950 và 500 tỉ USD năm 1960. Có được kết quả này, ngành công nghiệp ôtô đã đóng góp một phần sức lực không nhỏ.