Cô bạn mẫu ảnh của tôi…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đầu năm nay, cô bạn của tôi vừa khai trương quán cà phê. Hai mươi lăm tuổi, nhưng cô đã dần rời xa ánh đèn của giới showbiz. Tôi quen cô từ khi hai đứa mới học trung học. Bạn tôi như bao đứa trẻ khác, đi chiếc xe đạp cà tàng, xách chiếc cặp búp bê Barbie bước vào ngôi trường công lập bình thường.
Cô bạn mẫu ảnh của tôi…

Sau này, đến khi thân với nhau, tôi mới biết bố mẹ cô đều là diễn viên nổi tiếng. Ngay từ bé, cô đã xuất hiện trên các bài báo viết về bố, mẹ của mình. Đó là những trang nhất nổi đình đám mang tên những vụ ly hôn, việc sống chung giữa anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha của cô.

Lớn hơn chút nữa, khi chúng tôi học lớp 8, cô bộc lộ rõ năng khiếu nghệ thuật giống bố mẹ. Cô thích vẽ, thích ca hát, thích những gam màu trộn lẫn với nhau. Trái tim cô nhạy cảm, khao khát yêu thương, mong mỏi tìm thấy những tâm hồn đồng điệu. Nhưng cô thường xuyên bị mọi người khước từ. Các bạn cùng lớp, cùng khối đều rỉ tai nhau cô rất kiêu căng, trong khi họ chưa bao giờ bỏ thời gian để nói chuyện với cô. Mong muốn của họ là nhìn thấy những tai tiếng từ cô.

Nhưng cô chẳng bao giờ như vậy. Bạn tôi sống rụt rè, nhút nhát hơn ai hết. Bố mẹ cô thường xuyên không ở nhà, họ đi diễn, bận rộn với cuộc sống cá nhân, để mặc cô ở trong căn nhà heo hút với người bà đã già. Mỗi ngày, cô đều sống trong những lo lắng “liệu mình ngã xe ai sẽ chăm sóc?”, “bà ở nhà một mình chắc buồn lắm?”. Hôm nào đến trường, bạn tôi cũng đội chiếc mũ bảo hiểm to sụ, đạp chiếc xe lùn tịt dành cho học sinh lớp 5, lớp 6. Cuối tuần, khi đám nhóc chúng tôi rủ cô đi chơi, cô lúc nào cũng đòi về sớm để ăn cơm với bà.

Có lẽ, vì không ở gần bố mẹ từ nhỏ, nên cô khó hòa nhập với bạn bè. Cả lớp tôi có đến hơn 50 người, nhưng cô chỉ có một nhóm bạn nhỏ xíu vài ba người là chúng tôi. Nhưng cô là một người sống tình cảm hơn ai hết. Tôi nhớ mỗi dịp Noel cô lại tự tay tỉ mỉ làm từng tấm thiệp nhỏ tặng chúng tôi. Khi nào đến sinh nhật một thành viên trong nhóm, cô sẽ làm những bông hoa giấy, các món đồ thủ công. Vào thứ Bảy, chúng tôi tụ họp trong nhà một người bạn, vừa xem phim, vừa cùng nhau viết các câu chuyện, cô bạn tôi lúc nào cũng là người chuẩn bị các món ăn vặt. Có những hôm, cả nhóm đi chơi xa, cô lại lủi thủi ở nhà với con chó hàng xóm, con mèo Mun đen hoặc đi ra cuối con ngõ, nơi tập trung đám mèo hoang để cho bọn nó ăn.

Sau này, cô chuyển trường đi nơi khác, bẵng một thời gian, đến đại học tôi mới gặp lại cô. Cô bạn tôi đã trở thành một người mẫu ảnh, một diễn viên. Cô góp mặt trong một vài vai phụ rất nhỏ trên truyền hình. Nhiều khi tôi trêu cô sao mãi chưa nổi tiếng. Cô lè lưỡi nói: “Nếu cố gắng bám nghề thì chắc cũng nổi rồi!”.

Nhưng chúng tôi đều biết, cô không bao giờ chào đón ánh đèn sân khấu. Dù ngoại hình của cô bạn tôi ngày càng trở nên xinh đẹp, sang chảnh hơn bao giờ hết. Nhưng ký ức tuổi thơ bủa vây trong những bài viết về ly hôn, về “cách sống” chung với anh chị em cùng cha khác mẹ, khiến cô chẳng mặn mà gì với nghề này. Ngay đến cả khi lớn lên, dù cô tích cực hoạt động trong nhiều mảng, nhưng người ta chẳng để tâm đến, cô chỉ lên mặt báo khi bố mẹ cô có những “scandal” mới. Họ liên tục gọi cô, trò chuyện để khai thác những câu chuyện ly kỳ về cô con gái của cặp đôi diễn viên đã ly hôn.

Rồi cô làm người mẫu ảnh, thu nhập rất khá, thi thoảng được lên các tạp chí chụp ảnh. Cô kể rằng, có những “bầu sô” đề nghị cô hợp tác, gợi ý cô dùng những chiêu trò để nổi tiếng. Nhưng cô bạn tôi từ chối, cô tâm sự với chúng tôi: “Sống cho tử tế, đàng hoàng mới khó, chứ sống bằng tai tiếng thì chỉ cần một giây là đủ”. Cô không muốn sau này chồng cô, con cô, người bạn của cô như chúng tôi phải xấu hổ khi nhắc về cô. Cô nói rằng, đã không thể “nổi bật” nhờ những việc làm tốt, thì cô chọn sống trầm lặng, yên bình cho cuộc đời thanh thản.

Chúng tôi cứ nghĩ cô bạn của mình sẽ tiếp tục làm người mẫu ảnh. Đến năm nay, cô đột ngột mở một quán cà phê nhỏ trong con ngõ. Cô nói rằng, nghề của mình cũng có giới hạn tuổi, đến năm 28, 29 tuổi là hết tuổi nghề. Muốn nổi tiếng giữa hàng ngàn tên tuổi tài năng thật khó, nhất là khi cô đã bước sang tuổi 25, không còn trẻ nữa. Dùng chiêu trò, thì cô không làm được, nên đành mở quán nước nhỏ, lui về ở ẩn.

Quán nước của cô be bé, cô kiêm luôn người pha chế, mỗi ngày nào thì pha cà phê muối, nào là cà phê nước cốt dừa, nước lựu ép, trà mãng cầu,… mỗi món đều là thời gian, công sức cô bỏ ra để đi học. Nhiều lúc chúng tôi trêu cô “Bỏ cuộc chơi sớm!”. Cô nói đùa, chỉ cần kiếm tiền lương thiện thì ở đâu chẳng giống nhau.

Mấy ngày hôm trước, cô gọi điện khoe chúng tôi: “Hôm nay, quán vừa mua bàn cờ tướng đặt ở gần cửa, mọi người có ai muốn sang “đấu” cùng các cụ của xóm tôi không?”. Chúng tôi cười ồ lên, rồi chạy qua quán cô xem. Giờ đây, trong chiếc quán nhỏ, là hàng người đang uống cà phê, tô tượng và các cụ già tụ tập lại đánh cờ nhâm nhi cốc trà đá. Bạn tôi ngồi trong quán, vẫn xinh đẹp, vẫn ung dung hướng cặp mắt mơ màng ra bên ngoài cửa sổ - nơi có những người bình thường vẫn đang hối hả trên dòng đời tấp nập.

Đọc thêm